Ngỡ ngàng với... “Mắt biếc”

Bởi gây thương nhớ mà “Mắt biếc” thắng phòng vé. Ảnh chụp từ trailer phim “Mắt biếc”
Bởi gây thương nhớ mà “Mắt biếc” thắng phòng vé. Ảnh chụp từ trailer phim “Mắt biếc”

Vượt trội từ phòng vé

““Mắt biếc”, nhé?”; ““Chị chị em em”, đi?” – Đấy là những lời hò hẹn đến rạp chiếu phim rất quen thuộc trong cả tuần qua của khán giả Việt. Nhờ làn sóng ấy, dù đã qua những ngày đầu “nóng hổi”, suất chiếu mỗi ngày của hai bộ phim này vẫn không hề giảm nhiệt, thậm chí có phần tăng đột biến. Trung bình mỗi phim đang chiếm giữ trên dưới 20 suất chiếu/ngày tại các điểm rạp như CGV, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Lotte Cinema...

Trong khi đó, những phim Mỹ ra rạp dịp Giáng sinh này như “Giáng sinh đen”, “Jumanji – Trò chơi kỳ ảo: Thằng ăn cắp”, “Cast – những chú mèo”, “Rambo – Hồi kết đẫm máu”... chỉ đạt trên dưới 10 suất chiếu/ngày. Những “áp đảo” phòng vé này của phim Việt được đạo diễn Lê Thanh Sơn mong ước “ngày nào cũng vậy thì thật hạnh phúc”.

Ở cuộc đua phòng vé này, “Mắt biếc” luôn vượt trội và dành ưu thế khi mỗi ngày đều vươn đến khoảng 25 suất chiếu/ngày. “Chị chị em em” cũng bám sát phía sau khi đạt khoảng 20 suất chiếu/ngày. Theo nhân viên quầy vé Trung tâm Chiếu phim quốc gia, cả hai phim “Mắt biếc” và “Chị chị em em” đều đang rất thu hút khán giả đến rạp. Tuy nhiên, nếu như “Mắt biếc” vẫn không ngừng thu hút sự quan tâm của khán giả thì “Chị chị em em” có phần dần “hạ nhiệt”.

Theo lịch chiếu của các rạp, “Mắt biếc” thường có đến hơn 10 suất chiếu vào ban ngày, “Chị chị em em” chỉ chưa đầy 10 suất. Các suất chiếu ban ngày của “Mắt biếc” luôn có được lượng khán giả khá đông, chiếm phần nửa rạp. Các suất chiếu buổi tối, lượng khán giả xem “Chị chị em em” có phần tăng song vẫn phải “chào thua” so với “Mắt biếc”. “Những suất chiếu phim “Mắt biếc” vào buổi tối đều được đặt vé online từ rất sớm nên khán giả vãng lai không có cơ hội mua vé trực tiếp trước giờ chiếu” – nhân viên quầy vé Trung tâm Chiếu phim quốc gia cho biết.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa đến xem phim “Mắt biếc” tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, chị Đỗ Thị Lựu, nhân viên marketting của một công ty ở Hà Nội cho hay, chị bị “trẫng” 3 suất chiếu vào buổi tối trước đó vì cứ “dông” thẳng đến rạp rồi mua vé trực tiếp như khi đi xem “Chị chị em em”. “Tôi không nghĩ “Mắt biếc” lại tạo độ “hot” đến vậy nên... chủ quan. Để tránh về không, “nhịn” ngủ trưa, hôm nay tôi đến rạp cứ nghĩ sẽ vắng nhưng ai dè khi thấy gần 200 chỗ của suất chiếu gần như kín khán giả” – chị Lựu hào hứng nói.

Thắng bởi gieo... thương nhớ?

Vẫn là phim của Victor Vũ chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Nên khi xem “Mắt biếc”, nhiều người sẽ bớt đi cảm xúc “choáng ngợp” trước những thước phim kể về làng quê tuyệt đẹp, hay sự cầu kỳ trong việc dựng bối cảnh phố thị của những năm 80 như khi xem “Hoa vàng trên cỏ xanh” trước đó. Tiếp nữa, chuyện tình học trò của cái thời bao cấp ấy với những e ấp, ngại ngần, thương lắm nhưng không dám nói... thì cũng quá đỗi quen thuộc trên màn ảnh rộng bấy nay. Vậy nên, chuyện “Mắt biếc” kể không có gì là lạ, không có gì đặc biệt, có thể nói là khá... nhàm, khá lê thê với khán giả hôm nay.

Trong khi đó, “Chị chị em em” lại phủ đầy những yếu tố hấp dẫn. Một câu chuyện của “Chị chị em em” không chỉ mới mà còn gây tò mò – không rõ thực hư có phải tiếp tục khai thác về cộng đồng LGBT như “Thưa mẹ con đi” hay không? Đã thế, đây còn là tác phẩm đầu tay của Kathy Uyên – một diễn viên, ca sĩ, người mẫu, MC người Mỹ gốc Việt, liệu có gì khác biệt chăng?

Rõ ràng, “Mắt biếc” ra rạp ở vị thế bất lợi tứ bề, thậm chí đối với khán giả khó tính có phần nào còn bị mất điểm bởi những yếu tố “đụng hàng” từ đề tài cho đến lối kể chuyện. Vậy mà sao bộ phim này vẫn thắng thế? Có lẽ, lý do lớn hơn cả là nghệ thuật gieo thương nhớ từ truyện qua phim của cả Nguyễn Nhật Ánh lẫn Victor Vũ quá khéo léo. Rất nhiều khán giả từng đọc nguyên tác đã đến rạp vì muốn xem xem “Mắt biếc” lên phim có còn khiến trái tim bao người bồi hồi, rưng rưng không.

“Tôi thấy nội dung phim gần giống như truyện, có khác một chút là đoạn cuối phim có hậu hơn – Hà Lan chạy đuổi theo chuyến tàu chở Ngạn rời khỏi làng Đo Đo. Diễn viên vào vai Ngạn rất đạt. Với vai Hà Lan và Trà Long, diễn viên xinh đẹp, cuốn hút nhưng cảm xúc còn gượng. Với tôi, phim có phần hơi chùng về cảm xúc cũng như hóa trang nhân vật chưa thực sự phù hợp (lúc Ngạn và Hà Lan bước sang U40) nhưng vẫn gây được thương nhớ như truyện vậy”, bạn Đỗ Thị Lựu chia sẻ.

Cũng có khán giả trẻ xem phim vì nghe đồn được chuyển thể từ truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh mà chưa kịp đọc. Thế nhưng, khi bộ phim khép lại, không ít bạn trẻ lắng lại vì dường như dù vẫn là dòng phim giống “Hoa vàng trên cỏ” xanh nhưng “Mắt biếc” gần với người trẻ hôm nay hơn, đặt ra cho người trẻ những suy tư: Hà Lan bị phố thị cuốn đi còn Ngạn cứ bo bo si tình, bo bo với những điều xưa cũ là xấu hay tốt? Trà Long trong trẻo biết dung hòa giữa cái cũ và cái mái, vừa dám yêu vừa dám trở về với nguồn cội chỉ là lý tưởng?

“Ngoài điểm trừ cách kể chuyện đôi khi lan man hay phục trang nhân vật chưa “bắt” với bối cảnh ở làng quê (gia đình nhà Hà Lan) thì tôi thấy đạo diễn rất thông minh khi khiến cho giới trẻ chậm rãi cùng ngẫm ngợi trong thương nhớ, nhất là câu nói của Trà Long ở cuối phim: “Có hai thứ nhất định không được bỏ lỡ là chuyến xe cuối cùng và người thật lòng yêu thương mình” – bạn Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội bày tỏ.

Theo trang Box Office Vietnam (chuyên trang phân tích dữ liệu doanh thu phòng chiếu ở Việt Nam), đến ngày 25/12, “Mắt biếc” đã đạt doanh thu hơn 69 tỷ đồng sau 6 ngày công chiếu. “Chị chị em em” đạt doanh thu 37,6 tỷ đồng sau 11 ngày công chiếu. Như vậy, doanh thu phòng vé của “Mắt biếc” đã gần gấp đôi “Chị chị em em”, dù bộ phim được công chiếu muộn hơn “Chị chị em em” gần một tuần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.