10 tác phẩm văn học tiêu biểu được Công ty CP Văn hóa và truyền thông Nhã Nam giới thiệu để độc giả đọc trong mùa dịch Covid-19 mang nhiều màu sắc thú vị khác nhau.
Trong đó, “Của chuột và người” của John Steinbeck là một trong những tác phẩm viết về tầng lớp lao động xuất sắc nhất với bối cảnh nước Mỹ trong giai đoạn đại khủng hoảng kinh tế những năm 1930.
“Chúa ruồi” là tuyệt phẩm của William Golding, mang đến cho người đọc những phút giây rùng mình và đặt ra câu hỏi, liệu có phải “nhân chi sơ, tính bản thiện”?
“Buồn nôn” là cuốn tiểu thuyết mang màu sắc hiện sinh của nhà triết học hiện sinh Jean-Paul Sartre.
“Đẹp và buồn” của Kawabata Yasunari là câu chuyện về đam mê và nhục cảm hòa quyện cùng cái đẹp trong tình yêu, nhưng đồng thời cũng là cái đẹp điên rồ của lòng hận thù, tạo thành một cuộc truy lùng, đeo đuổi mãi không dứt.
“Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” của Patrick Modiano dày chưa đầy 200 trang là sự tổng hòa bốn lời kể của bốn nhân vật về những mẩu ký ức tuổi trẻ, tại không gian quán cà phê Le Condé.
“Siddhartha” của Herman Hesse là cuốn tiểu thuyết mang tính cách ngôn của nhà văn người Đức Herman Hesse, kể về hành trình tâm linh của một người Ấn Độ tên là Siddhartha.
“Tên tôi là Đỏ” của Orhan Pamuk mở ra một cuộc khai phá triết lý sống với những chiêm nghiệm về tình yêu, nghệ thuật, sự sống và cái chết, đồng thời khám phá vẻ đẹp của nền văn hóa Ba Tư nên nền đối thoại Đông – Tây.
Tập truyện ngắn "Trốn chạy" của Alice Munro và tiểu thuyết "Mãi đừng xa tôi" của Kazuo Ishiguro. Ảnh: Nhã Nam.
“Trốn chạy” là tập truyện ngắn nổi tiếng của Alice Munro đã khắc họa tám câu chuyện của những người trốn chạy tưởng rất đỗi bình thường nhưng không khỏi nhói đau
“Mãi đừng xa tôi” của Kazuo Ishiguro đưa ra một sự tranh luận đầy ám ảnh về số phận và giá trị thực sự của con người trên cái nền là một thế giới giả tưởng phản địa đàng nhưng vẫn mang tính thực tế.
Riêng “Dịch hạch” của Albert Camus là cuốn tiểu thuyết mang màu sắc ký sự, kể về hành trình chiến đấu chống lại bệnh dịch hạch tại thành phố Oran của Pháp, nằm ở phía Bắc Algérie.
Ra đời cách đây 73 năm (1947) nhưng tính thời sự cũng như mức độ chân thực của “Dịch hạch” khi miêu tả cách loài người chống lại một đại dịch vẫn vẹn nguyên giá trị.
Cuốn tiểu thuyết này sẽ được Nhã Nam phát hành trong thời gian tới, thực sự đáng để mong đợi giữa lúc thế giới cũng đang phải trải qua đại dịch Covid-19.