Người dân Nghệ An phản đối doanh nghiệp hút cát gây sạt lở bãi bồi sông Lam

GD&TĐ - Doanh nghiệp hút cát lấn sâu vào bờ sông Lam khiến người dân xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) dựng lều, căng băng rôn để phản đối.

Người dân ra bờ sông phản đối doanh nghiệp hút cát. Ảnh: Phạm Tâm
Người dân ra bờ sông phản đối doanh nghiệp hút cát. Ảnh: Phạm Tâm

Sông Lam “loang lổ” vì hút cát

Những ngày qua, hàng trăm người dân thôn Tiên Quánh, xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) kéo ra bờ sông Lam dựng lều, căng băng rôn, phản đối hoạt động khai thác cát của một doanh nghiệp.

Chỉ tay về phía bãi bồi bị sạt lở loang lổ, ông Hoàng Văn Thới (SN 1949, trú tại thôn Tiên Quánh, xã Đồng Văn) cho biết, hoạt động hút cát dưới lòng sông Lam diễn ra khoảng 3 năm nay. Ban đầu, quy mô khai thác còn nhỏ lẻ, nhưng cách đây hơn một tuần thì rầm rộ hơn hẳn. Có những lúc 7 - 8 xà lan lớn cùng lúc hút cát ở khu vực này.

Đỉnh điểm vào ngày 31/3, khi bãi bồi bị sạt lở nghiêm trọng, lấn sâu vào bờ hàng chục mét, người dân đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương. Đồng thời, họ dựng lều ngay sát mép sông, căng băng rôn, đánh trống và phát trực tiếp lên mạng xã hội để phản đối hoạt động khai thác cát.

Ông Thới cho biết thêm, bãi bồi sông Lam có từ lâu đời, là nơi vui chơi, tắm mát quen thuộc của trẻ em và thanh thiếu niên địa phương. Vào mùa Hè, người dân thường tổ chức các hoạt động văn hóa, cắm trại, liên hoan tại đây.

Tuy nhiên, mùa mưa lũ, nước sông Lam dâng cao, ngập cả bãi bồi và tiến sát chân đê. Việc hút cát gây sạt lở khiến người dân vô cùng lo lắng cho sự an toàn của bản thân và tài sản.

Trong khi đó, ông Trần Đình Niêm (SN 1953, trú tại thôn Tiên Quánh, xã Đồng Văn) cho biết, trước đây, người dân từng nhiều lần phản đối, kiến nghị lên chính quyền địa phương về việc cấp phép khai thác cát ở lòng sông Lam. Nếu tình trạng này tiếp diễn, sạt lở sẽ tiến đến chân đê, đe dọa trực tiếp đến tài sản và tính mạng của người dân xã Đồng Văn.

“Bãi bồi bị sạt lở là do việc hút cát quá ồ ạt. Mỗi ngày có tới 4 - 5 tàu, xà lan ra vào hút cát liên tục, có hôm lên đến 8 - 9 chiếc. Chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép của doanh nghiệp này”, ông Niêm bức xúc nói.

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, bãi bồi sông Lam ở xã Đồng Văn kéo dài gần 3km, chỗ rộng nhất khoảng 700m. Trong đó, đoạn qua thôn Tiên Quánh dài khoảng 1km, rộng hơn 150m. Khu vực khai thác cát của doanh nghiệp chỉ cách đê bảo vệ khu dân cư khoảng 100m. Tại đây, một đoạn bờ sông đã bị sạt lở nghiêm trọng, tạo thành hàm ếch rộng hàng nghìn mét vuông.

Ngày 1/4, dù không có tàu, xà lan nào hút cát dưới sông Lam nhưng người dân địa phương vẫn tiếp tục dựng lều, tập trung bên bờ sông để phản đối.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Doãn Đức, Giám đốc Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương - đơn vị được cấp phép khai thác cát cho biết, ngày 31/3, sau khi người dân xã Đồng Văn phản đối, doanh nghiệp chủ động tạm dừng hút cát, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng đo đạc địa giới mỏ.

Ông Nguyễn Doãn Đức khẳng định, khu vực bãi bồi bị khoét sâu nằm trong phạm vi mỏ, doanh nghiệp chỉ khai thác cát trong ranh giới được cấp phép. Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận, cách đây khoảng 10 ngày, trong quá trình hút cát xảy ra sự cố sạt lở ngoài ranh giới, lấn vào bờ khoảng 1 mét.

Vị Giám đốc này phân trần thêm, trước đây doanh nghiệp từng bị xử phạt, chính vì thế hiện nay khai thác đúng theo quy định, không dám vi phạm. Việc sạt lở xảy ra tại xã Đồng Văn là “chuyện ngoài ý muốn”.

nghe-an-dan-phan-doi-doanh-nghiep-hut-cat-1.jpg
Khu vực mỏ khai thác cát tại thôn Tiên Quánh, xã Đồng Văn. Ảnh: Phạm Tâm

Sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm

Năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép cho Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tại bãi bồi sông Lam thuộc địa phận các xã Đồng Văn, Võ Liệt và Thanh Chi (huyện Thanh Chương).

Diện tích khu vực cấp phép hơn 20ha; trữ lượng khai thác hơn 1 triệu m3, trong đó trữ lượng cát hơn 960.000 m3, sỏi là hơn 91.000 m3. Công suất khai thác chưa qua chế biến là gần 50.000 m3/năm; thời hạn hoạt động 24 năm. Khu vực sông Lam chảy qua thôn Tiên Quánh là một trong những điểm mỏ của doanh nghiệp này.

Trước phản ánh của người dân xã Đồng Văn, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, huyện đã yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động khai thác cát tại mỏ để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường đảm bảo an toàn.

nghe-an-dan-phan-doi-doanh-nghiep-hut-cat-3.jpg
Một đoạn bờ sông Lam kéo dài hàng trăm mét bị sạt lở. Ảnh: Phạm Tâm

Theo ông Trình Văn Nhã, đây không phải là lần đầu tiên mỏ cát của Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương tại xã Đồng Văn bị người dân phản đối. Năm 2023, UBND huyện Thanh Chương đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An và Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đến nay, địa phương vẫn chưa nhận được phản hồi.

Về phương án xử lý, Chủ tịch huyện Thanh Chương cho biết, huyện đã chỉ đạo chính quyền xã Đồng Văn phối hợp với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện tiến hành đo đạc, xác định cụ thể ranh giới mỏ và hiện trường thực địa. Nếu phát hiện doanh nghiệp khai thác sai phạm, huyện sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 900 triệu đồng đối với Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương.

Lý do xử phạt là vì doanh nghiệp này hút cát, sỏi lòng sông vượt công suất được cho phép hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 100% trở lên (năm 2020 vượt hơn 211%; năm 2021 vượt gần 209%).

Hành vi này vi phạm điểm c, khoản 5, Điều 41 Nghị định 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; sửa đổi, bổ sung tại điểm đ, khoản 18, Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh Nghệ An cũng đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản đối với doanh nghiệp này trong thời hạn 5,5 tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ