Người bán vé số ở Cà Mau bức xúc vì không được đại lý cho trả vé ế

GD&TĐ - Người bán vé số ở Cà Mau đang trong tình cảnh khó khăn vì đến giờ vẫn không được trả vé số bán ế mặc dù đã có quy định.

Người bán vé số ở Cà Mau bức xúc vì không được đại lý cho trả vé ế

Người già, khuyết tật, trẻ em “đứng đường” bán vé mỗi buổi chiều

Trong những ngày mưa gió, ông T.V.L. (56 tuổi) vẫn phải “đứng đường” mời khách mua vé số.

“Nay tôi lấy gần 400 tờ vé số bán, nhưng gần đến giờ xổ vẫn còn gần 100 tờ. Mưa gió quá bán không được, đại lý không cho trả lại vé nên phải cố bán được đồng nào đỡ đồng đó”, ông L. chia sẻ.

ve so 6.jpg
ve so 5.jpg
Nhiều người bán vé số bất chấp mưa gió ra đường mời khách mua vé trước giờ quay thưởng.

Cũng bán vé số như ông L., chị N.T.M. (hơn 40 tuổi) bày tỏ bức xúc, nghe nói có quy định cho người bán vé số trả lại vé ế nhưng nhiều đại lý họ không cho trả.

"Giờ nhiều đại lý nắm quyền "sinh sát" rất lớn, họ không cho trả là người bán vé số phải chịu. Người bán nào mà đòi trả là họ cắt giao vé nên ít ai dám phản ứng", chị M. bức xúc.

Ông N.V.H. (71 tuổi) có hơn 20 năm bán vé số cho biết, chưa bao giờ người bán vé số khó khăn như hiện nay, đã nghèo đi bán vé số giờ càng thêm nghèo.

“Nay tôi còn ế đến 200 tờ, lâu dài thâm hụt sao chịu nổi, phải đi vay nợ để làm vốn tiếp tục mưu sinh. Già cả rồi, lại nghèo, không vốn, muốn tìm việc khác cũng không được”, ông H. nghẹn giọng.

ve so 10.jpg
ve so 1.jpg
ve so 7.jpg
Người già, khuyết tật, trẻ em vất vả mời chào khách mua vé để không tồn nhiều vé ế, có tiền mưu sinh.

Cầm sấp vé số ế trên tay, ông T.V.K. (73 tuổi) nói như muốn khóc: "Mưa quá vé số bị ướt tôi mới phải chạy về lấy bếp ga hơ lại, cố gằng bán thêm vài vé nữa chứ có trả đâu được. Bán không hết ôm là lỗ, không tiền mua đồ ăn".

Để giải quyết vé số ế không trả lại được, chị T.K.V. (36 tuổi) phải huy động thêm 3 đứa con nhỏ “đứng đường” mời khách mua vé số.

Chị V. cho biết, đại lý giao vé buộc mình phải bán đứt đuôi, không được trả.

"Hôm trước mưa xuống tầm tả, bán còn gần 200 tờ, gửi tin về cho đại lý xin trả lại bớt 30-40 tờ thôi nhưng người ta cũng không đồng ý”, chị V. bức xúc.

“Luật ngầm” giữa đại lý và người bán vé số?

Liên hệ với một số đại lý trên địa bàn TP Cà Mau trao đổi về phản ánh của người bán vé số, nhiều đại lý đã từ chối, né tránh tiếp xúc với phóng viên và đùn đẩy liên hệ đại lý này, đại lý khác hoặc liên hệ công ty.

Đại lý vé số cấp 1 T.K. (TP Cà Mau) lý giải, có người bán vé số sáng lấy vé, trưa có việc hoặc thấy mưa là muốn trả lại. Cũng có người lấy nhiều vé nhưng không nhiệt tình, lười bán, trong khi hiện nay có rất nhiều người có nhu cầu lấy vé số bán.

“Ai bán không được thì mình đưa ít vé lại thôi, đại lý nào không biết, ở đây chúng tôi cho trả bình thường”, đại diện đại lý T.K. cho biết.

ve so 2.jpg
Người bán vé số quầy gom vé số ế buổi chiều không trả được.

Tuy nhiên, nhiều người bán vé số cho rằng, bán vé số có lúc đắt, lúc ế, phụ thuộc nhiều yếu tố, không lường trước được. Lấy ít số thì ngày thuận lợi bán được sẽ không có số bán, không đủ chi tiêu. Mặt khác lấy càng ít số sẽ càng khó bán.

Người bán vé số đa phần là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, ai cũng muốn bán nhiều, bán hết để có tiền. Tỷ lệ người lười bán rất ít, nếu đánh đồng như thế mà không cho trả vé thì rất khó.

"Bề ngoài, đại lý nói sẽ cho trả nhưng có “luật ngầm” ràng buộc người bán vé số không được trả, ép người bán như chúng tôi vào thế kẹt. Chúng tôi già, không biết mưu sinh bằng nghề gì khác nên phải chịu”, ông T.V.L. hành nghề bán vé số nói.

Một số người bán vé số cho biết thêm, có những đại lý mở ra nhiều quầy bán vé số. Họ không cho người bán vé số lẻ trả vé, để gom vé ế từ các quầy bán của địa lý trả cho công ty theo tỷ lệ %.

Khi thực hiện bài viết này, phóng viên cũng đã nhiều lần nhắn tin, gọi điện ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Cà Mau để đề nghị làm việc, trao đổi thông tin. Tuy nhiên, phóng viên không nhận được phản hồi từ vị lãnh đạo Công ty này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Vẫn rất lúng túng mua điện mặt trời

GD&TĐ - Liên quan đến giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu dư thừa phát lên lưới, giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án.