Ngoại trưởng Mỹ: từ hồi ức cuộc chiến tới ĐH Fulbright

Phát biểu tại lễ trao giấy phép thành lập ĐH Fulbright Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Kerry chia sẻ về ký ức chiến tranh của ông và nhấn mạnh cơ hội thúc đẩy hợp tác thông qua giáo dục.

Ngoại trưởng Mỹ: từ hồi ức cuộc chiến tới ĐH Fulbright

Zing.vn trích giới thiệu bài phát biểu truyền đầy nhiệt huyết của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong buổi lễ trao giấy phép thành lập cho Đại học Fulbright Việt Nam ngày 25/5:

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đối với những người như tôi, Tommy và Bob Kerrey đều mang những dấu ấn cá nhân. Không chỉ chúng tôi, mà với rất nhiều người ở cả 2 bên bờ Thái Bình Dương. Tôi đến Sài Gòn từ năm 1968. Tôi vẫn nhớ rõ đã đi qua con đường ngắn từ đồng bằng sông Cửu Long rồi đến Sài Gòn. Cũng tại mái thượng khách sạn Rex, tôi ngồi suy tư, thoát khỏi tất cả tình hình cuồng loạn.

Góc nhìn khác từ Rex

Từ vị trí này, tôi có thể quan sát thành phố. Tôi nhìn thấy những ánh sáng lập lòe khắp Sài Gòn về đêm. Ngay tại đây, bạn vẫn có thể nghe thấy tiếng súng nổ, hoặc thỉnh thoảng là máy bay C130, thường được gọi là “Puff, chú rồng kỳ diệu”, nổ súng ở đằng xa. Đó là một cảm giác rất kỳ lạ, nơi đây giống như một ốc đảo, nhưng vẫn là vùng chiến tranh.

Khi đến Việt Nam hôm nay, ngay ở khách sạn Rex, cũng từ vị trí cao này, tôi đã thấy một góc nhìn khác, một đất nước rất khác, trong một bối cảnh mới. Giao thông nhộn nhịp bên ngoài, nguồn năng lượng dồi dào vô cùng ấn tượng, như muốn bùng nổ.

Bạn có thể cảm thấy nó cũng như sự rung động này. Những âm thanh mà bạn đang nghe chính là cách mà người dân đang hăng hái kết hợp với nhau trong hòa bình để vận hành cuộc sống của họ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại sự kiện trao giấy phép cho ĐH Fulbright Việt Nam ngày 25/5.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại sự kiện trao giấy phép cho ĐH Fulbright Việt Nam ngày 25/5.

Chiến tranh là ký ức không thể xóa nhòa, nhưng nó đã trôi đi rất xa. Chắc chắn rằng, những sinh viên sẽ đăng ký học tại Đại học Fulbright Việt Nam rất quan tâm đến việc dấn thân vào nền kinh tế thế giới, hơn là chìm đắm trong quá khứ, hoặc luôn bị ám ảnh bởi những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu, trước cả khi họ chào đời.

Thực tế này cũng , được phản ánh rõ ràng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng thay đổi, thậm chí với tốc độ thay đổi mà chúng ta chứng kiến trong hơn 2 ngày qua. Chúng tôi vừa dự buổi gặp gỡ của Tổng thống Obama với thanh niên Việt Nam. Đó đều là những lời lẽ chân thật. Hình thức sự kiện không thể đơn giản hơn, khi tổng thống trả lời các câu hỏi mà giới trẻ đưa ra. Cá nhân tôi bị ấn tượng trước một câu hỏi về sự chảy máu chất xám, về những người trẻ có thể bị nơi khác nhiều cơ hội hơn "hút mất".

Cơ hội của những 20 năm

Tổng thống đã trả lời câu hỏi này một cách thắng thắn rằng, câu trả lời chính là cơ hội, và cơ hội đang ở đây. Chúng ta cùng nỗ lực để chắc chắn rằng mọi người được tiếp cận nền giáo dục mà họ cần, để họ cảm thấy không cần phải đi đến nơi nào khác. Đó là những điều đang diễn ra lúc này.

Tôi cũng đề nghị các bạn nghĩ một chút về những bước tiến giữa 2 nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ. 20 năm trước, số lượng người Mỹ đến Việt Nam chưa tới 60.000 người. Ngày nay, con số đó đã tăng gần 8 lần.

20 năm trước, thương mại song phương chỉ đạt 450 triệu USD. Ngày nay, con số này là 45 tỷ USD.

Trong quá khứ, chưa tới 800 sinh viên Việt Nam học tập ở Mỹ. Ngày nay, chúng ta đã thấy gần 19.000 du học sinh Việt Nam tại Mỹ.

Đó không đơn thuần chỉ là con số thống kê. Đó là thước đo của sự chuyển biến ấn tượng, và được phản ánh qua chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Obama đến Việt Nam tuần này, đặt trong bối cảnh chương trình nghị sự song phương rộng lớn mà 2 nước đã cùng phát triển. Chúng bao gồm nội dung về năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, công nghệ cao, hợp tác an ninh, và thỏa thuận thương mại bước ngoặt TPP.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trò chuyện thân mật cùng Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trò chuyện thân mật cùng Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng.

Các bạn của tôi! Chúng ta đã cùng nhau đi qua một chặng đường dài. Chúng ta cũng biết rằng cách để thúc đẩy cơ hội kinh tế thực sự cho nhân dân Việt Nam, điều mà tổng thống đã nói tới và bạn trẻ trong sự kiện cũng đã hỏi, chính là xây dựng một thị trường tự do và một thị trường tự do về tư tưởng.

Hai điều này phải đi song hành cùng nhau. Sự tự do đó bắt đầu từ giáo dục. Khoản đầu tư thông minh nhất mà chúng ta có thể dành cho thế hệ sau chính là giáo dục, và đó là điều mà chúng ta đang cùng thực hiện ngày hôm nay.

Tương lai phụ thuộc nghĩ suy của người trẻ

Điều đáng để trông chờ không thể nào to lớn hơn nữa. Ở Việt Nam, chúng ta có 22 triệu người dưới 15 tuổi. Những quyết định mà họ thực hiện lúc này, nền giáo dục mà họ đang tiếp nhận sẽ có tác động quan trọng đối với tương lai đất nước và cả khu vực, thậm chí có thể đóng góp (dù không nhất thiết phải rất to tát) vào tư duy thế giới, vào quá trình của những sự kiện đang diễn ra trên hành tình này, nơi tất cả chúng ta đều liên kết với nhau.

Phần lớn điều này sẽ phụ thuộc không chỉ vào cách sinh viên học suy nghĩ cái gì, mà họ suy nghĩ như thế nào, và liệu họ có được khuyến khích hoặc có khả năng để sáng tạo và theo đuổi những ý tưởng mới hay không.

Một điều để bảo đảm họ có cơ hội này, chính là Việt Nam cần tạo ra những mối quan hệ đối tác với những cơ sở học thuật hàng đầu. Đó cũng chính là lý do vì sao chúng ta hiện diện ở đây hôm nay.

Mỹ và Việt Nam vẫn tiếp tục học hỏi để kết hợp thêm những không gian khác vào mối quan hệ của chúng ta. Mỗi lần tôi đến Việt Nam, tôi đều cảm thấy quan hệ 2 nước đã tiếp tới một cấp mới. Đại học Fulbright Việt Nam chính là đại diện cho một bước tiến mới về phía trước.

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, Đại học Fulbright Việt Nam sẽ mang lại những đóng góp to lớn cho Việt Nam, trở thành một trung tâm thực sự xuất chúng nhờ vào các yếu tố tự do học thuật, chế độ đãi ngộ với nhân tài, tính minh bạch và quyền học tập bình đẳng. Trường sẽ xây dựng thương hiệu vươn ra cả ngoài Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫy tay chào người dân Sài Gòn đêm 24/5.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫy tay chào người dân Sài Gòn đêm 24/5.

Tôi đã chia sẻ với các bạn một chút hồi tưởng về khoảng thời gian quá khứ từ rất xa. Tôi nói khoảnh khắc đó có vẻ kỳ quái. Nhưng bản thân cuộc chiến là một thực tế. Đó là cuộc xung đột mà lẽ ra không bao giờ nên xảy ra. Nó phản ánh sự thất bại của ngoại giao, sự thất bại của hiểu biết lẫn nhau, và sự thất bại về tầm nhìn. Cuộc chiến đã cướp đi rất nhiều sinh mạng, tước đoạt của chúng ta nhiều điều quan trọng mà mãi không thể trở về, gây nên những vết thương mà phải mất hàng thập kỷ để chữa lành.

Ngày hôm nay là một thực tế hoàn toàn khác. Ngày nay, những người tử tế từ 2 quốc gia đã hợp tác cùng nhau để thành lập một trường đại học sẽ đóng góp tích cực cho tương lai của hàng nghìn, hàng triệu thanh niên. Ngày hôm nay thể hiện sự tự tin về khả năng của chúng ta thích ứng trước sự thay đổi, vượt qua những khó khăn, và tận dụng những cánh cửa mở ra kỷ nguyên hiện đại mới xuất hiện trước mắt.

Ngày hôm nay phản ánh thắng lợi vượt bật về ngoại giao, thắng lợi về tầm nhìn của ông Thomas Valley (chủ tịch Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam) và cả những người ở Mỹ và Việt Nam, như Bí thư Đinh La Thăng, là những người đã giúp hàn gắn quan hệ giữa 2 nước chúng ta, tạo nên nền tảng cho sự tiến bộ, không chỉ ở giáo dục là còn là nhiều lĩnh vực khác.

Chúng ta đã trải qua 20 năm bình thường hóa quan hệ, và cần khoảng 20 năm nữa để chữa lành và xây dựng. Hãy nghĩ về những điều chúng ta có thể đạt được trong 20 năm tới. Mọi người nông dân đều sẽ nói với bạn rằng, nếu chúng ta muốn có vụ mùa bội thu, chúng ta cần phải gieo hạt giống trước tiên.

Ngày hôm nay, chúng ta đang cùng gieo những hạt giống tốt nhất dưới hình thức một đại học quyết tâm cống hiến vì tri thức và cơ hội học tập. Chúng ta cùng tin tưởng chắc chắn rằng những vụ mùa tương lai sẽ mang lại lợi ích to lớn, không chỉ cho các sinh viên Việt Nam, mà với tình hữu nghị ngày càng phát triển giữa nhân dân 2 nước.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ