(GD&TĐ) - Ngày 28-2, thực hiện các cam kết hợp tác giữa Chương trình phát triển của Liên Hiệp quốc (UNDP) và Văn phòng Quốc hội, trong khuôn khổ Dự án 00049114 “Tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện ở Việt Nam”-giai đoạn 3, Văn phòng Quốc hội tổ chức “Hội nghị tổng kết thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân và tăng cường giữ mối liên hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri năm 2010”.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên dự và có bài phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị còn có hơn 90 đại biểu là lãnh đạo HĐND, các Ban của HĐND, văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND của hơn 50 tỉnh, thành phố, đại diện các cơ quan của Quốc hội, một số vị đại biểu Quốc hội…
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị |
Dựa án 00049114 của Văn phòng Quốc hội tiến hành hoạt động thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân từ năm 2008 tại HĐND 3 tỉnh, thành phố, gồm : Lào Cai, Nghệ An và TP Hồ Chí Minh. Hoạt động thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân hướng vào việc phục vụ giám sát và ban hành chính sách chung. Năm 2009, dự án tiếp tục được triển khai tại 3 tỉnh trên và mở rộng thêm 7 tỉnh khác. Năm 2010, hoạt động thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân tiếp tục được tổ chức tại 5 đơn vị mới là HĐND các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Yên Bái, Bình Phước và Gia Lai. Hoạt động này đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trong năm 2010, hoạt động thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân và tăng cường giữ mối liên hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri đã thiết thực và hiệu quả hơn. Từ đó tại sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức trong cơ quan và đại biểu dân cử, trong một bộ phận nhân dân và trong hệ thống chính trị các cấp về tầm quan trọng của việc gắn kết người dân vào quá trình hoạch địch chính sách, về yêu cầu đổi mới các hoạt động giữ mối liên hệ với cử tri, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và phản ánh trung thực, kịp thời ý chí, nguyện vọng của cử tri ở cơ sở.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận một cách toàn diện những kết quả đạt được, các bài học kinh nghiệm; đồng thời đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hai hoạt động này tại các địa phương, cụ thể là từ khâu lựa chọn vấn đề tham vấn; xây dựng và vận động sự ủng hộc của chính quyền, cấp uỷ địa phương; xây dựng kế hoạch tham vấn và kế hoạch giữ mối liên hệ với cử tri…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trần Đình Đàn nhấn mạnh: “Kết quả thực tiễn thí điểm hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân và tăng cường giữ mối liên hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri được tiến hành trong ba năm qua đã chứng minh sự phù hợp với các quy trình, công cụ này trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương”.
Chia sẻ với những ý kiến triên của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia Chương trình phá triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam đánh giá: “Qua hoạt động này, mối quan hệ giữa người dân và chính quyền được củng cố, qua đó nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính…, người dân có cơ hội tham gia vào quá trình ban hành chính sách của chính quyền”.
Vũ Thành