Ngồi học sai tư thế gây gù vẹo cột sống

Ngồi học sai tư thế gây gù vẹo cột sống

(GD&TĐ) - Tư thế ngồi học đúng là khi đầu và thân được giữ thẳng, hai vai hơi mở ra phía sau (nhờ vậy mà ngực được ưỡn căng ra phía trước), bụng gọn vùng thắt lưng hơi cong ra phía trước, chân thẳng. Cha mẹ, thầy cô giáo cần hiểu để hướng dẫn, điều chỉnh những tư thế sai lệch khi ngồi học hay sinh hoạt, tránh cho trẻ bị gù vẹo cột sống.

Bí ẩn của xương sống

Ngồi học sai tư thế gây gù vẹo cột sống ảnh 1
Hình ảnh cột sống bị gù vẹo

Cột sống vừa có chức năng nâng đỡ trọng lượng cơ thể, là điểm tựa cho đầu, mình và tứ chi, vừa phải bảo vệ an toàn bó dây thần kinh từ não đi xuống và tỏa ra từ các khe đốt sống để chỉ huy mọi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Vì phải đảm bảo các chức năng quan trọng như thế nên cột sống phải được cấu tạo bởi nhiều đốt sống hợp lại.

Xương sống được cấu tạo bởi 33 đốt sống, được đệm giữa bằng những đĩa sống có tính đàn hồi, có tác dụng chống ma sát và giảm xóc khi lao động, đi lại, chạy nhảy… Bình thường, sức nặng của cơ thể ở tư thế đứng thẳng tác động uốn cột sống cong theo chiều trước sau thành hình chữ S khi nhìn nghiêng (nếu nhìn chính diện thấy cột sống vẫn thẳng). Nhờ cột sống uốn cong như vậy nó trở nên mềm dẻo, cử động dễ dàng, chịu được trọng tải nặng, cường độ vận động mạnh.

Ở trẻ sơ sinh, cột sống tương đối thẳng nhưng khi bé biết ngẩng đầu, đoạn cột sống cổ cong ra trước để đỡ đầu. Khi trẻ biết ngồi, cột sống lại hình thành đoạn cong ngực. Các đoạn cong ở cổ và ngực ổn định lúc 7 tuổi. Đến lúc trẻ biết đứng và đi, cột sống đoạn hông cong ra trước còn đoạn sống cùng - cụt cong ra sau. Đoạn cong thắt lưng đến 12 tuổi mới hoàn thành. Cột sống cong như vậy, gọi là đường cong sinh lý.

Giống như hộp sọ bảo vệ bộ não, cột sống tạo thành cái ống xương rắn chắc bảo vệ tuỷ sống từ não đi xuống. Giữa khe các đốt sống, các rễ thần kinh chui ra tua tủa tạo thành một mạng lưới điều khiển mọi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Tác hại của việc sai lệch tư thế
 

Nếu đứa trẻ có tư thế thân không đúng thì lồng ngực thu hẹp dần thành phẳng đều, các góc xương bả vai cách xa cột xương sống và bắt đầu nhô lên, lưng gù và bụng phình ra phía trước. Nếu không kịp thời điều chỉnh thì cột sống bị cong vẹo, xuất hiện đường uốn nghiêng làm lưng gù rõ rệt. Những điều này gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe, bởi vì tim, phổi khó hoạt động, thở không sâu làm giảm tính cơ động của lồng ngực, giảm dung tích sống của phổi, trẻ sẽ dần dần yếu ớt, sức khỏe giảm sút rõ rệt.
 
Tư thế chung của cơ thể cũng phụ thuộc nhiều vào tư thế của cột sống và xương chậu. Điều đó có liên quan chủ yếu đến sự căng cơ và các dây chằng bao quanh cột sống và xương chậu. Cột sống là trục xương chủ yếu giữ đầu và thân mình.
 
Xương chậu được coi là nền tảng của cột sống. Nếu như những cơ của thân được phát triển đều thì sức kéo của các cơ co cân bằng với sức kéo của các cơ duỗi, lúc đó đầu và thân người được giữ thẳng. Tư thế bình thường của bả vai, tay chân phụ thuộc vào mức độ phát triển và trương lực (sự căng cơ) của các nhóm cơ của chúng – có ảnh hưởng lớn đến tư thế chung.

Làm gì để tránh cho cột sống khỏi bị cong vẹo

Ngồi học sai tư thế gây gù vẹo cột sống ảnh 2
Tư thế ngồi học đúng (Ảnh minh họa)

Điều đặc biệt quan trọng là phải theo dõi chu đáo tới tư thế đúng của thân thể trẻ em. Không chỉ khi chúng ngồi, đi, nằm ngủ mà còn trong lúc hoạt động khác như vui chơi.

Nguyên nhân của sai lệch tư thế co rất nhiều. Có thể là thói quen chuyên đứng trên một chân (xương chậu ở tư thế so le và cột sống sẽ gãy vẹo về một phía), đi không đúng (thõng vai, gù lưng…) cần phải điều chỉnh thường xuyên với hiện tượng này.

Nhất thiết phải dạy trẻ biết ngồi đúng khi học bài. Chiều cao bàn, ghế cần phù hợp với chiều cao trẻ. Ví dụ: nếu như trẻ ngồi vẽ lâu ở bàn cao quá thì nó phải nâng vai mới đặt được tay lên bàn. Nếu như bàn lại thấp thì trẻ buộc phải co gập trên bàn, vai đầu gập về phía trước và dẫn tới gù lưng. Do vậy, phải điều chỉnh sao cho khoảng cách giữa chiều cao bàn và mặt ghế ngồi không thấp hơn 22cm và không cao hơn 27cm.

Ngoài ra, biện pháp quan trọng nhất để đề phòng và chữa sai lệch tư thế cơ thể là luyện tập thể dục. Đối với trẻ nhỏ, có thể tập các bài tập thể chất chung để củng cố sự phát triển đúng đắn của cơ thể. Khi trẻ được 5-6 tuổi có thể dần chuyển sang các bài tập chuyên môn có tác dụng hình thành tư thế đúng cho cơ thể. Những bài tập này có thể tiến hành dưới dạng trò chơi hoặc các hình thức vận động để hấp dẫn trẻ tham gia

Thầy cô giáo cần hướng dẫn học sinh ngồi ngay ngắn: ngồi với 4 điểm tựa là hai bàn chân áp mặt đất, mông và 2/3 đùi đặt trên ghế, lưng thẳng tựa vào thành ghế, cẳng tay đặt trên bàn. Mắt cách mặt trang sách từ 25-30cm. Ngồi học như thế trọng lượng cơ thể phân phối đều ở các điểm tỳ tựa, bắp thịt được thư giãn, tuần hoàn và hô hấp thuận lợi, cơ thể thoải mái, trí tuệ tập trung chất lượng học tập sẽ tốt nhất.

Các bậc phụ huynh cần tạo cho con em mình góc học tập với bàn ghế phù hợp theo lứa tuổi từng năm học, đủ ánh sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên để bảo vệ cột sống và mắt cho các em. Cần tránh cho trẻ em phải lao động nặng sớm, nhất là gánh, xách  hay đội nặng. Các em cần tiêm chủng đầy đủ để phòng các bệnh lao, bại liệt… vừa ảnh hưởng sức khỏe và cột sống của các em.

Học sinh cần tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, kết hợp các bài thể dục chính khóa để phát triển thể chất và nâng cao sức khỏe của cơ thể và cột sống làm cho cột sống mềm dẻo, vững chắc và có tác dụng chỉnh lại tư thế cong vẹo cột sống. 

Lộc Hà (TH)

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ