Đối với lưu học sinh Lào, họ không chỉ được thụ hưởng chương trình đào tạo chuyên nghiệp của hệ thống giáo dục mà còn được trải nghiệm một môi trường thân thiện, năng động.
Nỗ lực thu hút lưu học sinh Lào
Mối quan hệ hữu nghị khăng khít Việt - Lào không chỉ là sự liên kết về mặt chính trị mà còn thể hiện rõ trong lĩnh vực giáo dục. Những năm qua, hai quốc gia đã thực hiện nhiều hiệp định, đề án nhằm tăng cường hợp tác giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi sinh viên, giáo viên.
Từ năm 2018, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Ký túc xá sinh viên quốc tế. Dự án có số vốn đầu tư lên tới hơn 30 tỷ đồng, được tài trợ bởi cả hai chính phủ, không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt cho sinh viên Lào mà còn mang lại một môi trường sống và học tập hiện đại, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho sinh viên nước bạn.
Năm 2023, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục - Thể thao Lào tổ chức giảng dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông do Việt Nam giúp xây dựng, đồng thời các chính sách học bổng của Chính phủ Việt Nam dành cho sinh viên Lào không ngừng được mở rộng qua các năm…
Song song với sự quan tâm của hai chính phủ, các trường đại học Việt Nam cũng nỗ lực nâng cao chất lượng, thực hiện các phương thức xét tuyển mới thu hút sinh viên quốc tế, tăng cường hoạt động thu hút lưu học sinh, đặc biệt lưu học sinh Lào. Ngoài hoạt động học tập, Trường Đại học Cửu Long tích cực hợp tác với các cơ quan địa phương tại Lào để tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa. Đồng thời, trường cũng hỗ trợ học bổng cho các lưu học sinh Lào, không ngừng hỗ trợ, kết nối và gửi giảng viên sang Lào để giảng dạy tiếng Việt.
Nhờ nỗ lực của Chính phủ và các trường đại học, vài năm gần đây, số sinh viên Lào du học tại Việt Nam ngày một gia tăng, Việt Nam đứng đầu danh sách các nước tiếp nhận nhiều sinh viên Lào. Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cho thấy, năm học 2021 - 2022, tổng số lưu học sinh Lào du học tại Việt Nam là 14.050 người, trong đó lĩnh vực hành chính 11.884 người, lĩnh vực công an, quân đội 2.166 người, học bổng Chính phủ 4.838 người, học bổng hợp tác các tỉnh 5.480 người, học bổng từ doanh nghiệp 12 người và số học sinh tốt nghiệp trở về nước 2.151 người.
Sinh viên Lào, Campuchia làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTTU |
Ngôi nhà thứ hai ấm áp
Sống và học tập tại Việt Nam, nhiều lưu học sinh Lào đã có những trải nghiệm đáng nhớ, họ luôn xem Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình.
Sau một năm ở Việt Nam, tận hưởng không khí thân thiện và sự giúp đỡ từ cộng đồng, Kiettisack Douangdi - sinh viên Khoa Kinh tế, ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đồng Tháp, tâm sự: “Em đã học tại đây được một năm và cảm thấy rất hạnh phúc, nhiều thú vị. Trong quá trình học tập cũng gặp phải một số khó khăn, có lúc em không hiểu bài học, nhưng đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các bạn sinh viên Việt Nam.
Môi trường học tập ở trường rất thân thiện. Em đặc biệt ấn tượng về sự thân thiện của người Việt, mọi người luôn sẵn sàng giúp đỡ và thể hiện tinh thần giúp đỡ không chỉ đối với em mà còn với tất cả khách du lịch”.
Đất nước Việt Nam không chỉ là quê hương của những con người hiếu khách, mà còn là nơi gắn kết trái tim của những học viên nước bạn xa xôi. Boutkeopaserth Visouk, một sinh viên xuất sắc của Khoa Dược, Trường Đại học Lạc Hồng cảm động chia sẻ: “Quê em là tỉnh Champasack (thuộc miền Nam Lào). Em đã sang Việt Nam được 5 năm và cảm nhận rất rõ rằng người Việt rất thân thiện và nhiệt tình.
Thời điểm đầu tiên khi đến Việt Nam, em chưa biết tiếng Việt, gặp rất nhiều rào cản trong giao tiếp và học tập vì không nói, không viết được. Các bạn Việt Nam và các thầy, cô giáo đã hỗ trợ em rất nhiều, từ kèm em luyện viết, chỉ cho em cách đi chợ, ăn uống, mua đồ… Người Việt Nam rất tốt bụng. Khi học xong trở về quê hương, chắc chắn em sẽ nhớ mãi, không thể quên mảnh đất và những con người nơi đây”.
Với Chanthavong Sinxay, sinh viên năm thứ hai ngành Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thì không chỉ hài lòng về thời gian du học mà em còn có mong muốn được làm việc ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp.
Chanthavong Sinxay bày tỏ: “Đất nước này đang phát triển vượt bậc. Đối với em, người Việt Nam giống như những người anh em, luôn sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ với người Lào. Còn khoảng 2 năm nữa, khi tốt nghiệp đại học, em thực sự mong muốn được ổn định và định cư ở đây, bởi môi trường học tập và làm việc tại đây mang lại sự năng động và tích cực mà em mong đợi”.
Chỉ riêng năm 2023, Bộ GD&ĐT Việt Nam tiếp nhận 464 cán bộ, học sinh, sinh viên Lào và con em Việt kiều tại Lào sang Việt Nam đào tạo trung học phổ thông, đại học, sau đại học và bồi dưỡng ngắn hạn.
Nhiều trường đại học có số lượng sinh viên đến từ Lào khá đông, trong đó có Trường Đại học Cửu Long đã đạt 240 người, bao gồm 17 sinh viên cao học và 119 sinh viên đại học trong năm 2023. Trường Đại học Hạ Long năm học 2022 - 2023 có 182 lưu học sinh Lào đang theo học với 101 em học tiếng Việt, 81 em học chuyên ngành tại các khoa đào tạo đại học.