Ở phía tây nam tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, trên những ngọn núi cao hơn 1.800 mét, có một hang động tự nhiên khổng lồ đang ẩn giấu một ngôi làng đặc biệt của người Miêu mang trên Trung Động.
Mặc dù không gian trong hang chỉ rộng hơn 100 mét và sâu 200 mét, nhưng vẫn đủ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của hàng trăm con người. Không gian khép kín khiến nơi đây ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè.
Những người còn sống trong ngôi làng này gồm khoảng 18 gia đình với gần 100 người Miêu đang sinh sống. Họ sống biệt lập với thế giới bên ngoài.
Đầu năm 1984, một ngôi trường tiểu học đã được xây dựng trong hang động và trẻ em sống tại đây có thể được hưởng nền giáo dục rất tốt mà không cần bước chân ra khỏi hang động.
Tại thời điểm nhiều học sinh nhất, ngôi trường có hơn 200 trẻ em theo học, trong số đó có nhiều học sinh đến từ các ngôi làng gần đó.
Phía trước dãy lớp học trong trường là sân chơi chung, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Một giáo viên đã chia sẻ một cách hài hước rằng: "Trong ngôi trường của chúng tôi, tiết học âm nhạc là hoàn hảo nhất, những bức tường gập ghềnh đặc biệt khiến cho việc ca hát hay chơi đàn đều có được chất lượng âm thanh rất tốt".
Ngoài ra, nhiều người cũng khá lạc quan về tương lai khi có thể tổ chức nhiều tiết học về địa chất và sinh học với môi trường tự nhiên và sinh vật bên trong hang động như thằn lằn, dơi, chim én,... Tuy nhiên, ngôi trường này sau đó đã bị chính quyền đóng cửa, học sinh phải xuống chân núi học nội trú, mỗi tuần chỉ về nhà một lần.
Theo các cán bộ địa phương, ngôi làng trong hang động này đã hình thành từ rất lâu nhưng không rõ thời gian. Nhiều người cho rằng ngôi làng này được lập nên để giúp người dân tránh né sự truy đuổi của giặc. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh hàng trăm năm trước đã có người sống tại đây.
Hầu hết các ngôi nhà trong làng đều được dựng bằng tre. Thậm chí, còn có một ngôi nhà tre với chiều cao bằng một ngôi nhà 3 tầng được xem là một biệt thự trong làng. Người dân trong hang trồng rau, hoa quả và chăn nuôi, nhiều phụ nữ cũng may quần áo. Khi các nhu yếu phẩm hàng ngày không đủ, họ thường dùng nông sản tự trồng để trao đổi với thế giới bên ngoài. Họ thường ra ngoài 1 tháng một lần vì phải mất vài tiếng đồng hồ để đi lại.
Đầu năm 2000, người làng Trung Động đã nộp đơn xin lắp đặt mạng điện thoại cố định tại đây. Năm 2002, với sự giúp đỡ của một nhà hảo tâm, người dân nơi này đã được sử dụng điện.
Kể từ đó, họ đã có thể chủ động liên lạc với thế giới bên ngoài. Thêm nữa, hai năm sau, một phòng khám y tế đã được mở trong hang động. Những điều này có thể thay đổi lối sống của người dân trong hang động, nhưng trên thực tế, đã chẳng có nhiều sự thay đổi.
Gần đây, người dân trong làng đã bắt đầu sử dụng những thế mạnh của mình để phát triển kinh tế. Những năm này, ngôi làng Trung Động đã trở nên nổi tiếng trong ngành du lịch và họ đã chủ động chào đón khách du lịch đến ở đây nhiều ngày.
Tuy nhiên, kế hoạch dài hạn của chính quyền địa phương là di chuyển dân làng ra khỏi hang đến sinh sống ở những khu nông thôn mới gần đó, thoải mái và tự do hơn. Thế nhưng không một ai ở đây sẵn sàng rời khỏi "ngôi nhà" của họ. Họ tin đây là một thiên đường hoàn hảo để sinh sống.
Về cuộc sống hiện tại của người dân Trung Động, một số thanh niên trẻ trung đã rời khỏi đây, ra ngoài làm việc kiếm tiền, chỉ còn người già và trẻ em ở lại. Một số người phụ nữ không ra ngoài đi làm đều mở các "trang trại" nhỏ trong hang động, ngày ngày tiếp đón khách du lịch.
Năm 2008, khi xem xét môi trường ẩm ướt bên trong hang không có lợi cho sức khỏe con người và theo chính sách phát triển du lịch của địa phương, người dân một lần nữa được thuyết phục rời hang động, chuyển đến sống tại một ngôi làng khác ở dưới chân núi. Nhiều người trẻ đã rời đi nhưng một số cư dân già hơn đã từ chối cơ hội này.