Người dân Cà Mau than: Hóa đơn tiền điện tăng cao, ngành điện nói gì?

GD&TĐ - Trước phản ứng của người dân về việc hóa đơn tiền điện tăng cao trong các tháng mùa khô. Ngành điện Cà Mau có lý giải về vấn đề này.

Người dân Cà Mau than: Hóa đơn tiền điện tăng cao, ngành điện nói gì?

Theo Công ty điện lực Cà Mau, các tháng đầu năm 2024 ghi nhận nhu cầu phụ tải có sự phục hồi mạnh, sản lượng có xu hướng tăng, công suất Pmax tính từ đầu năm đến nay ước tăng gần 13%, điện thương phẩm đạt trên 484 triệu kWh, tăng hơn 20,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, điện quản lý - tiêu dùng - dân cư tăng hơn 31%.

Mùa nắng nóng là thời điểm mà nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, nhất là việc sử dụng các thiết bị gia dụng làm mát, bơm nước thường xuyên hoạt động. Nhiều gia đình hóa đơn tiền điện tăng gấp 2, 3 lần so với những tháng trước Tết Nguyên đán.

Nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh nhận hóa đơn tiền điện tăng cao trong các tháng 3 và 4.

Nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh nhận hóa đơn tiền điện tăng cao trong các tháng 3 và 4.

“Theo quy luật thời tiết, quý 2 hàng năm luôn là giai đoạn cao điểm nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 - 40 độ C, số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn, thậm chí cả ban đêm.

Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cũng tăng lên, chủ yếu vì sử dụng nhiều các thiết bị giải nhiệt, làm mát, đặc biệt là máy lạnh. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, cứ nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1°C thì tiêu thụ điện của máy lạnh tăng từ 2 - 3% tùy loại.


Nếu nhiệt độ tăng lên 5°C thì lượng điện tiêu thụ tăng 10%. Chính bởi nguyên lý vận hành trời càng nóng thì máy điều hòa càng tốn điện, do đó, có thể cùng mức sử dụng 8 - 10 tiếng/ngày, nhưng điều hòa chạy trong nền thời tiết 35 - 40°C sẽ tốn điện hơn hẳn dịp đầu hè, khi nền nhiệt độ khoảng 30 - 35°C.

Bên cạnh đó, tiền điện của các hộ gia đình trong tháng tăng cao do khách hàng sử dụng điện tăng sẽ rơi vào các bậc 4, 5, 6 theo Quy định về giá bán lẻ điện của Bộ Công thương ban hành năm 2023”, ông Trang Văn Sách, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau lý giải.

Sử dụng thiết bị điện không đúng cách cũng là nguyên nhân dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng.

Sử dụng thiết bị điện không đúng cách cũng là nguyên nhân dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng.

Để hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, ngành điện khuyến cáo khách hàng nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công thương. Thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm cũng như nâng cao tuổi thọ.

Một điều rất quan trọng với hầu hết các thiết bị điện trong gia đình là hãy rút phích cắm khi không sử dụng, bởi mặc dù không dùng nhưng chúng vẫn góp phần làm cho hóa đơn tiền điện tăng lên, khi sử dụng máy lạnh cần điều chỉnh ở nhiệt độ trên 25 độ C. Ngoài ra, khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp làm mát vào mùa nắng nóng bằng các biện pháp tự nhiên như trồng nhiều cây xanh quanh nhà, mở cửa sổ để tận dụng gió trời...

Nhân viên Công ty Điện lực Cà Mau sửa chữa hệ thống lưới điện đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô.

Nhân viên Công ty Điện lực Cà Mau sửa chữa hệ thống lưới điện đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô.

Thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết điện giai đoạn 2023 – 2025 và các năm tiếp theo. Năm 2024, số khách hàng trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm đối tượng thực hiện tiết kiệm điện là trên 11.400 khách hàng, tương ứng 24,48 triệu kWh.

Chia ra 4 nhóm, gồm: Nhóm hành chính sự nghiệp với 2.216 khách hàng, phát động tiết kiệm tối thiểu 10% so với năm 2023, tương ứng hơn 3,66 triệu kWh; nhóm chiếu sáng công cộng với 1.034 khách hàng, phát động tiết kiệm tối thiểu 30% so với năm 2023, tương ứng hơn 2,67 triệu kWh; nhóm thương mại dịch vụ với 6.337 khách hàng, phát động tiết kiệm tối thiểu 50% (phần chiếu sáng quảng cáo) so với năm 2023, tương ứng hơn 8,27 triệu kWh và nhóm sản xuất công nghiệp với 1.845 khách hàng, phát động tiết kiệm tối thiểu 2% trên 1 đơn vị sản phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.