Đáng nói hơn cả, hôm qua 23/4, tại chùa Nhẫm Dương (xã Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương) đã diễn ra Đại lễ Kỷ niệm 311 năm ngày hóa thân của Thánh tổ và vinh dự nhận Bằng tôn vinh giá trị của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam: Hòa thượng Thủy Nguyệt – Đệ nhất Tổ sư thiền phái Tào Động Việt Nam.
Vào chùa, lạc giữa hang động…
Chùa Nhẫm Dương - tên chữ là Thánh Quang, dân gian quen gọi là chùa Nhẫm, nằm lọt thỏm trong khu hang động núi đá vôi Nhẫm Dương.
Điều kỳ lạ là dường như tất cả các dãy núi đá trùng trùng điệp điệp vây quanh chùa đều có đỉnh hướng về ngọn núi Nhẫm Dương - nơi chùa Thánh Quang tọa lạc.
Chùa được xây dựng từ thời Trần (1225 - 1400). Chùa có khoảng gần 30 hang động lớn nhỏ bao quanh tạo thành một cảnh Phật toàn bích.
Nổi bật nhất là tại động (hang) Thánh Hóa, nơi Sư Tổ Thủy Nguyệt viên tịch, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều di cốt hóa thạch của 27 loài động vật như: voi, tê giác, hổ, báo, nhím, lợn rừng, đười ươi (pôngô)... có niên đại cách ngày nay 3-5 vạn năm cùng nhiều di vật khảo cổ thời đại đồ đá, thời đồng thau và các pho tượng Phật bằng đá có niên đại thời nhà Nguyễn. Địa tầng văn hóa ở đây dày tới 4m vẫn đang chờ giới khảo cổ học đánh thức, khám phá.
Kỳ bí nhất trong chốn hang động ở chùa Nhẫm Dương là hiện tượng chỗ Sư Tổ Thủy Nguyệt thiền định (kiết già) nhập cõi niết bàn phía trên đầu vẫn lưu giữ một vệt lõm sâu đúng bằng đầu người và phía dưới là một vết lõm giống như bàn chân người.
Theo truyền ngôn, khi Sư Tổ Thủy Nguyệt đắc đạo Kim Cương đã thúc đầu, đạp chân vào núi đá nhằm lưu lại thánh tích ở cõi Sa Bà, nên động có tên gọi Thánh Hóa.
Những chuyện kể đầy màu sắc hư thực
Chùa Nhẫm Dương là nơi khai sinh ra Thiền phái Tào Động ở nước ta. Cố Đại lão Hòa thượng Kim Cương Tử cho rằng: Hòa thượng Thủy Nguyệt là tổ đời thứ 36 của Bắc Tông Tào Động và là Đệ nhất tổ của Nam Tông Tào Động. Hòa thượng Thủy Nguyệt, Pháp danh Thông Giác Đạo Nam thiền sư, sinh năm Đinh Sửu đời vua Lê Thần Tông (1637).
Năm 28 tuổi, nhân duyên đưa đẩy, sư tổ Thủy Nguyệt và hai đệ tử quyết chí hành hương sang phương Bắc “tầm sư học đạo”. Sư Tổ Thủy Nguyệt không chỉ khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương, mà trụ trì chùa Hạ Long (Hải Dương), hoằng dương Phật pháp và độ tăng ở Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn… Hòa thượng Thủy Nguyệt còn là Tổ khai sáng chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) ở phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội)...
Ngoài dấu tích kỳ lạ về nơi sư tổ Thủy Nguyệt viên tịch, câu chuyện sư tổ “hóa thánh” cũng mang đầy màu sắc huyền hoặc. Theo cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải (1906-1979), một bậc cao tăng, long trượng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX thì: Vào năm Giáp Thân niên hiệu Chính Hòa thứ 20, đời Lê Huy Tông (1704), Hòa thượng Thủy Nguyệt bước sang tuổi 68, cho gọi các đệ tử đến và dặn rằng: “Nay ta lên chơi trên núi Nhẫm, nếu 7 ngày không thấy về, các ngươi tìm thấy chỗ nào có mùi thơm thì ta ở đấy”.
Các đệ tử, tứ chúng đợi đúng 7 ngày mà không thấy Hòa thượng nhập thất bèn chia nhau nương theo mùi thơm lên núi vào hang vạch cỏ tìm kiếm và phát hiện thấy ngài như đang thiền định trên một tảng đá trong hang núi.
Tới nơi thấy thân thể vẫn còn nóng ấm, mềm mại, sắc diện hồng hào như đang còn sống, nhưng hơi thở đã tắt lịm và cơ thể tỏa ra hương thơm ngào ngạt mùi trầm bạch đàn. Hôm đó là ngày 6 tháng 3 năm Giáp Thân.