Người dân thực hiện quyền giám sát CSGT bằng ghi âm, hình: Không dí sát mặt, chịu trách nhiệm khi phát tán

Người dân thực hiện quyền giám sát CSGT bằng ghi âm, hình: Không dí sát mặt, chịu trách nhiệm khi phát tán

Ghi âm, hình toàn bộ quá trình kiểm tra nồng độ cồn

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, khi người dân phát hiện sai phạm, tiêu cực của CSGT thì gửi bằng chứng về Cục hoặc Phòng CSGT.

Thượng tá Nhật cho biết, thông tư khẳng định được sự quyết tâm giám sát, làm rõ vi phạm, tiêu cực của CSGT khi làm nhiệm vụ. Đây chỉ là một trong những cách thể hiện quyết tâm đó. Bởi còn có 1 chỉ thị của Bộ trưởng đầu năm 2019. Trong đó, nhấn mạnh việc sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu như đơn vị để xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Ví như đợt ra quân kiểm soát nồng độ cồn Tết Nguyên đán, toàn bộ quá trình làm việc đều được quay phim lại. Đây là yêu cầu bắt buộc lực lượng CSGT phải thực hiện. Điều này nhằm chứng tỏ hoạt động của lực lượng CSGT được đặt dưới sự giám sát của nhân dân.

“Chúng tôi cũng có thể theo dõi tiêu cực của CSGT trên báo chí và mạng xã hội để kiểm tra, xác minh. Cũng phải khẳng định rằng mọi thông tin phản ánh thì chúng tôi đều tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định”, thượng tá Nhật cho biết.

Cách ghi âm, hình đúng luật

Trao đổi với phóng viên GD&TĐ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1 rất được người dân mong chờ.

Theo luật sư Thơm, có những ý kiến khác nhau liên quan đến việc người dân thực thi quyền giám sát qua hình thức ghi âm, ghi hình CSGT. Nhưng sau nhiều lần dự thảo, trên cơ sở ý kiến của nhân dân, luật định, Bộ Công an đã thông qua quy định này.

Theo quy định, Điều 11 Thông tư 67/2019 có 5 hình thức giám sát của người dân. Trong đó, Khoản 5 có quy định: Nhân dân giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ.

Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông). Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

“Với quy định này, người dân được quyền giám sát bằng hình thức ghi âm, ghi hình nhưng phải theo quy định của pháp luật. Không được cản trở đến hoạt động của lực lượng thực thi công vụ”, luật sư Thơm nói.

Người dân khi thực hiện quyền giám sát này phải lưu ý những vấn đề. Về địa điểm quay phim, phải thực hiện theo Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG ngày 6/4/2004 của Thủ tướng quy định về khu vực, địa điểm cấm…

Việc ghi âm, ghi hình phải được thực hiện ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT. Khu vực này được xác định là nơi giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và ANTT.

Khi ghi âm, ghi hình phải đảm bảo an toàn cho bản thân và không làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác. Thực hiện quyền này phải có văn hóa, như không cầm máy quay, điện thoại dí sát vào CSGT, cản trở hoạt động bình thường của CSGT hoặc cản trở nhiệm vụ khi truy bắt tội phạm.

Người dân cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin giám sát của mình đảm bảo trung thực, khách quan. Chịu trách nhiệm về việc phát tán thông tin theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người dân cố ý quay phim, chụp ảnh, ghi hình, cắt dán, chỉnh sửa, đưa ra các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì sẽ bị xử lý theo Luật An ninh mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.