Người dân khốn khổ vì nước có mùi lạ: Dấu hỏi về quy trình xử lý nước

GD&TĐ - Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều khu vực trên địa bàn TP Hà Nội đang đặt ra câu hỏi về quy trình, công nghệ xử lý nước sạch.

Nguồn nước ô nhiễm được Nhà máy nước sông Đà dùng để bán cho người dân
Nguồn nước ô nhiễm được Nhà máy nước sông Đà dùng để bán cho người dân

Nước không được lọc đúng quy trình?

PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Trường Đại học KHTN (ĐHQG Hà Nội) người nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực lọc nước với công trình nổi tiếng biến nước sông Tô Lịch thành nước uống cho biết, sự cố nước có mùi dầu khét này có thể do nước đã không được lọc đúng quy trình.

Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà là đơn vị sản xuất nước sạch từ nước mặt. Về nguyên tắc, quy trình xử lý nước mặt phức tạp hơn quy trình xử lý nước ngầm, nhưng cũng khá đơn giản.

Bất cứ đơn vị cung cấp nước nào cũng phải tuân thủ đúng quy trình xử lý này: Nước mặt được dẫn về sẽ được xử lý bụi bẩn lơ lửng bằng keo tụ để nước trở thành nước trong. Sau đó nước sẽ được qua lớp hấp thụ than hoạt tính để loại bỏ hết các chất hữu cơ, vốn rất nhiều ở nước mặt, sau đó dùng clo hóa diệt trùng và cung cấp cho người dân.

“Dù nguồn nước đầu vào có bị nhiễm dầu, nếu nước được xử lý đúng quy trình nêu trên thì sẽ không có chuyện nước sinh hoạt ở nhà dân vẫn bốc mùi dầu khét lẹt như nước chưa xử lý.

Nhiều khả năng là nước không được lọc ở khâu than hoạt tính, hoặc có thể do lớp lọc than hoạt tính thời điểm đó cần phải thay mà chưa được thay, hoặc có sự cố nào đó, mới dẫn đến tình trạng này”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Điều nguy hiểm chưa dừng lại ở đó khi PGS.TS Trần Hồng Côn đưa ra những giả thuyết khác nhau. Trường hợp nước mặt không được xử lý than hoạt tính trước khi dùng clo hóa tiệt trùng thì các chất hữu cơ có trong nước, khi gặp clo sẽ trở thành clo hữu cơ.

Hầu hết các hợp chất clo hữu cơ là chất độc, thuốc trừ sâu là một ví dụ. Và có hợp chất thì có mùi, có hợp chất không mùi, tùy từng nồng độ khác nhau. Có những hợp chất không mùi, nhưng với hàm lượng rất nhỏ chúng đã có thể gây độc. Rủi ro cho sức khỏe người sử dụng là rất lớn.

“Hy vọng đây chỉ là sự cố trong một thời điểm nhất định và phía công ty nước sạch đã khắc phục, nếu không thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Nếu nước đầu nguồn nhiễm dầu mà nước sau khi xử lý, cấp cho người dân cũng nồng nặc mùi dầu thì người dân không thể yên tâm sử dụng nước của nhà cung cấp được”, PGS.TS Trần Hồng Côn chia sẻ.

Nước mặt hay nước ngầm an toàn hơn?

Các nhà máy khai thác nước mặt cần bảo đảm nguồn nước sạch trước khi xử lý thành nước tiêu dùng
 Các nhà máy khai thác nước mặt cần bảo đảm nguồn nước sạch trước khi xử lý thành nước tiêu dùng

PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, hiện đa phần các đơn vị cung cấp nước ở Hà Nội là sử dụng nước ngầm, chỉ có một số ít đơn vị cung cấp nước mặt như Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà. Vậy dùng nước mặt hay nước ngầm thì an toàn hơn?

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khó có thể nói được vì nước ngầm lại có nguy cơ nhiễm kim loại nặng cao hơn. Để xử lý nước ngầm, người ta khai thác xong, phải lọc bỏ kim loại nặng như chì, asen, sau đó sẽ clo hóa để cung cấp cho người dân. Đối với nước ngầm thì không cần phải lọc than hoạt tính, bởi lượng hữu cơ trong nước ngầm rất thấp.

Trong khi chờ kết luận của cơ quan chức năng, người dân có thể yên tâm dùng nước sạch không? PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, để yên tâm hơn, người dân có thể đầu tư hệ thống lọc than hoạt tính tại nhà, nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế và có giá thành cũng khá cao.

Cách tốt nhất vẫn là chờ kết quả kiểm tra chính xác và nhờ vào cơ quan chức năng xử lý nước từ nguồn. Nếu sự cố nêu trên chỉ là hy hữu, không phải là lỗ hổng trong quy trình xử lý nước thì sau một vài ngày, hệ thống nước sạch sẽ trở lại ổn định.

Trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch như thế nào? Theo LS Hoàng Nguyên Hồng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khi người dân phản ánh nước nhiễm bẩn, có mùi lạ thì vai trò của công ty nước là rất quan trọng.

Do nó xảy ra ở nhiều quận huyện, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe hàng triệu người dân thì những đơn vị kinh doanh nước sạch, thậm chí là các cơ quan chức năng của thành phố cần có cảnh báo chung cho người dân.

Từ đó giúp cho người dân biết được cách ứng phó, phòng tránh khi nguồn nước đột ngột nhiễm bẩn. Ngoài ra công ty cung cấp nước sạch cần có nguồn nước dự trữ khi xảy ra sự cố. Ở đây, người dân không được cảnh báo trước dẫn đến sinh hoạt bị đảo lộn thì phía công ty phải chịu trách nhiệm.

UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Công ty nước sạch sông Đà kiểm tra, rà soát lại quy trình vận hành nhà máy, làm rõ nguyên nhân các khâu, các bộ phận giám sát chất lượng nguồn nước, nếu các thiết bị không đạt yêu cầu cần có kế hoạch thay ngay.

Có kế hoạch rà soát đánh giá lại toàn bộ trang thiết bị đã đầu tư, có kế hoạch đánh giá chính xác chất lượng, tổ chức thay thế, bảo đảm nâng cao chất lượng nước, bảo đảm tiêu chuẩn nước uống được tại vòi.

Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà đang cung cấp 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ