Người dân tiếp tục chặn xe tải vào cảng biển Vissai Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Người dân xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) chặn xe tải vào trạm nghiền xi măng và cảng biển Vissai do lo ngại ô nhiễm môi trường.

Người dân xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) chặn xe tải vào trạm nghiền xi măng và Cảng biển quốc tế Vissai. (Ảnh: Phạm Tâm)
Người dân xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) chặn xe tải vào trạm nghiền xi măng và Cảng biển quốc tế Vissai. (Ảnh: Phạm Tâm)

Chặn xe vì lo ngại ô nhiễm môi trường

Trong chiều 19 và sáng 20/7, nhiều người dân xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) tập trung trên tuyến đường D4, chặn xe tải ra vào trạm nghiền xi măng và Cảng biển quốc tế Vissai thuộc Công ty CP Xi măng Sông Lam để phản đối doanh nghiệp này.

Cuối tháng 6/2023, người dân nơi đây cũng chặn xe tải vào cảng Vissai vì lo ngại ô nhiễm môi trường khi Công ty CP Xi măng Sông Lam xây dựng, lắp đặt máy móc, dây chuyền sàng tuyển, phối trộn than đá tại khu vực cảng tiếp giáp với xóm Hải Thịnh.

Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Đông Nam tỉnh Nghệ An sau đó yêu cầu doanh nghiệp này phải tháo dỡ dây chuyền sàng tuyển, phối trộn than đá ở khu vực nói trên.

Sự việc lắng xuống chưa được bao lâu thì người dân xóm Hải Thịnh tiếp tục cho rằng công ty này lại vận chuyển, tập kết gỗ dăm tại cảng có thể gây ô nhiễm môi trường.

Người dân chặn tuyến đường vào Cảng biển quốc tế Vissai trong sáng nay. (Ảnh: Phạm Tâm)

Người dân chặn tuyến đường vào Cảng biển quốc tế Vissai trong sáng nay. (Ảnh: Phạm Tâm)

Người dân dựng lều, căng băng rôn vì lo ngại ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Phạm Tâm)

Người dân dựng lều, căng băng rôn vì lo ngại ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Phạm Tâm)

Theo ghi nhận của PV, trong sáng 20/7, rất đông người dân tập trung trên tuyến đường độc đạo đi vào cảng biển và trạm nghiền xi măng Vissai. Họ dựng lều bạt, căng biểu ngữ khiến nhiều xe tải không thể vào cảng, xếp hàng dài ven đường.

Là một trong số 9 hộ dân sinh sống gần dự án, nằm trong diện phải di dời tái định cư, ông Nguyễn Văn Lý (SN 1963, trú tại xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết) cho biết, người dân tập trung chặn xe tải vào cảng vì sợ ô nhiễm môi trường.

Việc chính quyền địa phương chậm xây dựng Nhà văn hóa xóm Hải Thịnh, khu tái định cư cũng khiến người dân địa phương bức xúc.

“Đối thoại họ yêu cầu tháo dỡ sàn than nhưng bây giờ lại đưa gỗ về”, ông Lý nói và cho rằng trong quá trình hoạt động của công ty gây ra bụi và bốc mùi hôi thối.

Hàng dài xe tải không vào được cảng phải dừng lại bên đường. (Ảnh: Phạm Tâm)

Hàng dài xe tải không vào được cảng phải dừng lại bên đường. (Ảnh: Phạm Tâm)

Chính quyền mong người dân thấu hiểu

Trước đó, ngày 23/6, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An, UBND huyện Nghi Lộc, đã tổ chức đối thoại với người dân xóm Hải Thịnh về những vấn đề liên quan dự án của Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam.

Tại đây, người dân yêu cầu xây dựng nhà văn hóa xóm Hải Thịnh sau khi sáp nhập. Từ năm 2017 đến nay, nhà văn hóa mới vẫn chưa có, khiến hàng trăm hộ dân vẫn phải hội họp, sinh hoạt trong khuôn viên chật chội, xuống cấp.

Các cấp, ngành địa phương và doanh nghiệp cam kết xây dựng một bến đậu, tránh trú an toàn cho hơn 150 tàu, thuyền của ngư dân xóm Hải Thịnh, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Hiện có 9 hộ sống gần trạm nghiền, thuộc diện phải di dời do ảnh hưởng của dự án. Nhà cửa những hộ dân này đã xuống cấp nhưng vẫn phải giữ nguyên hiện trạng, không thể sửa chữa.

Liên quan sự việc, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, cho biết, cảng tổng hợp của Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam gần đây có hoạt động tập kết gỗ dăm đưa ra thuyền nên người dân cản trở và cho rằng ô nhiễm môi trường.

Theo ông Thọ, việc vận chuyển hàng hóa này là được phép và các cấp ngành địa phương đã tổ chức tuyên truyền cho người dân. Tuy nhiên, vẫn có một số người dân quá khích, tiếp tục hành vi cản trở.

"Quan điểm của huyện là việc hoạt động bình thường của cảng được cấp phép thì phải đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động. Các kiến kiến nghị người dân cho rằng ảnh hưởng đến đến sinh hoạt, đời sống, môi trường của người dân thì kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan Nhà nước. Không thể thực hiện hành vi cản trở giao thông", Phó Chủ tịch huyện Nghi Lộc nói.

Cảng biển quốc tế Vissai của Công ty CP Xi măng Sông Lam. (Ảnh: Phạm Tâm)

Cảng biển quốc tế Vissai của Công ty CP Xi măng Sông Lam. (Ảnh: Phạm Tâm)

Ông Thọ cho rằng, việc người dân cản trở hoạt động phương tiện vận tải là vi phạm pháp luật, mất an toàn giao thông.

Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục triển khai các lực lượng tuyên truyền để người dân thấu hiểu, đồng hành với chính quyền và doanh nghiệp tiếp tục hoạt động bình thường.

"Nếu trong quá trình tuyên truyền, vận động chính quyền làm hết cách, giải thích đầy đủ rồi mà người dân tiếp tục có hành vi vẫn cản trở sẽ xử lý theo quy định của pháp luật", ông Thọ nói thêm.

Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam là đơn vị thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai (có trụ sở tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Cầu cảng Vissai số 1 (tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc) có chiều dài 2.000m được đưa vào vận hành từ tháng 10/2017.

Hiện, cảng biển này đang phục vụ chính cho việc vận chuyển clinker và xi măng của đơn vị.

Tại Nghệ An, ngoài trạm nghiền và cảng biển ở Nghi Lộc, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam cũng đang vận hành Nhà máy Xi măng Sông Lam đóng ở huyện Đô Lương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.