Đào giếng trong bóng tối
Anh Ksor Gih (39 tuổi, ở làng Tuơh Klah, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện sống trong căn nhà nằm giữa rẫy cà phê ở cuối làng Tuơh Klah. Tuy chủ nhân căn nhà là một người mù nhưng mọi vật dụng trong nhà đều gọn gàng, ngăn nắp. Căn nhà được xây vào năm 2012 từ số tiền anh dành dụm, tích cóp bao nhiêu năm từ công việc đào giếng cùng với một phần tiền hỗ trợ của hội người mù.
“Dù bị mù nhưng anh Gih biết làm mọi việc như một người bình thường. Đến việc đào giếng, một người bình thường chưa chắc làm được thì anh thực hiện rất trơn tru. Giếng ở khắp làng này đều nhờ anh Gih đào hết. Người làng ai cũng yêu mến anh Gih bởi anh hiền lành, tốt bụng, ai nhờ gì cũng sẵn sàng giúp đỡ”, Trưởng làng Tuơh Klah Ksor Dăm An có đôi lời về anh như thế.
Tuổi thơ của anh Gih là những chuỗi ngày buồn bã. Khi mới sinh ra, anh đã bị mù. Trong khi đó, cuộc sống gia đình nghèo khó nên anh càng chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Đến năm 15 tuổi, cha đi lấy vợ khác, rồi mẹ cũng bỏ đi, Gih sống côi cút, dựa vào tình thương của bà con dân làng mà tồn tại. Ai cho gì ăn nấy, bạ đâu ngủ đấy. Anh được người làng dựng cho cái chòi nhỏ ngoài rừng thông để ở. 16 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa còn vui vẻ chuyện đèn sách thì hàng ngày, anh Gih lại tẩn mẩn xuống suối mò cua bắt ốc đổi lấy gạo và thức ăn.
Hai năm sau, thấy nhiều người đi đào giếng nên anh Gih xin đi theo. Anh được giao việc phụ quay những gàu đất người ta đào dưới lòng giếng lên. Anh làm việc rất nhanh nhẹn khiến những phu giếng làm cùng rất ngạc nhiên bởi sức khỏe của chàng thanh niên có vóc dáng nhỏ thó. Từ đó, anh đi theo làm thuê kiếm sống qua ngày bằng nghề phụ giúp cho các phu giếng.
Anh Ksor Gih |
Năm 22 tuổi, anh được người làng hỗ trợ trồng cà phê trên chính mảnh đất của mình. Lúc ấy, không có nước và cũng không có tiền thuê thợ đào giếng nên anh nghĩ đến việc tự đào giếng lấy nước tưới cây. Sau khi đi quanh vườn, rờ rẫm từng hòn đất, anh Gih xác định vị trí. Anh dùng chính đôi tay của mình để làm thước đo. Anh ngồi xuống lấy cơ thể mình làm trọng tâm và giơ hai cánh tay ra xoay một vòng để ước lượng đường kính của cái giếng. Khi đã ước lượng được diện tích miệng giếng, anh bắt đầu đào sâu xuống, chỉ với công cụ là chiếc xà beng. Vừa đào anh vừa dùng bàn chân để đo khoảng cách, đôi tay mò mẫm để định hình. Cứ thế, vừa đào đất anh vừa tự đu dây lên quay từng gàu đất mang đổ đi.
Ngày hay đêm đối với anh không quan trọng, cứ nghỉ lấy sức, rồi anh lại xuống giếng. Chỉ đến khi những dòng nước bắt đầu tràn dần lên, anh phải nhờ hàng xóm kéo đất lên vì không thể làm một mình. Khi mọi người tới nơi, không ai tin vào mắt mình bởi chiếc giếng sâu khoảng 30m mà anh đào thẳng tắp, tròn vành vạnh, tràn trề nước. Cả làng thán phục biệt tài đào giếng của anh. Thế là Gih có thừa nước dùng, tưới cho hơn 300 cây cà phê trong vườn. Từ đó đến nay, dù có những năm mùa khô khốc liệt nhưng giếng trong rẫy cà phê nhà anh chưa bao giờ cạn nước.
Khi nghe chúng tôi nhắc đến chuyện gia đình, gương mặt anh Gih bỗng chùng xuống, buồn buồn: “Từ ngày cha mẹ bỏ đi, tôi không biết đến người thân họ hàng gì cả. Ở đây, tôi có dân làng, có chính quyền quan tâm giúp đỡ nên cũng không buồn lắm. Dân làng tốt bụng, mỗi lần đau ốm đều nhờ dân làng giúp đỡ”.
Mơ ước có một gia đình
Nói rồi, anh Gih tâm sự: “Cuộc sống với tôi như vậy là khá ổn rồi, nhưng nhiều lúc nghe tiếng trẻ con nô đùa, tôi lại nhớ về gia đình, nhớ cha mẹ lắm. Lúc trước tôi cũng trách cha mẹ bỏ tôi, nhưng nay thì hết rồi. Bây giờ, tôi cũng muốn có vợ, có con, có một gia đình thật sự để được ăn những bữa cơm ngon, chứ không phải lang thang nay đây mai đó như hiện tại. Tôi muốn sau những giờ đi làm về có người để trò chuyện, tâm sự chứ không phải lủi thủi một mình. Nhưng có lẽ điều đó rất khó…”.
Theo ông Nguyễn Kim Anh - Chủ tịch UBND xã Glar, gần 20 năm qua, anh Gih đã đào gần 100 cái giếng cho người dân lấy nước sinh hoạt và tưới cà phê. Dân làng ai cũng thương anh Gih, bởi anh không rượu chè, ham chơi hay ỷ lại là người khuyết tật mà còn làm tốt, làm giỏi hơn nhiều người bình thường. “Anh Gih trở thành tấm gương sáng cho nhiều người học hỏi, noi theo ở địa phương. Anh được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng giấy khen, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen dành cho người khuyết tật có nghị vượt vươn lên trong cuộc sống. Chính quyền và người dân xã Glar rất tự hào về anh”, ông Anh cho biết.