Người bệnh binh trên mặt trận giải phóng 'đất vàng' ở Thủ đô

GD&TĐ -Về nghỉ hưu với chế độ bệnh binh 2, ông Nguyễn Hoa Cương ở phố Kim Mã, quận Ba Đình tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ xung phong vào những 'điểm nóng' trên mặt trận giải phóng mặt bằng làm đẹp cho khu dân cư…

Ông Nguyễn Hoa Cương (phố Kim Mã, quận Ba Đình) hăng hái với công việc chung của tổ dân phố.
Ông Nguyễn Hoa Cương (phố Kim Mã, quận Ba Đình) hăng hái với công việc chung của tổ dân phố.

Ký ức một thời hoa lửa

Trở lại 47 năm (tháng 4/1975), trong khí thế tổng động viên lực lượng cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chàng thanh niên Hà Nội Nguyễn Hoa Cương lên đường nhập ngũ.

Ông Nguyễn Hoa Cương được phân công về Sư đoàn 341B (sau này đổi thành Sư đoàn 391, rồi Lữ đoàn 391 thuộc Binh đoàn 12 và giải thể năm 1990).

Sau 6 tháng huấn luyện tại Sông Lam, Nghệ An, ông được chuyển vào Quảng Bình làm nhiệm vụ đặc biệt: “Thần tốc” khôi phục tuyến đường sắt Minh Cầm - Tiên An lúc này bị bom đạn tàn phá nặng nề.

Trong ký ức của người cựu chiến binh Nguyễn Hoa Cương, những câu khẩu hiệu ngày ấy: “Mỗi người làm việc bằng hai”; “Tất cả vì nhiệm vụ xây dựng, kiến thiết Tổ quốc”… đã trở thành mệnh lệnh để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341B cùng các đơn vị nỗ lực thi công, làm việc tăng ca để gấp rút hoàn thành nhiệm vụ.

Vượt qua thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn thực phẩm, ông Nguyễn Hoa Cương cùng các đồng đội của mình ngày đêm đi rải đường ray, xây dựng lại các nhà ga, mở mỏ đá, rà phá bom, mìn còn sót lại... quyết tâm hoàn thành kế hoạch sớm hơn so với thời hạn được giao.

Nhờ đó, ngày 31/12/1976 đã diễn ra sự kiện đặc biệt, hai đoàn tàu chở khách cùng xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, đánh dấu việc nối liền đường sắt Bắc - Nam sau hơn 30 năm gián đoạn.

Những năm tháng sau đó, trải qua nhiều đơn vị khác nhau, nhưng như có mối lương duyên với ngành đường sắt. Năm 1984 sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng, ông tiếp tục làm việc và có nhiều đóng góp trong xây dựng các tuyến đường sắt tại Cam Đường - Phố Lu (Lào Cai). Năm 1990, ông về nghỉ theo Quyết định 176, hưởng chế độ bệnh binh 2.

Trở về với những sinh hoạt đời thường, ông Nguyễn Hoa Cương luôn là chỗ dựa vững chắc cho gia đình, hiếu thuận chăm sóc mẹ già, tận tình chăm vợ không may gặp bạo bệnh và là tấm gương về lối sống giản dị, hòa đồng, chuyên cần cho các con noi theo.

Năm 2011, được sự tín nhiệm của bà con khu phố và chính quyền UBND phường Ngọc Khánh, ông bắt đầu tham gia công tác mặt trận, hiện làm Bí thư Chi bộ địa bàn dân cư số 5 kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 5.

Lính già vào mặt trận “nóng”

Ông Nguyễn Hoa Cương cho biết, địa bàn dân cư số 5 gồm 4 tổ dân phố, với 993 hộ dân, hơn 2.600 nhân khẩu trải dài từ ngã tư Nguyễn Chí Thanh - đường La Thành đến ngã tư Cầu Giấy - Kim Mã.

Do đặc thù hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong đó có Dự án mở đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục nên nhiều năm qua, chính quyền phường chú trọng tiến hành công tác vận động, tuyên truyền để người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

“Trong số 665 hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng trên toàn địa bàn phường, có đến 60% hộ thuộc địa bàn dân cư số 5. Đến nay, sau công tác tuyên truyền, vận động tích cực, cơ bản tất cả số hộ đã chấp hành tốt chủ trương, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thực hiện dự án.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phải thực sự nắm chắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các chính sách linh hoạt, đặc thù mà UBND thành phố đang tiếp tục nghiên cứu để áp dụng cho dự án này…”, ông Cương nêu kinh nghiệm.

Đánh giá về “cánh tay nối dài” như ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh - Đỗ Công Hải cho biết, đảm nhiệm đồng thời hai vai trò, ông Cương luôn tích cực phối hợp với tổ công tác của phường trong công tác tuyên truyền, vận động người dân giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Hoa Cương cũng là cầu nối của chính quyền phường với người dân, nhờ đó, việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố đến với mỗi người dân đều thuận lợi.

Có lẽ với ông Cương, vụ hỏa hoạn xảy ra vào năm 2018 tại đường La Thành gây hậu quả nặng nề không dễ quên. Đó cũng là lời cảnh báo để những người đứng đầu địa bàn dân cư như ông luôn thấy mình có trách nhiệm đi nhắc nhở bà con.

Đặc biệt là các hộ thuê cửa hàng kinh doanh đồ gỗ, nhà hàng ăn uống trên các tuyến Đê La Thành, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Huy Thông… chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy, tuyệt đối tránh những bất cẩn trong sử dụng các vật liệu dễ gây cháy nổ.

Sự gần gũi, quan tâm sát sao đến địa bàn dân cư của ông cũng đã thể hiện rõ trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021 và đầu năm 2022.

“Trên địa bàn khu dân cư đã tổ chức 2 chốt trực tại dốc xuống Chung cư Biển Bắc -1070 đường La Thành và ngõ 89 dốc Bệnh viện Phụ sản – ngõ Đầm Bầu nhằm duy trì bảo đảm “Tổ dân phố an toàn”.

Để hoàn thành nhiệm vụ, hơn 720 lượt cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, chi đoàn thanh niên và nhân dân đã được vận động để tự nguyện tham gia chốt trực, kiềm chế không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng…”, ông Cương nhớ lại.

Luôn nhiệt huyết gánh vác nhiều công việc được giao với một địa bàn khu dân cư rộng lớn, có nhiều đặc điểm phức tạp, nhưng ông Cương chưa khi nào nề hà, than khó.

Để từng bước xây dựng và duy trì cộng đồng dân cư đoàn kết, bảo đảm trật tự trị an, tuân thủ tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, với ông Nguyễn Hoa Cương không gì hơn là phải “miệng nói tay làm”, gương mẫu trong mọi việc và làm việc gì cũng hết tâm sức của mình. Có lẽ nhờ vậy mà ông đã chiếm trọn sự tin tưởng, quý trọng của bà con khu phố.

Bà Chử Thị Hạnh - Chi hội phó Hội Người cao tuổi khu dân cư số 5 (phường Ngọc Khánh) - bày tỏ, dù phải gánh vác, đảm đương khối lượng công việc rất lớn khi địa bàn khu dân cư được mở rộng nhưng ông Nguyễn Hoa Cương không nề hà mà luôn cố gắng hoàn thành công việc.

“Ông Cương sống giản dị, chan hòa và nhiệt tình, cống hiến hết sức lực vì những việc chung của tổ dân phố, của khu dân cư nên mọi người đều cảm phục, quý trọng...”, bà Chử Thị Hạnh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ