Người con gái Anh hùng đất Ngã Năm

Người con gái Anh hùng đất Ngã Năm

Nỗi khiếp vía của quân giặc

Quân giặc sợ chị đến nỗi chỉ nghe đến tên chị là khiếp. Sợ đến nỗi hễ thấy ai có tên giống chị là bắt bớ, là đánh đập với phương châm “trăm lần bắt hụt cũng có lần bắt trúng”. Nhưng lại chẳng bắt được chị lần nào. Người phụ nữ ấy chính là chị Lưu Nguyệt Hồng, nguyên là Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng. Mọi người gọi chị với cái tên rất thân mật: cô Ba Nguyệt Hồng.

Chị Nguyệt Hồng sinh năm 1950 ở xã Vĩnh Quới, huyện Ngã Năm (nay là Thị xã Ngã Năm), Sóc Trăng. Nơi đây là một vùng đất trù phú mỡ màng với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Nơi đây có chợ nổi Ngã Năm chẳng thua kém gì chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). 

Đặc biệt, nơi đây là một vùng đất có vị trí địa lý thuận tiện cho việc đi lại giữa các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng… Đó là vùng đất mà một tiếng gà gáy cả mấy tỉnh đều nghe. Quê hương Ngã Năm của chị là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.

Quê hương chị là nơi có Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện được thành lập ở ấp Mỹ Đông, xã Mỹ Quới. Nơi có má Tám Huỳnh Thị Tân, người mẹ được nhà nước phong tặng hai danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Quê hương của chị còn là quê hương của người anh hùng Mai Thanh Thế…

Có lẽ vì vậy mà trong thời kỳ Mỹ - Ngụy, chúng đã lập chi khu Ngã Năm với lực lượng hùng hậu, có sự tăng cường của Sư đoàn 21 khét tiếng, có sự yểm trợ của pháo binh hạng nặng. Để uy hiếp tinh thần của người dân Ngã Năm, kẻ thù đã thẳng tay đàn áp, khủng bố, sát hại dã man đồng bào nơi đây.

Người con gái Anh hùng đất Ngã Năm ảnh 1
Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Nguyệt Hồng.

Chị Ba Nguyệt Hồng kể: Hồi đó chị còn nhỏ nhưng đã phải chứng kiến sự tàn bạo của quân thù. Chúng tra tấn dã man những người chúng gọi là Việt cộng với các hình thức dùng cây đập đầu, lê máy chém chém đầu, móc mắt, mổ bụng, moi gan… thật rùng rợn.

Chứng kiến những cảnh tàn bạo đó, chị tự hỏi tại sao cũng là người Việt cả mà lại có những kẻ ác như vậy? Phải làm gì để cho mọi người thoát khỏi cảnh đó? Câu hỏi ấy cứ trăn trở, vương vấn trong trí óc của chị. Từ đó, chị nung nấu một ý chí phải đi chiến đấu trả thù cho quê hương, cho đồng bào. Ý nghĩ đó cộng với truyền thống cách mạng của dòng họ, của gia đình, một gia đình có 5 người con thì cả 5 đều tham gia Cách mạng ngay từ khi tuổi trăng tròn…

Năm 1965, vừa tròn 15 tuổi, chị Ba Nguyệt Hồng đã tham gia cách mạng. Công việc ban đầu mà chị được chỉ huy phân công là phụ trách công tác quân y của đơn vị biệt động Ngã Năm.

Chị nói với tôi: Công tác nào cũng là phục vụ chiến đấu. Trong chiến đấu, khi có anh em nào bị thương, chị băng bó, cứu chữa cho anh em xong rồi chị cầm súng của người bị thương tiếp tục chiến đấu với kẻ thù. Lúc bấy giờ, chị còn nhỏ tuổi và nhỏ người nữa nên chuyện bắn súng là cả một vấn đề. Loại súng phổ biến của anh em lúc đó chủ yếu là súng trường “bá đỏ”. Người khỏe bắn còn ê vai huống chi người yếu. Thế mà, có trận chị bắn hết hơn nửa bao đạn. Lúc đó đâu có nghĩ gì đến chuyện ê vai, tất cả cứ nhằm vào kẻ thù để trả thù cho đồng đội, cho đồng bào mà thôi.

Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, chị đã đánh rất nhiều trận, tiêu diệt được nhiều tên địch. Đến nỗi giặc ở chi khu Ngã Năm hễ nghe đến tên chị là khiếp vía. Sợ đến nỗi chúng tìm mọi cách để bắt hoặc giết chị. Đi đâu, nghe có người phụ nữ nào tên Hồng là chúng bắt, đánh đập dã man với phương châm “Trăm lần bắt trật cũng có lần bắt trúng”. 

Cũng có lẽ vì thế mà lúc nào trong người chị cũng có sẵn một trái lựu đạn để lỡ có gặp giặc thì rút ra “cưa đôi” với chúng. Sau này, có một người phụ nữ gặp chị Ba, kể cho chị nghe chuyện vì cũng tên là Hồng nên chị bị giặc bắt, đánh đập cho đến trật khớp đầu gối để rồi mang tật suốt đời.

Sau ba năm chiến đấu, vừa tròn 18 tuổi, chị Ba được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, được bầu vào chi ủy. Mấy tháng sau được bầu giữ chức Phó Bí thư chi bộ. Vinh dự thật lớn lao nhưng trách nhiệm hết sức nặng nề với cô gái Ngã Năm vừa tròn 18 tuổi ấy. Ấy thế mà chị vẫn hoàn thành tốt, được cấp trên tin cậy, anh em đồng đội tín nhiệm, yêu thương.

Người con gái Anh hùng đất Ngã Năm ảnh 2
Nữ Anh hùng Lưu Nguyệt Hồng (thứ 4 bên trái sang) trong ngày đón nhận danh hiệu AHLLVT nhân dân.

Tấm gương chiến đấu quên mình

Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1968, chị Ba và đồng đội của mình bao vây, bức rút chi khu Ngã Năm suốt 52 ngày đêm. Cũng trong những ngày đó, chị là người đã hạ lá cờ sọc dưa của giặc ở chi khu Ngã Năm và hiên ngang kiêu hãnh kéo lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên trên bầu trời chi khu Ngã Năm trong tiếng reo hò của bà con, của đồng đội. Đó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời chị.

Nói về những năm tháng chiến đấu, chị Ba bùi ngùi: Cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt, đồng đội chị có không ít người đã hi sinh ngay trên mảnh đất Ngã Năm thân yêu này. Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, chị đã khóc. Nhưng chị càng nung nấu ý chí căm thù, quyết tâm chiến đấu để trả thù cho đồng đội.

Khi tôi hỏi trong những năm tháng cầm súng đánh giặc, chị có ấn tượng nhất về trận đánh nào nhất, chị kể: Trận đánh nào cũng đáng nhớ cả. Nhưng nhớ nhất là trận đánh ngày 23/11 âm lịch năm 1967 vào chi khu Ngã Năm. Trước lúc đi đánh, thấy được tính chất ác liệt của trận đánh này, chị đã gỡ đôi bông tai của mình gửi lại cho má. Má thắc mắc thì chị nói mang theo lỡ nó móc vào cành cây mất thì tiếc…

Trận đó, theo hiệp đồng, đúng 0 giờ là nổ súng. Thế nhưng, do anh em pháo binh bị lạc đường nên mãi đến 2 giờ trận đánh mới bắt đầu. Lúc đó. Địch chủ động phản công nên bộ đội, du kích phải rút về cố thủ tại đám lá tối trời ở Long Mỹ (Chương Thiện - nay là Hậu Giang) quần nhau với địch cho đến 2 - 3 giờ chiều chúng mới lui quân. Khi đó, chị vừa mới mổ ruột thừa được 1 tháng nên có phần đuối sức nhưng chị vẫn quyết tâm không rời trận địa. Có lúc mệt quá, chị ngủ thiếp đi. Khi giật mình tỉnh lại mới biết mình nằm ngủ giữa hai người đồng đội đã hi sinh.

Trận đó chị được anh em trong đơn vị bình chọn xuất sắc nhất. Từ năm 1970 - 1972, chị Ba giữ chức vụ Bí thư chi bộ Đảng tại Thị Trấn Phú Lộc, ngay giữa lòng địch. Năm 1973, chị giữ cương vị Hội trưởng hội phụ nữ huyện Thạnh Trị.

Đến năm 1975, chị tham gia vào ban chỉ huy “gỡ mảng chuyển vùng” (mở rộng thêm các vùng giải phóng) của địa phương cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong những năm tháng chiến đấu, chị hai lần bị thương. Vết thương đó hiện nay vẫn còn hành chị mỗi khi trái gió trở trời. Về Ngã Năm - Phú Lộc, hỏi chị Ba Nguyệt Hồng, không ai là không biết. Thời chiến, chị là tấm gương chiến đấu quên mình, là niềm tự hào của nhân dân nơi đây.

Sau khi quê hương được giải phóng, chị Ba Nguyệt Hồng vẫn tiếp tục công tác tại đại phương. Năm 1977, chị được phân công làm Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Đảng của huyện ủy Thạnh Trị.

Đến năm 1996, chị chuyển công tác về Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng, phụ trách mảng chính sách và xã hội. Đây là mảng công tác rất nhạy cảm trong ngành LĐ-TB&XH. Còn chị Ba, với tâm nguyện của người bước ra từ cuộc chiến, chị rất hiểu nỗi đau thương, mất mát của nhân dân, của đồng đội. Vì thế chị làm việc rất công tâm, rất tận tụy. Có những trường hợp, khi xét hồ sơ công nhận Thương binh, liệt sĩ, do có dư luận này nọ, đích thân chị trực tiếp xem hồ sơ để có cách giải quyết đúng đắn, không sai lệch, không thiên vị ai.

Điều trăn trở của chị Ba là phải làm sao giải quyết đúng chế độ chính sách cho những người đã có đóng góp cho cách mạng. Phải bảo vệ quyền lợi và danh dự cho họ. Đó là mệnh lệnh của trái tim thôi thúc chị. Với bà con vùng kháng chiến, chị muốn làm việc gì đó thật thiết thực cho bà con, đáp lại tấm lòng cao cả, sự hi sinh thầm lặng của bà con cho cách mạng. Mỗi lần về lại chiến trường xưa, gặp lại những người đã từng che chở mình trước đây, chị rất băn khoăn khi thấy cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trở về Thị xã - nay là TP Sóc Trăng, chị tích cực vận động các cơ quan, các đồng đội, người nhiều người ít, gom góp làm nhà tặng bà con vùng căn cứ xưa. Tuy chưa nhiều nhưng tấm lòng của chị Ba là như vậy. Bao giờ cũng trọn nghĩa vẹn tình. Chính vì thế, mỗi lần chị về quê, bà con đến rất đông để thăm hỏi đứa con yêu của quê nhà.

Năm 2005, chị được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày chị đón nhận danh hiệu anh hùng, nhiều bà con ở quê chị mừng lắm. Chị Nguyễn Thị Út, quê ở xã Mỹ Quới anh hùng nói với tôi: “Cô Ba đáng lẽ phải được phong anh hùng lâu rồi mới phải. Bà con ở Ngã Năm mến cô Ba lắm. Khi cô được phong anh hùng, bà con rất vui và tự hào về cô”.

Bà con Ngã Năm thì như thế, còn chị Ba Lưu Nguyệt Hồng lại bộc bạch: “Nói thật với em, nhận danh hiệu anh hùng chỉ là cá nhân chị, trong khi đó, bà con nhân dân, đồng đội của chị nhiều người xứng đáng là anh hùng hơn chị nữa là khác”.

Bây giờ chị Ba Nguyệt Hồng đã nghỉ hưu sau cả cuộc đời cống hiến cho Cách mạng. Về nhà, chị vui vầy với con cháu, thỉnh thoảng lại trở về quê thăm anh em, bà con trong sự đón mừng của mọi người.

"Có những trường hợp rất khó khăn do người được đề xuất hưởng chế độ chính sách thực tế là hoạt động cho Cách mạng nhưng phải khoác vỏ là người của phía bên kia. Khi kết thúc chiến tranh, việc xác minh không dễ. Nhưng không phải vì thế mà để cho người đó thiệt thòi, không chỉ về vật chất mà còn cả về danh dự nữa. Người dân đã không tiếc gì cho Cách mạng, lẽ nào mình lại làm ngơ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ