Hạnh phúc mong manh
Người phụ nữ là nạn nhân của 2 vụ tạt axit nói trên là chị Bùi Thị Nhâm (trú tại xóm Đễnh, xã Dân Hòa, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Chị Nhâm sinh năm 1982 – tuổi Nhâm Tuất. Chị bảo, từ khi còn nhỏ, nhiều người làng vẫn hay dặn con gái tuổi chị sau này sẽ có biến cố.
Chị Nhâm chẳng tin vào tướng số nhưng "cuộc đời tôi trải qua nhiều biến cố thật”. Chị Nhâm từng chua chát như vậy khi trò chuyện với tôi.
Qua mai mối, chị Nhâm quen và kết hôn với một người đàn ông hiền lành chất phác. Nhiều năm sau đó, vợ chồng chị có với nhau 2 mặt con (hơn kém nhau 5 tuổi). Cuộc sống mới tuy không giàu sang gì nhưng 2 vợ chồng luôn chăm chỉ làm ăn, nuôi dạy 2 người con học hành đàng hoàng.
Cuộc sống tưởng cứ êm đềm trôi qua như vậy nhưng nào ngờ một ngày giữa năm 2009, chị bàng hoàng khi nhận được tin báo người chồng bao năm đầu ấp tay gối qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Biến cố đầu tiên trong cuộc đời ấy cướp đi “người bạn đồng hành” để lại chị cùng 2 người con tuổi vẫn còn nhỏ dại (khi ấy, con trai lớn của chị được 6 tuổi, con gái út được 1 tuổi).
Từ khi chồng mất, gánh nặng mưu sinh đè cả lên đôi vai chị Nhâm. Kinh tế eo hẹp, người phụ nữ ấy phải gạt nỗi đau mất chồng, làm lụng đủ mọi nghề để có tiền phụng dưỡng bố mẹ chồng và nuôi 2 con ăn học.
Hạnh phúc nhỏ bé, nỗi đau mất chồng cũng nguôi ngoai dần khi cả 2 đứa con chị lớn lên đều ngoan ngoãn, chăm học. “Thời ấy, làm thuê mỗi tháng cũng được khoảng 4-5 triệu đồng, đủ để lo sinh hoạt và cho các con ăn học”, chị Nhâm chia sẻ.
Gã trai quái đản 2 lần trả thù tình man rợ
Cuộc sống sau biến cố vừa tạm yên bình thì tai họa lại từ đâu ập đến mà nguyên nhân theo chị Nhâm là do chị từ chối tình cảm của một người đàn ông.
Năm 2017, sau khi chồng mất, chị Nhâm đi làm thuê và có quen biết với Nguyễn Trọng Lộc (SN 1969, trú tại Thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Từ những lần nói chuyện xã giao tại chỗ làm thuê, Lộc thường hay gọi điện, nhắn tin bày tỏ tình cảm với chị.
Biết Lộc đã có gia đình, chị Nhâm đã thằng thừng khước từ tình cảm của đồng nghiệp. Kể từ lần đó, cuộc sống của gia đình chị bị ảnh hưởng. Bản thân chị cũng liên tục nhận được những tin nhắn đe dọa vì dám khước từ tình cảm của Lộc.
Đầu năm 2019, khi đang trên đường đi làm, chị Nhâm bị một người đàn ông lạ mặt tạt axit vào người và bị bỏng ở vùng đùi phải điều trị nhiều ngày. Sau khi sự việc xảy ra, chị Nhâm chọn cách im lặng, không trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Chị bảo khi đó, bản thân chỉ muốn yên ổn làm ăn, nuôi gia đình. “Nếu trình báo, tôi sợ sẽ bị trả thù”, chị Nhâm nói.
Sau lần đó, chị Nhâm thay số điện thoại, chuyển nơi làm việc mới. Tưởng đâu sẽ được bình yên nhưng nào ngờ lại là khởi đầu cho một bi kịch khủng khiếp xảy ra với chị.
Bị chị Nhâm khước từ tình cảm, Nguyễn Trọng Lộc sinh thù tức, tìm cách dằn mặt, trả thù người mà mình từng say đắm, si mê. Lần này gã đàn ông quái gở không trực tiếp ra tay mà thuê Nguyễn Văn Cảnh (SN 1988, trú tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) để hại chị Nhâm.
Ngày 18/8/2019, khi chị Nhâm đang làm việc tại khu bếp của trạm dừng nghỉ Như Ngọc thì Cảnh đột ngột xuất hiện dùng cốc sứ đựng đầy axit tạt thẳng vào mặt chị. Do sự việc diễn ra quá bất ngờ, chị Nhâm chỉ biết ôm mặt kêu cứu trong khi kẻ thủ ác sau khi ra tay cũng nhanh chóng trốn khỏi hiện trường.
Không giống như sự việc lần trước, lần này, người thân của chị quyết định trình báo vụ việc với cơ quan chức năng. 10 ngày sau khi gây án và bỏ trốn, Cảnh bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định kẻ chủ mưu đứng sau vụ án chính là Lộc. Nguyên nhân của hành vi tội ác của Lộc xuất phát từ chính việc chị Nhâm dám từ chối tình cảm của hắn. Công an huyện Cao Phong đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với 2 đối tượng trên vì hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Bước đường cùng của người đàn bà khốn khổ
Trải qua biết bao nhiêu biến cố, người phụ nữ chưa đầy 40 tuổi trong già nua, tiều tụy. Trực tiếp là nạn nhân của 2 vụ tạt axit khiến chị Nhâm bị bỏng cả mặt và hỏng một bên mắt mất đi gần 70% sức khỏe.
Trong khi đó, sau nhiều lần phẫu thuật, những vết thương do axit gây ra trên gương mặt chị Nhâm cũng được phục hồi phần lớn nhưng vẫn để lại di chứng rất nặng nề. Mỗi lần tiếp khách, chị phải đeo kính đen và ngồi xa do sợ những vết sẹo chằng chịt trên mặt, cánh tay làm mọi người hoảng sợ.
“Khi bị tạt axit, mặt tôi nóng ran, hai mắt nhắm lại vì rát, tôi hoảng loạn nhờ mọi người lấy nước để rửa rồi sau đó ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở trên giường bệnh với khuôn mặt biến dạng, 2 cánh tay cũng bị ảnh hưởng”, chị Nhâm nhớ lại.
Để chạy chữa cho chị, gia đình đã bán toàn bộ tài sản, vay mượn hàng trăm triệu đồng từ anh em, họ hàng. Chính quyền địa phương, họ hàng làng xóm, cộng đồng mạng chung tay chia sẻ, giúp đỡ nên cuộc sống của 3 mẹ con chị Nhâm bớt đi một phần nào khó khăn, cùng cực.
Khi chị Nhâm phải làm bạn với giường bệnh, cậu con trai đầu mới vào lớp 10 phải xin nghỉ học để chăm mẹ. Quá trình trị liệu của chị kéo dài nên việc học của cậu cũng vì thế dở dang. Cậu phải bươn chải đi làm thuê dưới Hà Nội, tằn tiện gửi tiền về nuôi mẹ, nuôi em.
Trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, chị Nhâm cho biết thời điểm hiện tại, chị chỉ mong sức khỏe được phục hồi để bản thân có thể đi làm, kiếm thêm thu nhập phụ giúp người con trai lo cho gia đình.