Người dân giao đất làm đường nhưng không được hỗ trợ tái định cư

GD&TĐ - Mặc dù đã giao diện tích lớn đất để phục vụ dự án làm đường nhưng một hộ dân không nhận được suất tái định cư theo quy định.

Anh Nguyễn Thiện Phú bên diện tích đất gia đình bị thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc dự án đường nối Quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Anh Nguyễn Thiện Phú bên diện tích đất gia đình bị thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc dự án đường nối Quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Giao đất để thực hiện dự án giao thông…

Báo GD&TĐ nhận được đơn thư của ông Nguyễn Phúc Thanh (trú tại Tổ 6, phường Hợp Minh, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái) phản ánh về việc một số cơ quan chức năng thuộc TP. Yên Bái có vi phạm trong việc thu hồi, đền bù đất trái với với thủ tục, không đúng quy định của pháp luật dẫn đến tình trạng người dân bị tước đoạt quyền sử dụng đất.

Theo nội dung ông Nguyễn Phúc Thanh cung cấp, gia đình ông có gần 3.000m2 đất thổ cư và hơn 1ha đất vườn rừng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Thanh và con trai ông Thanh là anh Nguyễn Thiện Phú. Trong đó, diện tích đất thổ cư đứng tên ông Thanh là hơn 1.000m2 và đứng tên anh Phú là hơn 1.800m2.

Năm 2017, UBND TP. Yên Bái ra quyết định thu hồi diện tích đất trên để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc dự án đường nối Quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (nguồn vốn trái phiếu Chính Phủ).

Một phần diện tích gia đình ông Thanh bị thu hồi để làm đường.

Một phần diện tích gia đình ông Thanh bị thu hồi để làm đường.

Sau nhiều lần được chỉnh sửa, mức giá đền bù được UBND TP. Yên Bái đưa ra là 570.000 đồng/m2 đất thổ cư và đất vườn rừng là 18.000 đồng/m2 đất. Ngoài việc được đền bù đất, theo quy định, do diện tích đất bị thu hồi lớn nên gia đình ông Thanh sẽ được cấp từ 1 – 3 suất tái định cư.

Quá trình hoàn thiện các thủ tục thu hồi diện tích đất để thực hiện dự án, ông Thanh được gợi ý về việc tách thửa để lấy suất tái định cư vì theo quy định mỗi hộ khi bị thu hồi ngoài việc được đền bù sẽ được hỗ trợ một suất tái định cư.

Ông Thanh và con trai là anh Nguyễn Thiện Phú sau đó đã tiến hành tách thửa để bán nhiều diện tích đất khác nhau cho 14 cá nhân khác. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất được thực hiện qua các hợp đồng công chứng vào tháng 11/2017.

Như vậy, từ diện tích đất thuộc sở hữu của bố con ông Thanh, sau khi hoàn thiện các thủ tục chuyển nhượng, diện tích trên trước thời điểm bị thu hồi đã thuộc quyền sở hữu của 16 người.

…nhưng không được hỗ trợ tái định cư

Khi thực hiện các thủ tục thu hồi đất, chính quyền tỉnh Yên Bái áp dụng hình thức cho người dân tái định cư tại chỗ (người dân bị thu hồi đất sẽ được cấp diện tích đất khác cùng thuộc trên địa bàn phường, xã).

Với diện tích đất bị thu hồi trên, theo quy định sẽ có 16 suất tái định cư được cấp cho 16 người sở hữu. Cộng với 4 suất tái định cư cho 4 hộ dân khác cũng bị thu hồi đất thì trên địa bàn phường Hợp Minh sẽ có 20 suất tái định cư.

Tuy nhiên, khi 4 hộ dân khác đã nhận được suất tái định cư theo đúng quy định thì bố con ông Thanh cùng 14 người mua đất của gia đình ông lại không được cấp suất tái định cư. Sau nhiều lần có đơn thư kiến nghị gửi các cấp chính quyền, ông Thanh được trả lời mà theo ông là rất bất ngờ.

“Hội đồng Bồi thường Hỗ trợ Tái định cư TP. Yên Bái trả lời rằng do những người sở hữu đất đều không sinh sống tại địa phương và thời điểm bị thu hồi, diện tích đất trên không có người ở. Sau đó, Hội đồng Bồi thường Hỗ trợ Tái định cư TP. Yên Bái đã đem 16 suất tái định cư trên cấp cho những người khác.

Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái đã có văn bản trả lời về đơn kiến nghị của gia đình ông Thanh.

Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái đã có văn bản trả lời về đơn kiến nghị của gia đình ông Thanh.

Đáng chú ý, có những trường hợp đi làm việc tại tỉnh khác, không hay lưu trú tại địa phương hoặc những người ở địa phương khác đến thì lại được cấp. Điều này làm trái với quy định định cư tại chỗ của tỉnh Yên Bái”, ông Thanh cho biết.

Do không nhận được suất tái định cư theo quy định, gia đình ông Thanh đã có đơn gửi Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái để yêu cầu hủy các hợp đồng sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đã lập với 14 cá nhân trước đó.

Về nội dung này, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái đã có văn bản trả lời. Cụ thể, đơn vị này xác định các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Nguyễn Thiện Phú (con trai ông Thanh) với 14 cá nhân trên có vi phạm pháp luật về công chứng.

Cụ thể, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái xác định hồ sơ lưu của 14 hồ sơ công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh Yên Bái và 2 hồ sơ lưu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Văn phòng Công chứng Hoàng Thắng bị thiếu Bản trích đo thửa đất mới tách theo quy định.

Trên cơ sở trên, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái cho biết trong trường hợp nếu anh Nguyễn Thiện Phú cho rằng việc công chứng các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên có vi phạm pháp luật thì có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét tuyên hủy các văn bản công chứng vô hiệu.

Trong nội dung phản ánh đến Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Phúc Thanh mong muốn cơ quan chức năng làm rõ sự việc để gia đình nhận được suất tái định cư theo đúng quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.