Ngôi làng gọi bố là 'ba' ở Hà Nội

GD&TĐ - Dù là bố nuôi hay bố đẻ thì không người con nào được phép gọi là bố, mà phải gọi chệch đi là cha hoặc ba.

Một góc làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Một góc làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Chuyện này không đâu xa mà ở ngay một ngôi làng nhỏ của Hà Nội.

Tập tục lâu đời

Đi khắp phố phường Hà Nội mới thấy Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) là một trong số ít những ngôi làng còn giữ được nét xưa. Từ giếng nước, cây đa, sân đình, con đường đất đến những ngôi nhà mái ngói cổ kính rêu phong… Tất cả khiến mỗi người khi đến đây đều cảm nhận ngôi làng như một thanh âm trong trẻo giữa một bản nhạc xô bồ của xã hội hiện đại.

Không chỉ những giá trị vật chất mà giá trị tinh thần vẫn luôn được lưu giữ, bảo tồn với niềm tự hào trong mỗi người dân làng. Trong đó, có một tục lệ vô cùng đặc sắc đó là con cái không được gọi người sinh thành ra mình là “bố”.

Theo các cụ cao niên trong làng, tục lệ này đã có từ xa xưa... Theo quan sát của phóng viên, từ những đứa trẻ nhỏ chập chững biết đi đến các bác, các cụ cao niên không mấy ai nhắc đến từ “bố”.

Trước đây, người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ nếu nơi nào không gọi là bố thì hay xưng con với thầy u. Sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều nơi cũng gọi bố là cha hay ba. Với người dân Triều Khúc, để không phạm húy tục lệ của làng thì gọi cha, thầy hay ba đều được chấp nhận.

Xung quanh làng Triều Khúc có nhiều trường đại học. Làng vốn không xa trung tâm thành phố nên người dân tứ xứ đến làm ăn ngày một đông. Nhưng tục lệ này vẫn được người dân Triều Khúc nghiêm ngặt gìn giữ. Vì vậy, người ngoài đến đây ở một thời gian cũng đều sửa cách xưng hô của mình.

Các cụ cao niên cho biết, khách đến thăm hay lưu trú ở làng Triều Khúc đều phải nhập gia tùy tục. Nếu cố tình gọi dù chỉ một tiếng bố, họ sẽ bị người dân nhắc nhở và chỉnh sửa. Lâu dần, ai nấy đều quen với việc gọi cha bằng ba hoặc thầy. Và, đằng sau tiếng gọi ba, gọi cha thay thế từ bố tưởng như giản đơn ấy lại là cả một câu chuyện rất dài.

Từ nhỏ, khi bắt đầu học nói, bố mẹ sẽ dạy các con gọi bố bằng ba. Lớn lên, khi con nhận thức được, họ sẽ đem câu chuyện về vua Phùng Hưng để giảng giải cho con hiểu lý do vì sao không gọi bố.

Em Lê Minh Thành, học sinh Trường THCS Tân Triều kể: “Từ bé em đã được ba mẹ dạy gọi như vậy nên không thấy gì lạ. Khi chưa được giải thích kỹ lại ít được đi xa em còn nghĩ ở khắp Việt Nam, đâu đâu người ta cũng gọi bố bằng ba.

Sau này đi học, em mới biết ít ra ở quanh Hà Nội, chỉ có Triều Khúc gọi như thế. Đem thắc mắc đi hỏi ba thì ba kể chuyện cả buổi về Bố Cái Đại Vương. Em cũng chỉ nhớ đó là tên húy của Thành hoàng làng, cần kiêng kỵ nhưng kể cả không vì lý do gì thì từ bé đã gọi ba rồi nên em thấy quen thuộc”.

Trong khi đó, Hoàng Minh Phương - sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuê trọ ở Triều Khúc chia sẻ: “Ngày đầu đến đây sinh sống, thấy người dân xưng hô bố bằng ba cũng hơi lạ tai nhưng ở lâu nên mình cũng quen.

Khi được mọi người giải thích vì sao phải kiêng từ bố thì mình càng tôn trọng tập tục của họ hơn. Ở lâu thấy tiếng ba nghe còn dễ mến, lắm lúc về nhà mình cũng quen gọi như thế khiến bố mẹ thấy không quen. Vậy là mình lại đem câu chuyện về văn hóa làng Triều Khúc ra kể thì bố mẹ, ông bà đều rất thích và đánh giá nơi đó là vùng đất trọng lễ nghi”.

Chị Lê Thị Hương (làng Triều Khúc) kể, con gái chị thường sử dụng từ ba thay từ bố trong bài văn của mình, cô giáo có hỏi lại cháu là có tham khảo sách văn mẫu Nam Bộ nào không, cần phải sửa hết ba thành bố. “Lúc bé các con không hiểu, nhiều lúc còn hỏi sao nhà mình không có bố nên tôi phải giải thích cho con về tập tục của làng”, chị Hương chia sẻ.

Không chỉ người làng Triều Khúc mà ngay cả những người dân đến mua đất xây nhà ở đây, sau một thời gian khi biết đến thông lệ của làng cũng thay đổi cách gọi từ bố sang ba hoặc cha.

“Tôi đến Triều Khúc mua nhà sinh sống từ năm 2009 nhưng chưa nghe thấy ai gọi bố lần nào. Mãi về sau tôi tìm hiểu thì mới biết được tục của làng không gọi là bố nên tôi đã dạy con gái gọi tôi là ba. Tôi thấy gọi bố hay ba vẫn ý nghĩa như nhau. “Đất lề quê thói” nên mình cứ hòa đồng với mọi người”, một cư dân mới ở làng Triều Khúc cho hay.

Kiệu rước Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trong lễ hội của làng Triều Khúc.

Kiệu rước Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trong lễ hội của làng Triều Khúc.

Gọi “bố” là phạm húy

Xưa kia Triều Khúc là nơi Phùng Hưng đặt đại bản doanh để đánh thành Tống Bình. Ngày 10 tháng Giêng năm Nhâm Tuất (728) Phùng Hưng lên ngôi vua. Ông mất năm Mậu Thìn 788. Ngài mất khiến nhân dân cảm thấy như mất cha, mất mẹ nên tôn hiệu ông là: Bố Cái Đại Vương.

Tiếp nối cha, con của Phùng Hưng là Phùng An lên ngôi trị vì đất nước. Để tỏ lòng thành kính và biết ơn, dân làng Triều Khúc kiêng 4 chữ Hưng - tên ngài, An - tên con trai ngài, Bố và Cái lên hiệu của ông.

“Trong ngọc phả của làng vẫn ghi rõ phải kiêng bốn chữ đó. Dân làng Triều Khúc tuyệt đối không đặt tên con hay gọi tên những chữ này vì như thế là phạm húy, phải tội với Thành hoàng làng. Người khác đến Triều Khúc chắc chắn sẽ biết đến tục này, còn thay đổi cách gọi hay không thì tùy họ, vì điều đó không ảnh hưởng gì”, ông Vũ Cần, 70 tuổi, nhà ở gần đình làng Triều Khúc cho biết.

Theo ông Cần, hàng xóm nhà ông có người cháu rể tên là Hưng, mỗi khi về nhà chơi gia đình bên đó phải gọi lái đi là Hùng để không phạm húy.

“Có nhà kinh doanh phòng trọ, các cháu sinh viên quê ở Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình… đến thuê, thi thoảng các cháu gọi điện về cho bố mà cứ gọi bố là “bố”, chủ nhà nghe thấy cũng chấn chỉnh ngay. Tôi nghĩ là việc này không nên. Vì đây là tục làng, không nên áp đặt với những người bên ngoài”, ông Cần cho hay.

Hàng năm, từ ngày mùng 10 đến 12 tháng Giêng âm lịch, dân làng Triều Khúc tại tưng bừng mở hội và rước kiệu Ngài quanh làng. Trong lễ hội, điệu múa “con đĩ đánh bồng” - nam giả nữ để múa trống được nhiều người thích thú. Đó là điệu múa do Bố Cái Đại Vương sáng tạo ra để mua vui cho binh sĩ đi đánh giặc xưa kia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.