Người đàn ông trong vụ trộm ô tô của... chính mình đối diện mức án nào?

GD&TĐ - Luật sư đã có những phân tích liên quan đến vụ án người đàn ông bị khởi tố về hành vi trộm ô tô của... chính mình.

Bị can Nguyễn Văn Bình cùng chiếc xe tang vật của vụ án.
Bị can Nguyễn Văn Bình cùng chiếc xe tang vật của vụ án.

Trộm ô tô của chính mình

Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Bình (SN 1979, trú tại huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) về tội Trộm cắp tài sản.

Hồ sơ vụ án thể hiện, tháng 4/2020, Bình mua chiếc hiệu Toyota Corolla Altis nhưng không có giấy tờ đăng ký với giá trị 65 triệu đồng để đi lại và sử dụng nhằm mục đích dạy lái ô tô. Chiếc xe này được Bình mua lại từ một người lạ và không có giấy tờ giao dịch.

Sáng 24/12/2021, Bình đỗ xe tại đường Nguyễn Hoàng (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) rồi đi về quê và bị Đội CSGT số 6, Công an Hà Nội lập biên bản vi phạm, tạm giữ về lỗi đỗ xe không đúng quy định. Chiếc xe này sau đó được đưa về gửi tại bãi xe số 3 Lê Quang Đạo.

Bình sau đó biết ô tô đã bị công an tạm giữ nhưng không dám đến cơ quan chức năng để làm việc vì xe không có giấy tờ. Tháng 5/2022, Bình phát hiện xe của mình đang được gửi ở số 3 Lê Quang Đạo. Tháng 7/2022, Bình thấy chiếc xe của mình vẫn đang ở đó nên nảy sinh ý định ăn trộm.

Sáng 15/8, Bình gọi cho anh H.T.T. và anh N.V.D. nói cần qua “câu điện” giúp chiếc ô tô bị CSGT thu giữ, nay mới xử lý xong. Trưa cùng ngày, anh T. cho Bình mượn chiếc Toyota Yaris, chở theo bình sạc ắc quy và dây dẫn điện để đến số 3 Lê Quang Đạo. Còn anh T. và anh D. đến sau cùng một thợ sửa xe khác. Khi đến nơi, cả 3 người cố gắng nổ máy chiếc Toyota Altis của Bình nhưng bất thành.

Sau đó, anh D. và thợ về trước. Bình và anh T. gọi thợ sửa ô tô của một gara gần đó xử lý giúp. Chiếc xe sau khi nổ được máy đã được Bình lái về một gara ở đường Nguyễn Văn Giáp (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm).

Cùng ngày, nhân viên bảo vệ của bãi xe trình báo cơ quan chức năng về việc bị mất trộm chiếc xe ô tô. Ngày 17/8, lực lượng chức năng đã làm sáng tỏ vụ việc. Kết quả giám định cho thấy chiếc Toyota bị đánh cắp trị giá khoảng 80 triệu đồng.

Kẻ trộm đối diện mức án nào?

Liên quan đến vụ án, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trong vụ việc này, chiếc xe đỗ không đúng nơi quy định, bị tạm giữ, đây là thủ tục hành chính, khi tạm giữ tài sản, cơ quan chức năng sẽ thuê bãi và tiến hành trông giữ chiếc xe này.

Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện hợp đồng, chiếc xe nằm trong sự quản lý của đơn vị trông giữ xe nên hành vi lén lút lấy chiếc xe này khỏi người quản lý là hành vi trộm cắp tài sản. Chỉ cần giá trị tài sản trên 2 triệu đồng, hành vi này sẽ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015.

Theo Luật sư Cường, trong tội trộm cắp tài sản, người bị hại là người đang quản lý tài sản chứ không phải là người sở hữu tài sản, người quản lý tài sản có trách nhiệm bảo quản và nếu gây thiệt hại phải bồi thường cho chủ sở hữu.

Bởi vậy, trong vụ việc này người trông giữ chiếc xe này sẽ được xác định là người bị hại trong vụ án trộm cắp tài sản, còn người lén lút để lấy tài sản là chiếc xe ô tô ở bãi xe là đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật, với giá trị tài sản là 80 triệu đồng, người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có thể đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Luật sư Cường cũng cho rằng, trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của những người đã tham gia cùng Bình để lấy chiếc xe ra khỏi bãi trông giữ.

“Trong trường hợp có căn cứ cho thấy những người này biết việc Bình lấy xe là không có căn cứ, hành vi là lén lút nhưng vẫn giúp sức, những người cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức. Còn trường hợp họ bị Bình lừa dối, không biết là tài sản đang được trông giữ, không được phép lấy ra, những người này sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý”, Luật sư Cường phân tích.

Bên cạnh đó, theo Luật sư Cường, trong vụ việc này này, chiếc xe không có giấy tờ, việc mua bán cũng không có hợp đồng nên luật sư cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý để xác định Bình là chủ sở hữu hợp pháp đối với chiếc xe này.

Vì vậy, Luật sư Cường đưa ra nhận định không thể loại trừ trường hợp xế hộp này là xe tang vật trong một vụ trộm cắp. Cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ vấn đề này để xử lý theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.