Ở tạm 2 năm, ở “lỳ” 48 năm
Lật lại lịch sử, gia đình bà Nguyễn Thị Chí có đầy đủ hồ sơ pháp lý hợp pháp tại nhà số 5 Chùa Một Cột, Hà Nội. Ngôi nhà không nằm trong diện cải tạo nên được đăng ký trước bạ tại cơ quan quản lý nhà đất Hà Nội. Tuy nhiên, tháng 11/1954, Bộ Ngoại giao đã đề nghị với vợ chồng bà Chí tạo điều kiện để Bộ sử dụng ngôi nhà này làm nơi ở cho nhân viên đại sứ quán Ba Lan. Đổi lại, Bộ Ngoại giao sẽ chuyển gia đình cụ đến ở và sử dụng toàn bộ nhà ở, khuôn viên số 21 Chu Văn An.
Ngôi nhà số 21 Chu Văn An (Hà Nội) |
Để phục vụ công việc chung của Nhà nước, gia đình bà Chí đã đồng ý. Do đó, ngày 20/11/1956, ông Hoàng Đức Phong - Trưởng phòng Phục vụ Ngoại giao đoàn - Bộ Ngoại giao mới ký với ông Vũ Quốc Huy, đại diện Ủy ban hành chính Hà Nội (nay là UBND TP. Hà Nội) hợp đồng số 01 thuê toàn bộ số nhà 21 Chu Văn An để cho gia đình bà Chí sử dụng theo thỏa thuận nói trên.
Các thời điểm sau đó, để chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp, lâu dài cho gia đình bà Chí tại số nhà này, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ), Bộ Ngoại giao, UBND TP. Hà Nội cũng đã có hàng loạt văn bản hướng dẫn, xử lý. Thế nhưng một số các quyết định ban ra gần như không được triển khai, hoặc triển khai “không đến đầu, đến đũa” nên suốt chừng đấy thời gian, dù đã nhiều lần đề nghị được mua ngôi nhà 21 Chu Văn An để xác lập quyền sử dụng nhưng gia đình bà Chí không được chấp thuận. Điều đáng nói, vì không được mua nhà nên toàn bộ giấy tờ gốc tại căn nhà số 5 Chùa Một Cột gia đình bà Chí vẫn chưa bàn giao cho Nhà nước trong khi trên thực tế ngôi nhà đã được Đại sứ quán Ba Lan sử dụng lâu nay.
Nguyên nhân gia đình bà Chí chưa được giải quyết mua nhà là do đang có tranh chấp với một hộ gia đình khác sống trong cùng khuôn viên. Qua tìm hiểu được biết, năm 1960, cũng tại ngôi nhà 21 Chu Văn An vợ chồng ông Hoàng Minh Giám và vợ thứ là bà Badet Yvonne (tên Việt là bà Nguyễn Thị Dung) được bố trí về đây ở tạm 2 năm. Hết thời hạn nhưng từ đó đến nay gia đình bà Dung không chịu chuyển đi mặc dù UBND TP. Hà Nội đã có nhiều công văn chỉ đạo Giám đốc Sở Nhà đất (nay là Sở TN-MT Hà Nội) bố trí một nơi khác phù hợp để TP. Hà Nội quyết định cho bà được thuê hoặc bán.
Tự ý cải tạo, cho thuê nhà của Nhà nước
Trong QĐ 3453/QĐ-UB ngày 31/12/1991 về giải quyết khiếu nại quyền sở hữu nhà 21 Chu Văn An, UBND TP. Hà Nội nghiêm cấm gia đình bà Dung xây ngăn, xây thêm, xây cơi nới mới, cho thuê mượn dưới mọi hình thức trên diện tích mà bà đang sử dụng. Khi gia đình bà Dung được bố trí một diện tích tương đương nơi khác hoặc bà không có nhu cầu ở tại số nhà 21 Chu Văn An thì UBND. TP sẽ giao quyền sở hữu toàn bộ ngôi nhà cho gia đình bà Nguyễn Thị Chí. |
Ông Lê Thanh Hùng, con trai bà Chí cho biết: “Gia đình bà Dung đã được Nhà nước phân nhà ở số 8 Phạm Đình Hổ nhưng không chịu chuyển đi. Thậm chí bà Dung còn được Xí nghiệp Quản lý và Phát triển Nhà số 1 cho ký hợp đồng thuê nhà tại đây. Điều đáng nói, có được hợp đồng thuê nhà bà đã tự ý quy hoạch đất phía trước, phía sau nhà rồi cho thuê mở quán kinh doanh cà phê”. Sau đó bà Dung còn ngang nhiên dựng khung sắt, lợp mái tôn để xây nhà trên diện tích sân khoảng 30 - 40 m2. Bất chấp các quyết định đình chỉ, cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm của UBND phường Điện Biên, hộ này vẫn tiến hành làm nhà một mái, xây cao, áp vào cửa sổ nhà bà Chí và chỉ chịu dỡ bỏ 1/5 bức tường khi lực lượng chức năng xuống kiểm tra. Chưa dừng lại, ngày 3/12/2009, sau cuộc họp do UBND phường Điện Biên tổ chức, hộ bà Dung lập tức triển khai cấp tập xây dựng mới không phép trên diện tích 200m2 thay đổi kiến trúc nhà biệt thự vi phạm các cam kết trong cuộc họp trước đó.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý và Phát triển Nhà số 1 Hà Nội khẳng định: Số nhà 21 Chu Văn An chưa bán cho ai và hiện vẫn thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Do bà Dung ở từ lâu mà nhà vẫn thuộc quyền quản lý của Nhà nước nên Xí nghiệp cho bà ký hợp đồng thuê nhà là không có gì vi phạm. Việc bà Dung tự ý xây dựng, lấn chiếm như vậy là trái các quy định của TP. Hà Nội. Xí nghiệp sẽ có ý kiến với UBND phường Điện Biên để xử lý theo thẩm quyền.
“Vụ việc này kéo dài quá lâu, nảy sinh nhiều phức tạp là vì các quyết định xử lý của cơ quan chức năng trước đây là còn quá chung chung. Đến nay chúng tôi cũng không biết QĐ 3453/QĐ-UB ngày 31/12/1991 về giải quyết khiếu nại quyền sở hữu nhà 21 Chu Văn An đã được cơ quan chức năng xử lý đến đâu? Và Công văn 3268/UB-TD ngày 28/12/1998 về việc bố trí cho bà Dung nơi ở khác để chứng nhận trọn vẹn ngôi nhà 21 Chu Văn An cho gia đình cụ Chí thực tế có được thực hiện?” – Vị lãnh đạo này phân vân.
Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo phường Điện Biên để nắm bắt việc xử lý các vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm trái phép đất đai của hộ gia đình bà Dung, cũng như quan điểm trong vụ tranh chấp quyền sở hữu tại số nhà 21 Chu Văn An nhưng liên tục bị từ chối vì lý do lãnh đạo đang bận việc, chưa có thời giờ tiếp (?).
Trần Nhật - Phi Hùng