“Ngôi nhà” mơ ước của những đứa trẻ vùng đặc biệt khó khăn

GD&TĐ - Mặc dù là cuối tuần, song cổng Trường Mầm non Noong Luống luôn có vài đứa trẻ tíu tít chơi đùa.

Chia sẻ, lan tỏa tình yêu thương là cách mà Trường Mầm non Noong Luống đang nỗ lực để dựng xây môi trường hạnh phúc. Ảnh tư liệu NTCC
Chia sẻ, lan tỏa tình yêu thương là cách mà Trường Mầm non Noong Luống đang nỗ lực để dựng xây môi trường hạnh phúc. Ảnh tư liệu NTCC

Phía sau cánh cổng khóa chặt im lìm, bọn trẻ chốc chốc hùa nhau chỉ tay về phía những mảng tường vẽ đủ hình thù bắt mắt, nhất là cây bưởi đang mùa trĩu quả vàng ươm, ra điều muốn vào lắm!...

“Điểm sáng” giữa bản nghèo

Tọa lạc giữa bản Huổi Phúc – bản đặc biệt khó khăn của xã Noong Luống (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), Trường Mầm non Noong Luống trở thành điểm sáng duy nhất nổi bật giữa những mái nhà sàn đơn sơ của đồng bào người Thái bản địa.

Con đường từ trung tâm xã dẫn vào trường, mặc dù được trải nhựa, song bởi nhiều năm sử dụng, đã bị hư hỏng, bong tróc gần hết, chỉ còn trơ lại đá, hoặc những vũng tù bà con quen gọi là ổ trâu, ổ gà.

Dọc con đường dài chừng 50m dẫn vào trường, hai bên tường được sơn vẽ tiểu cảnh bắt mắt, ông Cà Văn Tranh, Chủ tịch UBND xã, tự hào khoe: “Cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng lâu rồi. Nhưng các cô giáo mới tân trang và thiết kế lại”.

Trong căn phòng họp đặc biệt, mỗi mảng tường đều được thiết kế, sơn vẽ với những chủ đề khác nhau, cô Nguyễn Thị Bến, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Với quan điểm, lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động giáo dục, mọi công tác tổ chức, hoạt động của trường đều hướng đến trẻ, dựa trên nhu cầu, hứng thú của trẻ.

“Đối với lứa tuổi mầm non, điều đầu tiên có thể thu hút, tác động trực tiếp lên cảm xúc, tâm lý chính là những thứ có thể nhìn thấy bằng mắt. Bởi thế, chúng tôi xác định, cảnh quan trường học, lớp học phải thật sự đẹp và phù hợp”, cô Bến nói.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều tham gia đóng góp vào quá trình tạo dựng nên ngôi trường hạnh phúc. Ảnh: TG
Cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều tham gia đóng góp vào quá trình tạo dựng nên ngôi trường hạnh phúc. Ảnh: TG

Cán bộ, giáo viên là nhà thiết kế

Với quan điểm “không để bất cứ góc nào là góc chết, không có hình ảnh nào là xấu xí”, mọi không gian từ khuôn viên bên ngoài cho đến trong từng lớp học đều được làm cho sống động hơn.

Đơn cử tại khu nhà vệ sinh của trẻ, theo cô Bến, trước đây có kho chứa củi, trông rất mất thẩm mĩ. Tuy nhiên, nhà trường đã dọn sạch sẽ, sơn màu bắt mắt. Bên cạnh nhà vệ sinh, trường thiết kế thêm vườn hoa nhỏ, góc trải nghiệm với nhiều tiểu cảnh thú vị để thu hút học sinh.

“Trường không phải thuê thiết kế bên ngoài mà các cô giáo trực tiếp cầm bút vẽ, cầm sơn tô màu. Nhà trường may mắn có nhân viên bảo vệ rất khéo tay. Toàn bộ khung sắt tạo hình thù, tiểu cảnh, cho đến giá, tủ sách, đồ dùng trong lớp học đều do nhân viên này tự chế tạo từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, theo mẫu trường thiết kế”, cô Bến chia sẻ.

Ngoài ra, giáo viên trong trường đều được khuyến khích sáng tạo, tự làm đồ dùng dạy học, tạo cảnh quan lớp học, khuôn viên nhà trường. Cô Quàng Thị Thủy cho biết: Các cuộc thi sáng tạo đồ dùng dạy học chính là cơ hội để giáo viên nhà trường thể hiện khả năng, làm mới mình; đồng thời cũng tạo thành phong trào thiết kế, làm đa dạng, phong phú thêm hoạt động dạy và học.

Với quan điểm “không để bất cứ góc nào là góc chết, không có hình ảnh nào là xấu xí”, mọi không gian đều được làm cho sống động hơn.
Với quan điểm “không để bất cứ góc nào là góc chết, không có hình ảnh nào là xấu xí”, mọi không gian đều được làm cho sống động hơn.

Trường là nhà, học sinh là con

Luôn gần gũi, quan tâm tới học sinh, chia sẻ, lan tỏa tình yêu thương là cách mà Trường Mầm non Noong Luống (huyện Điện Biên) đang nỗ lực để dựng xây một môi trường hạnh phúc.

Đối với cô Quàng Thị Thủy, điều này trở thành thói quen suốt gần 20 năm công tác. “Thời gian tôi dành cho học sinh ở trường nhiều hơn các con ở nhà. Có ngày, thậm chí còn chẳng kịp giao lưu cùng con. Nhiều lúc chồng tôi đùa bảo nghề gì mà con mình thì đi người khác chăm, còn mình đi chăm con người khác” – cô Thủy trải lòng.

Cũng như giáo viên khác ở trường, một ngày của cô Thủy bắt đầu từ 6 giờ 45 phút sáng, để có mặt tại trường đón trẻ. Do đặc thù phụ huynh ở xã chủ yếu làm nông nghiệp và lao động thuê nên thường gửi con sớm để kịp đi làm. Cũng bởi lo mưu sinh, nên họ đón con cũng rất muộn.

“Nhiều hôm, đến gần 19 giờ vẫn chưa thấy phụ huynh đến đón con. Cô giáo gọi điện họ mới ngớ ra là quên, hoặc không có người đi đón. Vì thế, thỉnh thoảng giáo viên kiêm luôn nhiệm vụ này” – cô Thủy nói.

Để “vẹn toàn” tất cả nhiệm vụ đó, theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bến, không có động lực nào khác ngoài tình yêu và tâm huyết với nghề. “Các cô phải luôn coi trường là nhà mình, thương yêu học trò như con mới yên tâm công tác và hoàn thành nhiệm vụ” – cô Bến nói.

Thế nhưng, không phải vì thế mà cuộc sống gia đình riêng của các cô bị ảnh hưởng, hay bất hòa. Theo cô Thủy, trái lại, chồng cô rất chia sẻ, cảm thông và thường xuyên động viên vợ để yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là kết quả của việc Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm, nắm bắt hoàn cảnh từng cán bộ, giáo viên, để kịp thời động viên, thậm chí “xắn tay” cùng gỡ khó.

Trong trường, có giáo viên mắc bệnh xơ cứng biểu bì. Mỗi khi trời trở lạnh chân tay co cứng nên rất khó khăn trong vận động và di chuyển. Nhiều lần, vì tự ti với hoàn cảnh, cô đã xin nghỉ. “Những lúc ấy, Ban giám hiệu và giáo viên trong trường đều phải bên cạnh, động viên, khích lệ tinh thần để cô vững tin, dành hết tâm huyết cho trẻ. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mình cô nuôi 2 con ăn học, nếu nghỉ thì kinh tế không biết xoay xở như thế nào. Nhà trường đã bố trí, sắp xếp một giáo viên trẻ, nhanh nhẹn để cùng chủ nhiệm, hỗ trợ cô những lúc khó khăn” – cô Bến cho hay.

“Mỗi giáo viên không chỉ thực hiện nhiệm vụ trên lớp, mà có trách nhiệm tạo dựng lên lớp học, trường học của mình. Từ việc tô vẽ mảng tường, trồng từng cây xanh, hay thiết kế đồ dùng trong lớp… đều được giáo viên tự làm. Và tất cả giáo viên đều coi trường là ngôi nhà chung hạnh phúc” – cô Thủy tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.