“Ngôi nhà” bình yên của học trò

GD&TĐ - Mấy ngày gần đây, báo chí cùng mạng xã hội nói nhiều về cuộc ly hôn của vợ chồng chủ tập đoàn cà phê, bàn tán về gia tài hàng nghìn tỷ đồng của họ, về tỷ lệ chia, về những cái gọi là triết lý, đạo… được diễn thuyết ngay tại tòa án… Mọi người thì thế, còn các thầy cô giáo thì sao?

Cần tạo môi trường tốt để con trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm..
Cần tạo môi trường tốt để con trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm..

“Chuyện “nổi” thế nên giáo viên chúng em cũng bàn luận. Nói đông nói tây rồi lại nói chuyện về bọn trẻ. Chắc bệnh nghề nghiệp nên thế. Nhà giàu hay nghèo thì nỗi khổ của những đứa trẻ bố mẹ ly hôn đều chung một điểm: Hụt hẫng…” - Một cô giáo chia sẻ.

Cô nhớ em HS - mới lớp 3 thôi những đã rất “già đời” khi tâm sự: “Cô ơi, bố mẹ con sắp ly hôn rồi. Lớp mình, bạn T và K cũng có bố mẹ ly hôn lâu rồi. Các bạn ấy bảo con sẽ phải chọn hoặc ở cùng bố hoặc mẹ, thế nên từ hôm nay phải nghĩ xem yêu ai hơn để chọn. Con nghĩ mãi mà không chọn được. Bố mẹ ly hôn chắc con sẽ bỏ nhà đi để không phải chọn nữa…”.

Nghe HS nói mà cô giáo rớt nước mắt. Cô kể, hôm đó đã dành một tiết trống giờ, xin cho HS được nghỉ ở Phòng Y tế. Hai cô trò nhỏ to tâm sự, để khi đứng lên vào tiết học mới, cô học trò vơi bớt nét buồn trong đôi mắt, tạm rũ những suy nghĩ nặng nề về tương lai.

Tối hôm đó, cô giáo gọi điện thoại tới mẹ HS, rồi lại lắng nghe, chia sẻ, lại khuyên nhủ, động viên… Đặt máy điện thoại xuống, cô giáo biết từ nay khi đến trường cô lại thêm một nhiệm vụ: Quan tâm hơn, bù đắp tinh thần nhiều hơn cho em HS có hoàn cảnh đặc biệt.

Còn cô Doãn Thị Thu Hương - Trường THPT Kháng Nhật (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) - trong một lần kể về giờ sinh hoạt lớp, đã nhắc tới một cậu học trò có bố mẹ ly hôn. Em đã bật khóc khi được cô giáo động viên viết ra mong ước giản dị: “Con mong bố mẹ làm lành, về với nhau như xưa…”.

Cô Hương kể cậu học trò đã sốc sau sự đổ vỡ của bố mẹ. Em học hành sa sút, cãi lại thầy cô giáo, bỏ học… Nhưng sau khi được thầy cô quan tâm, phân tích phải trái, em đã dần bình tâm, ổn định học hành.

Trở lại câu chuyện về cuộc ly hôn nghìn tỷ của ông bà chủ tập đoàn cà phê, nhìn mới thấy bề nổi là những con số 0 dằng dặc trong gia tài, những tranh giành thiệt hơn về tiền bạc, địa vị, tung ra những hóa đơn, chứng từ, nhiều câu chuyện vốn chỉ người trong cuộc mới biết… Chuyện thực hư chỉ họ mới hiểu. Nhưng có thể thấy, đôi trai tài gái sắc năm xưa giờ không còn tôn trọng nhau mà chỉ mong tung chiêu để đối phương sứt mẻ.

“Nếu nhìn từ góc độ của một giáo viên, em thương 4 đứa con của họ. Dù đã lớn hay còn nhỏ, thấy bố mẹ như vậy chắc các em đều đau lòng lắm” - một giáo viên chia sẻ.

Với vụ ly hôn ầm ĩ này, nhìn thấy trước nhà trường, giáo viên nơi các con của “nhân vật chính” học tập sẽ rất khó khăn trong việc bảo mật các thông tin cá nhân.

Một chuyên gia tâm lý đã phân tích: “Việc cung cấp thông tin đời tư của các em đều cần phải được cân nhắc một cách cẩn thận. Người lớn có thể thấy bình thường nhưng với các em, độ tuổi cái tôi rất lớn nhưng chưa được định hình rõ là điều nhiều em không thể đối diện được”.

Bên cạnh đó, giáo viên chắc chắn sẽ phải dành thời gian, tâm sức để cùng học trò vượt qua cú sốc. Họ trở thành người thân của HS, động viên các em bước tiếp, là người bạn chia sẻ những vui buồn trong quãng thời gian tổn thương, thiếu hụt tình cảm…

Cứ ngỡ ly hôn là chuyện riêng của một gia đình, chỉ liên quan đến chính người trong cuộc. Vậy nhưng mỗi tác động đến thể chất, tinh thần của HS lại liên quan trực tiếp đến công việc, hoạt động của mỗi nhà trường, giáo viên, đòi hỏi họ phải tâm huyết quan tâm.

Thực tế cho thấy, sau khi cha mẹ HS ly hôn, nhà trường lại là ngôi nhà bình yên của học trò, thầy cô giáo lại trở thành chiếc cầu kết nối để bố mẹ và con hiểu lòng nhau hơn. Sứ mệnh người thầy không chỉ là dạy học, thầy cô còn là chỗ dựa tinh thần cho học trò, đồng cảm, giáo dục các em bằng tình yêu thương, bằng trái tim lắng nghe và chia sẻ, chỉ với một mong muốn duy nhất: Chăm sóc, dạy dỗ HS nên người!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.