Ngũ Phúc Đường tiếp thị dễ gây hiểu nhầm thực phẩm là thuốc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Công ty Cổ phần Y Dược Ngũ Phúc Đường phân phối 9 nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng nội dung tiếp thị dễ gây hiểu nhầm là thuốc. Ngũ Phúc Đường cũng tự nhận là “uy tín hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ”.

Ngũ Phúc Đường đang phân phối 9 nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng điều trị bệnh.
Ngũ Phúc Đường đang phân phối 9 nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng điều trị bệnh.

Uy tín hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ?

Theo thông tin lưu trữ về doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Y Dược Ngũ Phúc Đường được thành lập ngày 14/1/2021 do ông Trần Bình Dương làm đại diện pháp luật. Tính đến ngày 14/6/2022 đơn vị này tròn 1 năm 4 tháng tuổi.

Công ty Cổ phần Y Dược Ngũ Phúc Đường đang phân phối 9 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gồm: Lumedi-V Kids, Lumedi-V, Bảo Lạc Hoàn, Khai Tâm Hoàn, Victory, X-tabi, Ludicin, Stomacin và Trường Sơn Hoàn.

Trên website Nguphucduong.com giới thiệu, Công ty Cổ phần Y Dược Ngũ Phúc Đường có các đại lý phân phối riêng tại nhiều tỉnh, thành. Tại Hà Nội có Ngũ Phúc Đường Giảng Võ, Ngũ Phúc Đường Tây Hồ, Ngũ Phúc Đường Times City, Ngũ Phúc Đường Hà Đông, Ngũ Phúc Đường Thanh Xuân.

Tại Quảng Ninh có 2 đại lý gồm: Ngũ Phúc Đường Quảng Ninh, Ngũ Phúc Đường Bãi Cháy. Tại Hải Phòng có đại lý Ngũ Phúc Đường Lê Chân. Một đại lý tại TP Bắc Ninh với tên Ngũ Phúc Đường Bắc Ninh.

Công ty Cổ phần Y Dược Ngũ Phúc Đường tự giới thiệu sở hữu bài thuốc đã được “lâm sàng” từ cách đây hàng trăm năm.

Website công ty nêu rõ: “Các sản phẩm của Ngũ Phúc Đường dựa trên hệ thống những bài thuốc cổ phương đã được lâm sàng bằng lịch sử y học dân tộc hàng trăm năm. Vì thế, các sản phẩm này đảm bảo 100% nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên, giữ được nguyên vẹn tinh chất dược liệu, tác động sâu và lành tính cho người sử dụng”.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Y Dược Ngũ Phúc Đường cũng nhận là “thương hiệu uy tín hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tại thị trường Việt Nam. Mang đậm bản sắc y học cổ truyền phương Đông, Ngũ Phúc Đường chủ trương giữ vững nguyên lý trị bệnh tận gốc và bồi bổ toàn diện để đạt tới độ cân bằng lý tưởng cho cơ thể con người”.

Giới thiệu là vậy, song website của Ngũ Phúc Đường không đưa ra những bằng chứng như kết quả nghiên cứu lâm sàng, các văn bản, số liệu chứng minh đơn vị này uy tín hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Thực phẩm “núp bóng” thuốc cổ truyền?

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại ngày 27/6, ông TrầnBình Dương, đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Y Dược Ngũ Phúc Đường khẳng định, các sản phẩm của công ty đã có nghiên cứu lâm sàng. Không đưa ra nội dung chi tiết, ông Dương cho biết, sẽ giao bộ phận truyền thông cung cấp thêm thông tin cho báo chí.

Theo tìm hiểu của Giáo dục và Thời đại, một sản phẩm được gọi là thuốc cổ truyền phải trải qua quá trình xét duyệt rất phức tạp, thậm chí mất nhiều năm.

Ở cấp cơ sở, đơn vị xin cấp phép phải có tài liệu là mộc bản, bản ghi chép cổ, văn tự cổ… được giám định để chứng minh đó là bài thuốc gia truyền của dòng họ.

Tiếp đến, anh em, họ hàng… những người kế thừa bài thuốc cổ phương đó phải cùng nhau ký giấy xác nhận cho phép tổ chức, cá nhân khác khai thác công thức gia truyền của dòng họ theo hình thức thương mại.

Công việc tiếp theo là phải xin giấy xác nhận của Hội Đông y cấp xã, phường với nội dung công nhận người kế nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Đông y tại địa phương.

Sau khi tập hợp đủ thành phần hồ sơ nêu trên, đơn vị xin cấp phép phải gửi lên cấp quận, huyện để kiểm tra, rà soát và xác nhận để tiếp tục gửi lên cấp tỉnh.

Ở cấp tỉnh, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát lại hồ sơ, tài liệu để cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền.

Đối với gia đình hoạt động Đông y, khi có chứng nhận bài thuốc gia truyền thì chỉ được bốc thuốc ở phạm vi gia đình, hoặc bán thuốc cho bệnh nhân tại gia đình chứ không được bán toàn quốc.

Đối với tổ chức muốn sản xuất thuốc phải tiếp tục tập hợp hồ sơ gửi lên Cục quản lý Y Dược Cổ truyền – Bộ Y tế để được xem xét.

Ở cấp Bộ, đơn vị xin phép có thể phải tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng để chứng minh cơ chế, tác dụng và hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu. Sau đó, Hội đồng chuyên môn của Bộ sẽ tiếp tục đánh giá bài thuốc.

Nếu vượt qua tất cả các công đoạn trên, đơn vị xin phép sẽ được Cục quản lý Y Dược Cổ truyền cấp phép bài thuốc cổ truyền. Lúc này, sản phẩm mới chính thức được phép lưu hành trên thị trường.

Với Công ty Cổ phần Y Dược Ngũ Phúc Đường, cả 9 sản phẩm được giới thiệu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc cổ phương như giới thiệu và không có tác dụng điều trị bệnh.

Được biết, tháng 5/2022, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế ra thông báo về việc ban hành quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Y Dược Ngũ Phúc Đường với số tiền 50 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ: Lumedi-V, Lumedi-V KIDS, Bảo Lạc Hoàn vì quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật các đường link Facebook facebook.com/nguphucduonggialam, facebook.com/groups/691617142256932 để quyết định mua và sử dụng sản phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Sau đó, Công ty Cổ phần Y Dược Ngũ Phúc Đường gửi văn bản đến Cục An toàn thực phẩm khẳng định: Trong hệ thống của Ngũ Phúc Đường hiện tại chưa có cửa hàng hay trang Facebook Ngũ Phúc Đường Gia Lâm và Ngũ Phúc Đường Hạ Long, các tin trích dẫn trong bài viết của Cục không phải của Công ty Cổ phần Y Dược Ngũ Phúc Đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.