Người dân Nghệ An vươn lên thoát nghèo nhờ cây chè xanh

GD&TĐ - Nhờ trồng cây chè, mỗi năm xã Hùng Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) thu về hàng chục tỷ đồng, người dân từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Trồng cây chè chát hái về "quả ngọt"

Về xã Hùng Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) những ngày này, dọc các sườn đồi rộn ràng tiếng cười nói của người dân đang phấn khởi thu hoạch chè. Ít ai ngờ rằng, trước đây những đồi trồng chè xanh mướt, ngút ngàn nơi đây chủ yếu là đồi trọc hoặc phủ đầy các loài cây cỏ dại.

Do đặc điểm địa hình dốc, tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô khiến người dân rất khó trồng các loại cây trồng khác. Sau khi tìm hiểu, tham quan nhiều mô hình kinh tế, địa phương nhận thấy cây chè rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại xã Hùng Sơn.

Trong khi đó, đầu ra cho loại cây này cũng được đảm bảo nhờ trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều nhà máy chế biến chè, những nhà máy này cũng đang rất cần vùng nguyên liệu. Vậy là hành trình đưa cây chè về phủ xanh những đồi trọc tại xã Hùng Sơn bắt đầu.

Những đồi chè xanh mướt ở xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Phạm Tâm.

Những đồi chè xanh mướt ở xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Phạm Tâm.

Sau hơn 2 thập kỷ, từ ngày bắt đầu bén rễ trên vùng đất này, cuộc cách mạng của loại cây lá chát này đã thành công khi chứng minh được hiệu quả kinh tế, phủ sóng khắp các đồi núi.

Nhờ loại cây này mà hàng trăm hộ dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Từ một địa phương nghèo thuộc diện nhất nhì của huyện Anh Sơn thì bây giờ Hùng Sơn đã vươn lên trở thành xã có mức thu nhập cao trên địa bàn huyện.

Theo người dân, cây chè chỉ trồng một lần nhưng có thể thu hoạch lâu dài. Khi vùng nguyên liệu phát triển, trên địa bàn xã cũng bắt đầu mọc lên những xưởng chế biến chè, từ đó tăng nguồn thu cho địa phương. Hiện, tại xã Hùng Sơn đã có 2 xí nghiệp, 3 hợp tác xã chuyên thu mua và chế biến chè.

Ông Võ Văn Đồng (trú tại xã Hùng Sơn) cho biết, những năm trước, giá chè chỉ ở mức 2.500 – 2.800 đồng/kg, nhưng năm nay giá chè đã tăng lên ở mức từ 4.400 – 4.700 đồng/kg nên người dân rất phấn khởi.

Theo ông Đồng, mỗi năm cây chè cho thu hoạch 6 lần, với hơn 4ha chè đang có, ước tính trong đợt này gia đình ông sẽ hái được khoảng 8 tấn chè. Nếu giá ổn định như hiện tại, tính cả năm gia đình ông có thể thu về hơn 200 triệu đồng.

Người dân sử dụng máy để thu hoạch chè. Ảnh: Đình Hà

Người dân sử dụng máy để thu hoạch chè. Ảnh: Đình Hà

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thuận (trú tại xã Hùng Sơn) cũng đang trồng và thu hoạch hơn 3ha chè cũng rất phấn khởi khi năm nay giá chè đang ở mức cao. Chè thu hoạch đến đâu đều được các xí nghiệp, hợp tác xã thu mua đến đó.

Ông Thuận cho biết, để có sản phẩm trà xanh ngon thì búp chè sau khi hái phải được lựa chọn theo quy chuẩn “1 tôm, 2 lá”, những búp dập nát hoặc lẫn chè không đạt yêu cầu sẽ bị loại bỏ. Đặc biệt, chè phải hái vào thời điểm từ 6h sáng đến 10h trưa để chè giữ được hương vị thơm ngon, đậm đà và phải được sao ngay trong ngày hái.

Nhân rộng mô hình xóa đói giảm nghèo

Ông Trần Minh Hoàn - Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết, phong trào trồng chè ở địa phương bắt đầu phát triển từ năm 2001. Ban đầu, cán bộ và Đảng viên là những người tiên phong trồng chè rồi vận động người dân tham gia. Khi thấy hiệu quả thiết thực từ cây chè mang lại người dân cũng bắt đầu trồng.

Đến nay, xã Hùng Sơn đã có gần 600ha cây chè đã cho thu hoạch. Theo ước tính, trung bình mỗi năm cây chè mang lại tổng nguồn thu gần 40 tỷ đồng cho người dân trên địa bàn. Đây là nguồn thu giúp người dân xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương.

Hiệu quả kinh tế mà cây chè mang lại đang giúp cuộc sống người địa phương khấm khá hơn. Ảnh: Phạm Tâm.

Hiệu quả kinh tế mà cây chè mang lại đang giúp cuộc sống người địa phương khấm khá hơn. Ảnh: Phạm Tâm.

Trong những năm qua, cây chè được coi là cây trồng chủ lực, góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Anh Sơn. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 2.500ha chè công nghiệp, trong đó diện tích cho sản phẩm hơn 2.100ha.

Nhờ được áp dụng linh hoạt, đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo an toàn thực phẩm nên các sản phẩm trà xanh ở Anh Sơn đều có màu sắc và hương vị riêng biệt, cho nước thành phẩm vàng trong, hương thoảng nhẹ, vị đậm đà.

Những năm gần đây, nghề sản xuất thâm canh, chế biến trà xanh ở Anh Sơn đã và đang tích cực đóng góp vào việc phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững. Đặc biệt, vào tháng 2/2020, sản phẩm trà xanh Hùng Sơn được xếp hạng 3 sao trong chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An.

Hiện, huyện Anh Sơn đã ban hành Đề án phát triển cây chè, cây mía, cây sắn huyện Anh Sơn giai đoạn 2021- 2025, định hướng năm 2030. Trong đó, định hướng tập trung mở rộng phát triển sản xuất chè các xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Đức Sơn và xã Phúc Sơn.

Quy mô diện tích đến năm 2025 đạt 2.990 ha (diện tích kinh doanh 2.450 ha), sản lượng đạt 39.200 tấn; định hướng đến 2030, ổn định diện tích khoảng 3.330 ha (diện tích kinh doanh 3.000ha), tập trung tăng năng suất, sản lượng, chất lượng chè.

Hội nông dân tỉnh Nghệ An tham quan mô hình trồng chè ở huyện Anh Sơn. Ảnh: Phạm Tâm.

Hội nông dân tỉnh Nghệ An tham quan mô hình trồng chè ở huyện Anh Sơn. Ảnh: Phạm Tâm.

Hàng năm, huyện Anh Sơn chỉ đạo các xã phối hợp các doanh nghiệp liên quan rà soát quỹ đất và các điều kiện khác để đăng ký thực hiện, từ đó phân bổ chỉ tiêu diện tích các loại cây trồng. Các hộ dân trồng mới cây chè được hỗ trợ 400 đồng/bầu chè giống, 2 triệu đồng/ha chi phí làm đất.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây nguyên liệu chè trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá cả các mặt hàng nông sản còn thấp đã làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất cây chè nói riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đơn vị cung cấp Công Nghệ Thiên Nhiên Từ Trà Việt uy tínĐơn vị cung cấp Đẳng Cấp Đích Thực Với Trà Việt uy tín