Ngược “đường mỡ” tới Na Tông

GD&TĐ - Đường vào Na Tông (tỉnh Điện Biên) trơn trượt như bôi mỡ. Ở đây, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ thứ. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, thầy cô quyết tâm: Lớp luôn phải đủ học sinh.

Hình ảnh đồng nghiệp mệt lả trên hành trình về bản được cô Hồng ghi lại. Ảnh: NVCC
Hình ảnh đồng nghiệp mệt lả trên hành trình về bản được cô Hồng ghi lại. Ảnh: NVCC

Võ sĩ “đấu vật” bất đắc dĩ

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh giáo viên mệt lả, nằm “vạ vật” trên cung đường trơn trượt. Đó là những thầy cô trong hành trình lên bản được cộng đồng mạng chia sẻ.

Một trong những câu chuyện ấy được cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trường Mầm non số 2 Na Tông (xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) chụp và đăng tải trên trang Facebook cá nhân ngày 16/8. Trong ảnh là cảnh một số đồng nghiệp chân đeo ủng nhựa, người lấm lem bùn đất mệt lả ven đường. Họ đang trong hành trình “chinh phục” những đèo dốc chênh vênh, trơn trượt để đến điểm trường Gia Phú A (Trường Mầm non số 2 Na Tông) kiểm tra tình hình cơ sở vật chất, chuẩn bị cho năm học mới.

“Bình thường thì đầu giờ chiều ngày Chủ nhật, tôi và 3 cô giáo nữa sẽ mang theo đồ đạc, thức ăn lên những điểm trường lẻ được giao phụ trách. Nhưng hôm đấy, để đến được trường, chúng tôi phải đi 6 tiếng đồng hồ. Hôm đó trời mưa nên đường trơn, lầy, toàn bùn đất. Nhiều đoạn dốc cao. Có những đoạn thì hẹp do đất đá sạt lở khiến mọi người chật vật để đi qua”, cô Hồng kể lại.

Giáo viên phải tự dọn đường để đi tiếp. Ảnh: NVCC
Giáo viên phải tự dọn đường để đi tiếp. Ảnh: NVCC

“Nhiều đoạn không thể đi tiếp vì ách tắc, đá san lấp mặt đường. Chúng tôi phải dừng xe, cùng nhau đẩy đá xuống vực để mở đường. Vừa đói, vừa mệt nên vài cô nằm vật ra đường, thở không ra hơi. Biết là khó khăn, nhưng không lên kiểm tra cơ sở vật chất để chuẩn bị cho năm học mới thì không được” - cô Hồng kể tiếp.

Năm học này, cô Hồng được giao phụ trách điểm trường Gia Phú A. Đây là điểm bản khó khăn, xa xôi nhất ở xã biên giới này. Nhà cô Hồng cách trường hơn 70km, trong đó có tới hơn nửa là đường rừng. Từ điểm trường chính, muốn đến bản Gia Phú A, cô Hồng phải đi thêm gần 20 cây số nữa. Đó là quãng đường giáo viên phải “đánh vật” suốt nửa ngày mới có thể vượt qua. Ở đâu có sạt trượt, chỗ nào đường trơn hay chỗ nào có ổ voi, ổ gà, các cô quen từng vết. Thế mà vẫn cứ ngã như thường. Bởi thế, chuyện rách chân, tím mặt xảy ra như cơm bữa.

“Ngoài đồ đạc cá nhân, mỗi giáo viên phải chở thêm thực phẩm nấu ăn bán trú của học sinh trong cả tuần. Đường đi đã khó lại chở nhiều đồ nên xe hay bị trượt bánh. Chúng tôi phải quấn xích sắt vào bánh cho đỡ trơn thì xe lại chạy chậm và nặng như máy xúc. Phần lớn đoạn đường là bọn mình phải đẩy xe, đoạn nào không đẩy nổi nữa thì lại ngồi chờ dân bản đi qua, nhờ họ đi xe lên hộ. Mình thì vác bao đồ đi bộ phía sau”, cô Hồng nói thêm.

Những cung đường dường như chỉ dành cho giáo viên “cắm bản”. Ảnh: NVCC
Những cung đường dường như chỉ dành cho giáo viên “cắm bản”. Ảnh: NVCC

Mọi thứ có thể thiếu nhưng học sinh phải đủ

Trường Mầm non số 2 Na Tông nằm trong một thung lũng, bao quanh là núi. Trường có một điểm trung tâm và các điểm bản lẻ gồm: Sơn Tống, Huổi Chanh, Gia Phú A và Gia Phú B.

Nhớ lại ngày đầu lên nhận công tác, cô Nguyễn Thị Huyền Thương - Hiệu trưởng nhà trường vẫn không thể tin nổi bản thân lại có thể vượt qua. Cô Thương bộc bạch: “Hôm đó mình bị ngã, cả người cả xe rơi xuống vực, phải nhờ dân bản dùng dây thừng kéo lên. Đến được trường, nhìn lớp học trống huếch, xiêu vẹo, mái chỗ lành chỗ thủng. Người thì đau lại thấy cái gì cũng không có như ngoài thành phố. Nói thật, lúc ấy mình chỉ biết khóc và muốn khoác ba lô đi về”.

Vậy mà đã 8 năm trôi qua, cô Thương gắn bó với mảnh đất này. Tuy có nhiều đổi mới, song đây vẫn là ngôi trường khó khăn nhất huyện. Đường đi gian nan thì chớ, cơ sở vật chất dạy học khó khăn không kém. Trường chính đã thiếu thốn, các điểm lẻ còn khó bội phần. Năm ngoái điểm trường Gia Phú A mới được xây dựng kiên cố. Giáo viên ở đây cũng mới có được một phòng bán trú. Bên trong, họ tận dụng những mảnh gỗ ghép lại làm giường thay vì phải ở căn phòng gỗ ghép, chắn bạt trước kia.

“Ở đây chỉ có thể sử dụng điện năng lượng mặt trời để phục vụ phần nào công tác giảng dạy và học tập. Nếu trời nắng to thì đủ điện thắp sáng vài tiếng buổi tối, còn đến mùa mưa thì chịu. Bọn mình ai cũng phải sắm chiếc đèn tích điện để bật lúc đi tắm và ăn cơm tối. Dù vậy, cũng dùng tiết kiệm sao cho được hết tuần, cuối tuần về nhà sạc rồi lại mang lên”, cô Thương kể.

Bản Sơn Tống vẫn chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại thì chập chờn chỗ có chỗ không. Giáo viên phải về nhà in bài học rồi mang lên dạy cho cả tuần. Mỗi lúc nhớ chồng, thương con, muốn gọi điện về nói chuyện mấy câu song điều đó hầu như là quá xa xỉ.

Một đoạn đường từ trung tâm xã Na Tông đến điểm bản Gia Phú.
Một đoạn đường từ trung tâm xã Na Tông đến điểm bản Gia Phú. 

“Ban ngày có học sinh quây quần còn đỡ, chứ đến tối là cũng sợ lắm. Bọn tôi toàn bắt nhau kể đủ thứ chuyện cho đêm qua mau. Muốn gọi về nhà thì phải đi ra tận cổng hoặc trèo cây mới gọi được vì ở một vài vị trí nhất định mới có sóng. Lắm hôm 4 cô đứng 4 góc sân, mỗi cô giơ 1 máy lên hứng sóng để gọi điện. Mạng cũng không ổn định nên cứ được vài giây thì đứng hình, lại cầm điện thoại lắc lắc mong sóng nó về” - cô Hồng cười.

Xã Na Tông phần lớn là đồng bào Mông sinh sống. Các hộ rải rác ở các sườn núi cao nên mỗi điểm trường chỉ có khoảng 30 học sinh. Các cô lên bản vận động suốt nhưng ngày nào lớp học cũng thiếu vắng học trò. Hôm thì vài em, hôm thì có đến nửa lớp nghỉ học.

Phụ huynh ở bản cho rằng, học cho biết chữ thì đến lớp 1 cho đi vài năm là được. Nên với họ, con cái đến trường mầm non không còn quan trọng nữa. Vì thế, giáo viên ở đây ngày nào cũng thay nhau đến nhà gọi cửa, rồi chở học sinh lên trường. Có hôm, đón được em này thì em kia lại nghỉ.

Nhiều khi các cô thuyết phục không được, phụ huynh họ còn đuổi đi vì chẳng muốn tiếp. Lúc đó, tất cả ngậm ngùi, đành phải quay về, mấy hôm sau lại đến. Hết mùa ngô lại đến mùa lúa, mùa măng… bà con quanh năm lam lũ những mong có đủ cái ăn. Họ chẳng quan tâm đến học hành, nên hành trình đưa đón học trò của các cô giáo “cắm bản” cứ dài mãi ra.

“Học sinh ở đây không phải chúng không muốn tới lớp, mà vì gia cảnh quá nghèo khổ, bé tí đã phải làm nương, lấy củi, trông em phụ bố mẹ. Bởi thế, chúng tôi xác định sẽ phải kiên trì vận động. Với mỗi giáo viên như chúng tôi, mỗi ngày lên lớp, thấy học trò đông đủ thì đó là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất rồi”, cô Hồng tâm sự.

Sau nhiều năm miệt mài tuyên truyền, thuyết phục đưa con em đến lớp, giáo viên cùng dành hết tâm sức cho việc nuôi dạy, giờ đây, dân bản đã coi cô giáo như người nhà. Cô mến trò, trò quý cô. Mấy năm gần đây, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường đều đạt trên 90%. Con số trên được các cô coi như thành quả và động lực để tiếp tục bước đi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ