Ngư lôi Shkval bị loại biên dù nhanh gấp 4 lần Mk-48 Mỹ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Với tốc độ không tưởng của vũ khí ngầm, ngư lôi VA-111 Shkval Nga chính là mối đe dọa lớn nhất với các chiến hạm và tàu ngầm Mỹ.

Ngư lôi Mk-48 của Mỹ.
Ngư lôi Mk-48 của Mỹ.

Nhận định được chuyên gia quân sự Mỹ Chris Osborne cho biết khi nói về sức mạnh và sự nguy hiểm của VA-111 Shkval. Theo vị chuyên gia này, điểm làm nên khác biệt của Shkval so với các loại ngư lôi khác trên thế giới chính là siêu tốc độ khi tấn công mục tiêu.

"VA-111 Shkval có khả năng đạt tốc độ lên tới 370km/h, gấp hơn 4 lần tốc độ của nhiều loại ngư lôi khác (có tốc độ dao động từ 45 đến 77km/h), trong đó có ngư lôi tiêu chuẩn Mk-48 của Mỹ và một số đồng minh.

Chính sự khác biệt về tốc độ làm tăng đáng kể rủi ro cho các tàu nổi và tàu ngầm lớn của Hải quân Mỹ đang cố gắng tránh bị phát hiện", Chris Osborne viết.

Theo vị chuyên gia này, cách duy nhất của Mỹ và đồng minh ngăn chặn mối nguy hiểm của Shkval là phát hiện tàu ngầm Nga mang vũ khí này và vô hiệu chúng sớm trước khi ngư lôi được Nga phóng đi.

Mặc dù được chuyên gia Mỹ khen ngợi hết lời nhưng theo Tổng giám đốc Tổng Công ty Tên lửa chiến dịch - chiến thuật (KTRV), ông Boris Obnosov, Hải quân nga đang dần loại bỏ VA-111 Shkval khỏi các tàu ngầm hiện đại.

"Chúng tôi sẽ thực hiện nâng cấp ngư lôi Shkval theo một chương trình phát triển vũ khí dưới nước tích hợp cho Hải quân. Bởi hiện nay, loại ngư lôi này không thích hợp cho chiến tranh dù chúng có tốc độ lên tới gần 400km/h.

Theo ông Boris Obnosov, dù có tốc độ siêu nhanh nhưng tầm bắn của Shkval quá ngắn, tối đa không quá 10.000m, buộc tàu ngầm phải áp sát đối phương mới có thể ra đòn. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm do các chiến hạm hiện đại đều có hệ thống định vị thủy âm tối tân cùng vũ khí chống ngầm uy lực.

Và chính công nghệ siêu khoang của Shkval lại khiến cho ngư lôi không thể thiết lập mối liên lạc hai chiều, khi tín hiệu radio bị cản lại ở bên ngoài, không thể xuyên qua bọt khí.

Ngư lôi phải phụ thuộc vào việc ước lượng tọa độ mục tiêu trước khi phóng, độ linh hoạt của nó cũng cực kỳ kém, do một cú chuyển hướng gấp sẽ phá vỡ bong bóng siêu khoang.

Cuối cùng, ông Boris Obnosov cho biết, tính bí mật của ngư lôi Shkval hoàn toàn không có, do nó tạo ra tiếng ồn cực lớn và hình thành đường bọt nổi trên mặt nước rất dễ quan sát.

Đây chính là những nguyên nhân khiến Nga gần như ngừng sử dụng Shkval và thay thế chúng bằng loại ngư lôi sở hữu nhiều ưu điểm hơn.

Hiện nay, ngư lôi Futlyar đang được Nga lựa chọn và trang bị trên tàu ngầm nguyên tử lớp Borey, Yasen và các tàu ngầm điện diesel.

Như vậy, những tàu ngầm hiện đại nhất của Nga được trang bị ngư lôi Futlyar - vũ khí được đánh giá là đáng sợ hàng đầu thế giới và vượt xa ngư lôi tiêu chuẩn MK-48 trong Hải quân Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ