Ngôn ngữ Nga: Ngành có thế mạnh ứng dụng trong lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ và biên phiên dịch

GD&TĐ - Ngôn ngữ Nga là ngành học có truyền thống đào tạo tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), ĐHQG-HCM và đã cung cấp cho xã hội nhiều cử nhân ngôn ngữ Nga chất lượng cao. Hiện nay, ngành này có nhiều ứng dụng mới trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Ngôn ngữ Nga: Ngành có thế mạnh ứng dụng trong lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ và biên phiên dịch

Để tìm hiểu rõ hơn về ngành Ngôn ngữ Nga, Báo Giáo dục & Thời đại có buổi trò chuyện cùng với Thạc sĩ Bùi Thị Thúy Nga - Phó Trưởng khoa Ngữ văn Nga, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

PV: Xin cô giải thích rõ thêm về tiếng Nga. Theo cảm nhận của cô thì tiếng Nga có khó học đối với người lần đầu tiên học hay không?

ThS. Bùi Thị Thúy Nga:Khi bắt đầu học bất kỳ một ngoại ngữ mới nào, bạn cũng gặp những khó khăn nhất định. Và đối với người bắt đầu học tiếng Nga cũng vậy. Tuy nhiên, những khó khăn ở giai đoạn ban đầu khi học tiếng Nga thì có vẻ nhiều hơn một số thứ tiếng khác, ví dụ như tiếng Anh, tiếng Pháp.

Khó khăn đầu tiên là chữ viết, tiếng Nga là ngôn ngữ thuộc nhóm Slavo và sử dụng bảng chữ cái Cyrillic, vì thế các bạn mới bắt đầu học sẽ cần luyện tập viết chữ nhiều. Khó khăn thứ hai là ngữ pháp, khi học tiếng Nga các bạn sẽ được làm quen với một số khái niệm mà trước đây có thể các bạn hoàn toàn không biết như giống, số và cách.

Có lẽ trong tiếng Nga, danh từ và tính từ chịu sự chi phối về giống, số và cách nhiều hơn trong bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Tuy nhiên, ngữ pháp tiếng Nga lại vô cùng chặt chẽ và khoa học, khi bạn nắm được nguyên tắc thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Có thể nói, quy tắc ngữ pháp trong ngôn ngữ của một dân tộc cũng thể hiện cách tư duy của dân tộc đó. Vì vậy, các bạn có thể hiểu được, vì sao nền khoa học của nước Nga lại phát triển rực rỡ như vậy.

Khoa Ngữ văn Nga Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM tổ chức chuyến thực tập thực tế tại Trường THPT Vietsopetro, thành phố Vũng Tàu.

Khoa Ngữ văn Nga Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM tổ chức chuyến thực tập thực tế tại Trường THPT Vietsopetro, thành phố Vũng Tàu.

PV: Tiếng Nga sẽ được ứng dụng về nghề nghiệp trong bối cảnh phát triển của Việt Nam là gì, thưa quý thầy cô!

ThS. Bùi Thị Thúy Nga:Các định hướng chính về lĩnh vực làm việc cho sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Nga tại Việt Nam là lĩnh vực Du lịch - Thương mại, dịch vụ và Biên phiên dịch.

Đối với lĩnh vực du lịch, sinh viên ra trường có thể làm tại các vị trí: Hướng dẫn viên du lịch, nhân viên tổ chức, điều hành hoạt động du lịch, lễ tân, nhân viên chăm sóc khách hàng tại các khu nghỉ mát, khu du lịch.

Đối với lĩnh vực thương mại và dịch vụ, các vị trí việc làm phổ biến là: Trợ lý, Thư ký, nhân viên hành chính văn phòng trong tất cả những đơn vị sự nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động biết tiếng Nga.

Đối với lĩnh vực biên – phiên dịch, sinh viên tốt nghiệp có thể làm biên/phiên dịch viên cho các cơ quan ngoại giao, các tổ chức kinh tế, văn hoá, các cơ quan thông tấn báo chí.

Ngoài ra, sinh viên có thể làm việc trong các viện nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa hoặc tiếp tục học tập để có thể giảng dạy tiếng Nga tại các trường đại học.

PV: Được biết, SV ngành Ngôn ngữ Nga sẽ được thực hành, thực tập khá nhiều. Xin thầy cô cung cấp thêm thông tin.

ThS. Bùi Thị Thúy Nga:Khác với phần lớn các khoa/bộ môn khác trong trường, sinh viên khoa Ngữ văn Nga có đến 2 học phần thực tập thực tế vào học kỳ 2 năm 3 và năm 4. Cụ thể, với học phần Thực tập thực tế 1, SV sẽ tham gia kiến tập tại Trường THPT VietsovPetro tại Vũng Tàu. Tại đây, các bạn SV có cơ hội quan sát và trải nghiệm thực tế cuộc sống của các gia đình chuyên gia Nga đang làm việc và học tập tại Làng chuyên gia Nga ở Vũng Tàu. Đây cũng là dịp để các bạn có thể sử dụng trực tiếp tiếng Nga trong cuộc sống hằng ngày, ví dụ trong cửa hàng, nhà ăn, trong trường học và thư viện. Ngoài ra sinh viên còn được tham quan Doanh nghiệp dầu khí đầu ngành tại Việt Nam là Vietsovpetro. Đây cũng có thể là môi trường làm việc trong tương lai của SV sau khi tốt nghiệp.

Trong học phần Thực tập thực tế 2, SV năm 4 có nhiều lựa chọn thực tập tại các công ty - đơn vị sự nghiệp trong nhiều lĩnh vực hoạt động, điển hình như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành và lưu trú, các trung tâm dịch thuật. Cuối học phần, SV có 1 chuyến tham quan và trực tiếp trải nghiệm, thực hành mọi khâu trong công việc của 1 hướng dẫn viên du lịch.

Ngoài ra, nếu các bạn học giỏi, năm thứ 3 các bạn có thể được nhận học bổng của Chính phủ Việt Nam đi học tập thực tế tại Matxcova trong 10 tháng.

PV: Nếu người học muốn làm việc trong lĩnh vực Thương mại hoặc Du lịch thì Ngôn ngữ Nga có phải là ngành phù hợp để ứng dụng trong 2 lĩnh vực này không?

ThS. Bùi Thị Thúy Nga:Chắc chắn rồi. Đây là hai định hướng việc làm chính của sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Nga. Trong Chương trình đào tạo của Khoa có các học phần Tiếng Nga Du lịch, Tiếng Nga thương mai và Dịch Nga – Việt, Việt – Nga. Các bạn sẽ bắt đầu học các môn chuyên ngành này từ năm thứ 3. Trước dịch Covid-19, số lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam luôn chiếm vị trí số một trong nhóm khách từ Châu Âu và đây vẫn là thị trường chiến lược của du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Vì thế, nếu bạn muốn làm việc trong lĩnh vực du lịch sau 4 năm nữa, thì hãy chuẩn bị từ bây giờ.

Khoa Ngữ văn Nga Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM tổ chức chuyến thực tập thực tế tại Trường THPT Vietsopetro, thành phố Vũng Tàu.

Khoa Ngữ văn Nga Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM tổ chức chuyến thực tập thực tế tại Trường THPT Vietsopetro, thành phố Vũng Tàu.

PV: Học ngành Ngôn ngữ Nga có nhiều cơ hội du học, đặc biệt theo diện học bổng chính phủ Nga. Xin thầy cô cung cấp cho em thông tin ạ!

ThS. Bùi Thị Thúy Nga:Sinh viên học tiếng Nga tại Việt Nam không chỉ có rất nhiều cơ hội để nhận học bổng du học Nga từ Chính phủ Nga, mà còn có cơ hội nhận học bổng du học Nga toàn phần từ Chính phủ Việt Nam. Nếu các bạn có kết quả học tập 3 năm học THPT từ 7,0 trở lên và điểm trung bình học kỳ 1 năm thứ nhất đại học từ 7,0 trở lên, không bị thi lại môn học nào trong học kỳ 1 thì các bạn đã có cơ hội để ứng tuyển 2 loại học bổng trên. Nếu các bạn không lọt được vào danh sách nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Việt Nam, thì các bạn vẫn còn cơ hội với học bổng của Chính phủ Nga, bao gồm toàn bộ học phí và các lợi ích khác như sinh viên người Nga.

PV: có thể cho biết các lĩnh vực mà ngôn ngữ Nga có thế mạnh ứng dụng tại Việt Nam là gì?

ThS. Bùi Thị Thúy Nga:Tiếng Nga trong lĩnh vực ngoại giao, quân sự và dầu khí tại Việt Nam có vị trí rất quan trọng, điều này chắc các bạn biết rồi. Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin và tín dụng tài chính cũng có nhiều cơ hội việc làm cho người biết tiếng Nga. Khách du lịch Nga trong nhiều năm luôn chiếm vị trí số một trong nhóm khách du lịch từ Châu Âu đến Việt Nam, nên cơ hội làm việc trong lĩnh vực này của sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga khá cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp về công nghệ thông tin, tín dụng tài chính từ Nga hoặc thuê chuyên gia Nga đến Việt Nam làm cũng khá nhiều, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, sinh viên của khoa cũng có thể làm trợ lý, thư ký cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này.

Trân trọng cảm ơn Cô!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ