Ngũ đại giang hồ: Hải Bánh về phò Năm Cam

Tháng 10/1998, chị ruột của Năm Cam mất, Hải Bánh được Dung Hà dẫn đến viếng và giới thiệu với Năm Cam. Đó chính là điểm mốc của một mối giao tình giang hồ đầy bi kịch và máu.

Ngũ đại giang hồ: Hải Bánh về phò Năm Cam
Ngũ đại giang hồ: Hải Bánh về phò Năm Cam
Bà trùm Dung Hà (trái) và phó tướng Hải Bánh trong một chuyến du hí Hải Phòng năm 1999.

Hoàng Linh là nhà báo chuyên theo dõi các vấn đề tội phạm của báo Tuổi Trẻ những năm 1980, 1990. Bị treo bút rồi vào tù vì liên quan đến vụ án Năm Cam, nhờ cải tạo tốt, anh được đặc xá năm 2007 và hiện công tác tại báo Tuổi Trẻ.

Loạt ký sự nhiều kỳ "Ngũ đại gia đình giang hồ" giúp hình dung những băng nhóm tội phạm thời gian trên và chiến công to lớn của lực lượng công an Việt Nam.

Sau đêm sinh nhật vũ trường, Hải Bánh điện thoại cho Xuyên báo hắn sẽ không lên đó nữa. “Vũ trường quá an toàn, đâu có việc cho anh làm…”. Xuyên nói: “Ok, nhưng Cậu Năm sẽ không hài lòng”. Hải Bánh bất ngờ: “Cái gì?”. Nhưng Xuyên đã cúp máy.

“Cậu Năm cần gặp”

Ngay tối hôm đó, hậu quả đã xảy ra: tiệm hớt tóc gội đầu bị đập tan nát. Đang ngồi café Ciao, Hải Bánh bay về, chẳng thấy đám hung thủ đâu, chỉ có “chèo” lượn lờ. Hải Bánh chạy về nhà thằng đệ giấu súng và lên vũ trường Không Gian đi vòng vòng chơi, thực tế coi như đã nhận lời làm bảo vệ chìm chuyên trị đám giang hồ số má từ ngoài Hà Nội và Hải Phòng vào. Thế là khách ở đâu tự nhiên kéo đến tiệm uốn tóc quá trời, Hải Bánh phải thuê thêm thợ mới đủ phục vụ.

No cơm ấm cật, Hải Bánh bỗng thấy ngứa tay ngứa chân, thèm đánh đấm ai đó đồng thời muốn khẳng định với ông chủ.

Không phải chờ đợi lâu, Hải Bánh có tin nhắn từ số máy lạ hoắc: “Cậu Năm cần gặp”. Không thời gian, không địa điểm, nhưng Hải Bánh biết mình phải làm gì.

Vào tù ra khám như cơm bữa

Năm 1982, đang học lớp 8, Hải nghỉ ngang để đi học nghề thợ hàn. Làm thợ thì... phọt phẹt, nhưng nghề đao búa thì Hải Bánh chẳng kém cạnh gì ai. Khoảng những năm 1982-1985, Hải Bánh là hung thần khu vực các Hàng ở Hà Nội. Sau lưng gã còn có một đám đàn em đầu trâu mặt ngựa, gã nào cũng tiền án tiền sự nhiều hơn tiền mặt. Chúng sẵn sàng coi việc đụng độ, đấm vỡ mặt người khác là “cái đinh”.

Vì tội cố ý gây thương tích, ngày 12/5/1985, Hải Bánh bị công an quận Hoàn Kiếm tóm cổ và bị tòa xử 42 tháng tù giam. Trước đó, gã đã một lần ngồi tù 24 tháng vì tội trộm cắp. Năm 1987, Hải Bánh ra tù. Có vẻ cu cò đã trở nên lương thiện, an phận làm một chú thợ hàn tàng tàng và lấy vợ sinh con đẻ cái.

Vợ hắn là Nguyễn Hoàng Hà, sinh năm 1970, con nhà tử tế, chắc cũng sẽ bảo ban được chồng. Vậy mà không. Năm 1990, khi Hà sinh được đứa con gái thì gã chồng lại trộm cắp, lại vào tù, đến năm 1992 thì được trả tự do, tên tuổi trở nên khá cộm cán.

Những cuộc thư hùng đẫm máu trên lề phố

Thời gian này, Hải Bánh cặp kè với Thủy bồ, một nữ quái sinh năm 1972. Vứt hẳn chiếc mỏ hàn vớ lấy con dao hoặc cây mã tấu, Hải Bánh trở thành một tay bảo kê vằn vện kiêm đại lý thuốc lắc cho dân chơi của nhiều nhà hàng vũ trường ở thủ đô. Hải thu phục được khá nhiều chiến binh giang hồ có số ở Hà Nội như Hải lớ, Hải hấp, Phát lợn, Trường xoăn, Hưng chùa... Trong số này, thật ra cũng có một vài "em" còn bé lắm, như Hưng chùa (còn gọi là Hưng "phi nhon", tức Nguyễn Việt Hưng) hay Trường xoăn (Nguyễn Xuân Trường) chẳng hạn.

Những cuộc thư hùng đẫm máu trên lề phố đã nhanh chóng đẩy uy tín Hải Bánh lên hàng “sao” trong giới giang hồ Hà Nội. Hải lọt vào mắt xanh của các ông trùm xã hội đen Hà thành lúc bấy giờ như Thắng tài dậu, Sơn bạch tạng, Khánh trắng, và cả bà chị Phúc bồ, một đàn chị theo nghĩa giang hồ của Thủy bồ.

Cao nhân tất hữu cao nhân trị, đến lượt Hải Bánh lại thầm kinh một kẻ khác, khổ thay lại là một con mẹ tưởng chừng có thể coi là nữ nhi thường tình. Đó là Vũ Hoàng Dung, (tức Dung Hà), nguyên “giám đốc đen” của công ty cờ bạc Kiến An (Hải Phòng).

Dung Hà thôn tính lãnh địa Hà Nội

Cú chào bàn ngoạn mục của Dung Hà khiến Hải Bánh phải xanh lè mặt là cuộc tập kích táo bạo của băng Hải Phòng do Dung Hà cầm đầu nhằm tiêu diệt băng Khánh trắng, ngay sau khi Dung Hà mới ra tù (cuối năm 1995). Lúc này, Khánh trắng, Phúc bồ... và nhiều ông trùm, bà trùm khác của Hà Nội đang liên minh với nhau khá chặt, đụng một băng là đụng toàn bộ anh chị thủ đô.

Nhưng Dung Hà vẫn không ngán. Vụ tập kích (đổ quân bằng ô tô) đã toàn thắng trước khi rút lui an toàn đã chứng tỏ bản lĩnh giang hồ của Vũ Hoàng Dung và bộc lộ rõ ý đồ “dẹp loạn sứ quân” để thôn tính lãnh địa Hà Nội của nữ quái này. Vì nể, Hải Bánh đã mò ngay xuống Hải Phòng ra mắt Dung Hà và được bà chị (Dung Hà chỉ hơn Hải Bánh một tuổi) tiếp đón nồng hậu.

Đế chế cờ bạc Hải Phòng, hậu thân của công ty cờ bạc Kiến An có thêm một phó tướng dũng mãnh là Hải Bánh, nắm đầu dây mối nhợ của đường dây cá độ bóng đá xuyên quốc gia. Khi Dung Hà di cư vào Sài Gòn, năm 1998, tại Hải Phòng công việc của Hải Bánh vẫn tiếp tục, ngay sau khi y hoàn tất thêm một bản án 45 tháng tù.

Hải Bánh về phò Năm Cam

Tháng 10/1998, bà Trương Thị Sẩm, chị ruột của Năm Cam, vợ Bảy Sy mất, giang hồ toàn quốc về viếng khá đông. Cùng với Hải hấp và Hải lớ, Hải Bánh cũng được Dung Hà dẫn đến viếng và giới thiệu với Năm Cam - kẻ đã từng nhận Dung là em kết nghĩa. Đó chính là điểm mốc của một mối giao tình giang hồ đầy bi kịch và máu.

Hai năm sau, Hải Bánh lỗ nặng trong nghề cá độ bóng đá, xù nợ của giang hồ Hải Phòng - Quảng Ninh hơn một tỉ đồng, bị đám anh chị đất Cảng tầm nã ráo riết.Giang hồ Hà Nội cũng không dung kẻ đã bắt tay với cựu thù, tuyên bố không còn đất cho Hải Bánh dung thân. Lốc ổ, Hải Bánh phải phiêu bạt về phương Nam.

Ban đầu, Năm Cam không ưa gì Hải Bánh do đánh giá hung thần này rất thấp ở mức độ trung thành. Mặt khác, ông trùm cho rằng Hải Bánh chỉ là loại “hữu dũng vô mưu”, ngại rằng máu liều của Hải Bánh có thể làm rách toạc vỏ bọc an toàn của đế chế họ Trương, không muốn dây vào.

Nhưng, Hải Bánh đang thất thế, nhũn như con chi chi, tỏ ra ngoan ngoãn thần phục. Năm Cam đổi ý, chìa tay vớt Hải Bánh để tính bề lợi dụng, mục đích là sử dụng Hải làm đối trọng với chính bà chị Vũ Hoàng Dung đang có những biểu hiện lộng hành nhằm tiếm ngôi đoạt vị.

Theo news.zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...