Trường tiểu học Hanlin có 1.200 học sinh. Trong số đó, 194 cha mẹ học sinh có bằng tiến sĩ, tương đương 1/6 tổng số bậc phụ huynh trong toàn trường.
Ngôi trường tọa lạc tại quận Suzhou – khu vực vốn nổi tiếng với những đổi mới trong lĩnh vực công nghệ cao của tỉnh Giang Tô.
Đây là nơi cư trú và làm việc của rất nhiều trí thức với chuyên môn cao. Quận Suzhou có tới 29 đại học và 12 viện nghiên cứu đạt chuẩn quốc gia của Trung Quốc.
Một thầy giáo họ Li công tác tại trường Hanlin cho biết, địa vị và bằng cấp của các bậc phụ huynh không gây ảnh hưởng tới chính sách tuyển sinh của nhà trường. Nhà trường không hề ưu tiên con em của các gia đình trí thức cao.
Nhà trường thường mời các bậc phụ huynh là các vị học giả, các nhà khoa học tới nói chuyện với các học sinh. Chủ đề các cuộc nói chuyện vô cùng đa dạng như vật liệu nano, virut máy tính và an ninh mạng.
“Bọn trẻ tỏ ra rất háo hức. Điều quan trọng không phải là các em nhớ được bao nhiêu mà nhằm khơi dậy trí tò mò của các em đối với các lĩnh vực khoa học và mở ra những tiềm năng phát triển to lớn hơn cho các em”, thầy Li nói.
Một nguyên nhân khác khiến nhà trường mong muốn các bậc cha chú tham gia nhiều hơn vào các sự kiện trường học là do tại Trung Quốc, những người cha thường ít tham gia vào việc dạy dỗ con cái khi ở nhà.
Trong tương lai, nhà trường cũng sẽ mời nhiều bà mẹ trí thức tới phát biểu hơn. Học sinh còn được mời tham quan các phòng thí nghiệm nơi các ông bố bà mẹ làm việc.
Câu chuyện thú vị tại trường Hanlin đã “gây bão” trên mạng xã hội tại Trung Quốc. Thầy giáo Li cho biết nhà trường không hề ngờ trước sẽ thu hút nhiều sự chú ý tới vậy và cũng không có ý định sử dụng sự quan tâm này để quảng bá cho nhà trường.
Thầy phó hiệu trưởng Hu Xiuxi cho biết: “Điều quan trọng là học sinh có thể giao lưu trực tiếp với các vị giáo sư, tiến sĩ và nuôi dưỡng tình yêu đối với nghiên cứu khoa học của các em”.
Phản ứng trên mạng xã hội Trung Quốc về ngôi trường bao gồm những ý kiến trái chiều. Một số người người dùng Weibo bày tỏ quan ngại việc này có thể khiến một bộ phận học sinh có những ưu thế một cách không công bằng so với các bạn khác.
“Những người cùng địa vị thường tụ họp với nhau. Trong tương lai, những đứa trẻ này sẽ vào học tại các đại học danh tiếng trong khi các em khác tụt lại phía sau”, một người dùng Weibo cho biết.
Một số trường mẫu giáo và tiểu học tại Trung Quốc từng phải hứng chịu sự chỉ trích của dư luận vì xem xét cả bằng cấp học thuật và nghề nghiệp của các bậc phụ huynh trong quá trình tuyển sinh.
Tháng 2/2018, chính quyền thành phố Thượng Hải đã ban lệnh cấm các ngôi trường trong địa phương xem xét bằng cấp của phụ huynh trong quá trình xét tuyển.