Tất cả chúng ta đều đã nghe đến câu nói quen thuộc rằng "hãy chắc chắn rằng bạn ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày". Tuy nhiên, hơn 35% người trưởng thành ở Hoa Kỳ nói rằng họ chỉ ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm. Điều này về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ điều đó thật tồi tệ, hãy thử trải qua 11 ngày 25 phút không ngủ. Bởi đó là những gì Randy Gardner đã làm. Người đàn ông này cũng tình cờ lập kỷ lục về thời gian con người mất ngủ lâu nhất.
Nhưng tại sao?
Hóa ra đó là do một lần đặt cược, khi Randy Gardner tung đồng xu với một người bạn của mình vào tháng 12 năm 1963. Khi đó cặp học sinh trung học là Randy Gardner và Bruce McAllister đã có ý tưởng về một dự án hội chợ khoa học.
Cặp học sinh này nghĩ rằng sẽ thật tuyệt khi xem họ có thể tỉnh táo trong bao lâu và ghi lại bất kỳ tác động phụ nào có thể xảy ra khi thực hiện việc đó.
Sau khi chơi trò tung đồng xu để quyết định vai trò ai là người thực hiện hành động không ngủ, ai là người ghi lại chi tiết về quá trình, Randy Gardner, lúc đó 17 tuổi đã thua cuộc. Do vậy, Randy Gardner là người thử nghiệm bản thân xem có thể chịu đựng được không ngủ trong bao nhiêu ngày.
Không thể tránh khỏi, Bruce McAllister sẽ ngủ quên trong thời gian Randy Gardner còn thức, vì vậy họ phải thuê người thứ ba có tên là Joe Marciano, để theo dõi.
Thử nghiệm cũng được quan sát bởi nhà nghiên cứu giấc ngủ Stanford, Tiến sĩ William Dement và Trung tá Y tế Hải quân Hoa Kỳ John J. Ross.
Vào ngày thứ ba, Randy Gardner trở nên dễ xúc động, với ảo giác xuất hiện vào ngày thứ tư. Để giữ cho bản thân bận rộn, anh ấy sẽ chơi bóng rổ và bắn bi với các bạn học.
Anh ấy nói rằng thức vào ban ngày có ánh nắng mặt trời dễ dàng hơn nhiều, với thời gian ban đêm trở nên rất khó khăn.
Cuối cùng, Randy Gardner vẫn thức trong 264,4 giờ - nhưng kỳ lạ thay, sau đó anh cảm thấy khó ngủ và bị mất ngủ trong nhiều thập kỷ sau đó, theo WBUR .
Mặc dù dự án khoa học này cuối cùng đã tạo nên lịch sử, nhưng việc thiếu ngủ chắc chắn không được các bác sĩ khuyến khích.
Trong một nghiên cứu theo dõi 276 người trưởng thành trong sáu năm, kết luận: "Nguy cơ phát triển bệnh béo phì tăng lên ở những người ngủ ngắn hoặc ngủ dài, so với những người ngủ có thời gian trung bình, với nguy cơ tăng lần lượt là 27% và 21%".
Thời gian ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong, bởi theo một số nhà nghiên cứu: "Thời gian ngủ ngắn và dài đều là những yếu tố dự báo tử vong đáng kể trong các nghiên cứu dân số tương lai."