Người dân Triều Tiên chật vật đi đổ xăng

Người sử dụng ô tô ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên đang đổ xô đi đổ xăng do các trạm xăng bắt đầu giới hạn dịch vụ, thậm chí đóng cửa trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt xăng trầm trọng tại nước này.

Một trạm xăng ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên.
Một trạm xăng ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên.

Tấm biển bên ngoài một cây xăng ở Bình Nhưỡng hôm 21/4 thông báo, việc bán xăng bắt đầu được giới hạn, ưu tiên cho xe của các nhà ngoại giao và các tổ chức quốc tế.

Các cây xăng khác thậm chí còn đóng cửa hoặc không bán cho người dân địa phương. Điều này khiến dòng xe xếp hàng tại các trạm xăng dài hơn nhiều so với mọi khi, giá xăng cũng tăng đáng kể.

Hiện chưa rõ nguyên nhân của việc hạn chế bán xăng này cũng như thời gian kéo dài hạn chế.

Triều Tiên hiện phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về nguồn cung nhiên liệu. Trong khi đó nhiều nguồn tin tức cho hay Bắc Kinh đang siết chặt việc thực hiện các lệnh trừng phạt quốc tế lên Triều Tiên nhằm gây áp lực buộc nước này từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Vấn đề trên được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 21/4 sau khi tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin về việc giới hạn dịch vụ bán xăng và tăng giá xăng ở Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng đưa ra câu trả lời rất mập mờ về việc liệu Trung Quốc có đang hạn chế lượng nhiên liệu cung cấp cho Triều Tiên hay không.

Ông Lục nói: “Về chính sách mà Trung Quốc đang áp dụng. Tôi nghĩ là các vị nên lắng nghe nhận xét hoặc thông cáo của chính phủ Trung Quốc. Đối với các tin đồn lan truyền trên mạng thì tùy thuộc vào các vị có muốn lấy đó làm nguồn tham khảo hay không”.

Khác với các nước khác trên thế giới, xăng tại Triều Tiên được bán theo kilogram chứ không theo lít. Khi mua xăng, khách hàng đầu tiên phải mua phiếu có điền thông tin số lượng xăng cần mua. Sau khi đổ xăng, phiếu này có thể sử dụng thêm nhiều lần cho đến khi hết hạn. Thông thường mỗi phiếu tương đương với 15 kg xăng.

Ở Triều Tiên, nhà nước kiểm soát việc cung ứng xăng. Lực lượng quân đội, các bộ và các dự án ưu tiên có quyền tiếp cận tốt nhất với nguồn cung cấp xăng.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ