Thủa chưa có điện, cây đèn dầu cần thiết với con người tựa ánh sao cần màn đêm để tỏa rạng. Mỗi lần quàng quang gánh lên vai xuống chợ, mẹ tôi đều vào xó nhà kiểm tra lại can dầu xem tối nay còn đủ thắp hay không.
Đêm hôm công việc của mẹ có thể đứt đoạn nhưng trang sách của các con trước sau phải được ánh sáng đủ đầy của ngọn đèn dầu soi tỏ. Để rồi khi đêm buông cũng như lúc gà gáy sáng, mẹ lọ mọ lấy đèn dầu thắp sáng rồi nhắc nhở chúng tôi học bài.
Là em út trong nhà nên lúc nào ngồi học, anh chị đều nhường cho tôi vị trí gần cây đèn dầu nhất. Tôi có tật hay gật gù ngủ trong lúc học mà mỗi lần như thế những cọng tóc mong manh lại chạm vào ngọn đèn cháy khét lên làm tôi giật mình, tức thì tôi giả vờ như đang tỉnh táo và chăm chú học tiếp bên cạnh lời cằn nhằn của anh chị...
Những ngày mùa thóc rạ mệt nhoài, mẹ nấu xong bữa tối thì trời đã nhá nhem. Bên ngọn đèn dầu, mâm cơm ngày cũ chiếu rọi bóng hình người bố hiền từ lên vách nứa cố dấu khổ đau động viên các con cháo rau qua bữa; có dáng mẹ gầy mòn đang nuốt vội chén cơm trong tiếng muỗi vo ve.
Rồi mùa bão lũ tới, ngọn đèn dầu chòng chành theo con nước xuống lên. Mẹ bao giờ cũng che chắn được một chỗ khô khan nhất trong căn nhà dột nát cho chúng tôi ngủ.
Để giữ ngọn đèn không tắt trước đêm trường gió mưa, bố đã cắt đôi chai nước khoáng bằng thủy tinh trong suốt ra, lấy phần thân trên rồi tiếp tục hớt cổ chai đi để làm thành cái chụp đèn chống bão.
Biết mấy mùa lũ đi qua, đã bao nhiêu cơn gió gầm gào xốc tới, vậy mà chỉ với ngọn đèn dầu leo lét ấy, bố mẹ vẫn luôn vững chãi giữa đêm tối cuộc đời làm tường thành cho chúng con vô tư dựa dẫm.
Tưởng chừng như ánh điện sẽ thay thế hẵn những cây đèn dầu thô sơ, tăm tối. Nhưng...không! Trong mỗi gia đình quê tôi, những chiếc đèn dầu vẫn được người dân cẩn thận cất giữ đề phòng khi nước dâng, bão nỗi.
Với tôi, cây đèn dầu chưa khi nào là vật dụng tầm thường, đó đây nó vẫn được thắp lên âm thầm, sáng tỏ, chí ít là trong tâm thức mỗi người.