Thoát nghèo nhờ những cánh rừng
Với nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh, sự nhạy bén của người dân, nguồn lợi từ phát triển rừng sản xuất đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có kinh tế khá giả.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, thu nhập từ rừng đã giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Bình Liêu thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Gia đình ông Dường Chống Thím, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu có gần 10ha trồng hồi đang vào độ thu hoạch.
Những năm gần đây, nguồn thu từ rừng hồi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được khoảng 4-6 tấn quả, thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Ông Thím cho biết, hồi là một trong những loại cây cho giá trị kinh tế cao và có thể khai thác được nhiều lần. Từ rừng hồi, cuộc sống gia đình ông đang ngày càng ấm no hơn.
Còn với gia đình chị Loan Thị Thúy, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, phát triển kinh tế rừng cũng đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định, đặc biệt khi diện tích rừng sở của gia đình đang mang lại lợi nhuận kép.
Gia đình chị Thúy hiện có trên 1ha rừng sở, mỗi năm cho thu hoạch 2-2,5 tấn hạt, bán cho các cơ sở thu mua ép dầu. Nhận thấy tiềm năng phát triển rừng sở gắn với du lịch, năm 2021 gia đình đã xây dựng homestay “Hoa sở” ngay tại rừng sở thôn Đồng Long để có thêm nguồn thu từ diện tích rừng hiện có.
Cũng là địa phương có diện tích rừng và đất rừng lớn, những năm gần đây, trồng rừng sản xuất đã trở thành phong trào phát triển rộng lớn trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Rừng trồng được chăm sóc, bảo vệ tốt, mang lại nguồn lợi lớn cho nhiều hộ dân.
Tận dụng 5ha đất rừng, ông Triệu Quý Bảo, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đã phát triển mô hình trồng trà hoa vàng xen kẽ dưới tán rừng quế, sa mộc…
Mỗi cây trà, ông Bảo thu về 1-2kg hoa tươi, tương đương khoảng 1 triệu đồng/cây/năm. Lá trà hoa vàng tươi cũng được tiêu thụ rộng rãi với giá 50.000 đồng/kg, lá khô là 300.000-500.000 đồng/kg.
Ông Bảo cho biết, với giá bán thành phẩm ổn định, thị trường tiêu thụ dễ dàng, nhu cầu cao, nên giờ đây trà hoa vàng đã trở thành cây thoát nghèo của gia đình và nhiều người dân trong xã.
Trừ các chi phí, việc bán hoa, lá và cây giống đã mang lại thu nhập cho gia đình 200-300 triệu đồng/năm, cuộc sống ổn định, từng bước làm giàu.
Còn tại Điền Xá, một xã vùng cao của huyện Tiên Yên, kinh tế rừng cũng đang là hướng thoát nghèo, làm giàu của nhiều người dân nơi đây.
Bên cạnh sự chủ động từ phía người dân, các giải pháp về tuyên truyền, động viên, hỗ trợ cây, con giống, vốn vay, tập huấn kỹ thuật trồng rừng đã được xã triển khai nhằm tiếp sức cho các hộ phát triển mô hình kinh tế rừng.
Nhờ đó, đến nay nhiều ha rừng trên địa bàn đã phát triển mạnh mẽ, đem lại thu nhập ngày càng cao cho người dân.
Anh Chìu Văn Hương, xã Điền Xá, huyện Tiên Yên cho biết, nhờ trồng rừng, kinh tế của gia đình ngày càng khấm khá hơn, xây được nhà, mua được xe, lo cho con cái học hành đầy đủ. Gia đình cũng tiếp tục phát triển mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi để gia tăng thu nhập.
Phát triển rừng theo hướng bền vững
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết, khi rừng được bảo vệ và phát triển, vốn rừng được đảm bảo và ngày càng nâng cao giá trị thì chủ rừng, lao động nghề rừng, các đơn vị doanh nghiệp, các lĩnh vực kinh tế gắn với rừng có quyền và hoàn toàn có thể làm giàu từ rừng. Thực tế hiện nay đất rừng, nghề rừng mang lại nguồn lợi đáng kể cho người dân.
Theo khảo sát của Sở NN&PTNT, rừng đang mang lại việc làm cho khoảng 60.000 lao động, thu nhập trung bình gần 5 triệu đồng/người/tháng, trong đó đồng bào DTTS, miền núi chiếm tỷ lệ lớn.
Để rừng tiếp tục phát huy giá trị, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong đó, lấy người nông dân làm chủ thể, trung tâm, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng.
Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trọng tâm là chuyển hướng từ khai thác rừng sang phát triển vốn rừng, trồng rừng tập trung, khoanh vùng bảo vệ, giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế dưới tán rừng dựa trên tiềm năng, thế mạnh từng vùng.