Đâu đó, trong ánh hoàng hôn lảnh lót tiếng chim tìm bạn vọng vào vách đá làm xao động xóm núi và thức dậy cả một màu xanh mênh mông, ngập tràn hoa trắng trên những cành sầu đông khẳng khiu, gầy guộc. Cái gã mùa Đông lạnh lẽo ban ngày đã bị xua tan nhưng cuối ngày dường như lại lẩn quất tìm về, níu kéo. Khi màn đêm giăng mắc kèm thêm làn mưa bụi lúc hửng lúc rơi, hơi lạnh của lão mùa Đông bám dai dẳng ấy xuyên qua từng lớp áo quần, ngấm vào da thịt làm cho không ít người phải rùng mình, gai lạnh, co ro để rồi bất giác mà nhớ đến câu ca “rét tháng Ba bà già chết cóng”.
Na Hang đêm cuối Xuân chưa hết lạnh. Dường như những giá lạnh của mùa Đông từng ngấm sâu vào trong ruột đá lúc này đang được rút ra bằng hết để phả nốt vào đất trời nhưng cũng không đủ sức để châm, chọc vào da thịt khiến người ta phải áo nọ, quần kia trong ngoài dăm ba lớp. Cái lạnh rơi rớt của mùa Đông còn sót lại ấy giúp cho tiết trời chuyển mùa không bị đột ngột. Hơi lạnh mùa Xuân cùng làn mưa bụi đem về cho núi rừng một màu xanh non tơ, dạt dào xuân sắc trên từng ngọn cỏ nhành hoa.
Cái sắc Xuân có vẻ rất hoang sơ kia nhưng kỳ thực đang tiềm tàng một sức sống mãnh liệt của núi rừng Đông Bắc. Ẩn hiện giữa bốn bề núi cao, hồ rộng, phố núi Na Hang không rực rỡ sắc màu bằng những ánh điện muôn sắc lập loè tỏa ra từ cao ốc, nhà hàng; không có cái tấp nập, ồn ào, huyên náo bởi dòng người xuôi ngược như trên phố thị xa hoa. Đêm phố núi chìm sâu trong bốn bề vách đá, tĩnh lặng trong thanh âm của tiếng đàn tính tẩu hòa cùng các điệu then, điệu lượn của những sơn nữ thướt tha áo chàm đang thánh thót, dặt dìu vang lên từ phiên chợ đêm hay các hotel đang giao lưu lửa trại.
Đêm cuối Xuân nơi “ruộng cuối” (Na Hang tiếng Tày có nghĩa là ruộng cuối) không ồn ào sóng dội mà bình yên như mặt nước thăm thẳm màu ngọc bích đang lăn tăn sóng gợn; thoảng như gió núi dạo trên phím dương cầm làm thành điệu nhạc nhẹ nhàng, du dương lan ra cùng những con sóng loang trên mặt hồ mênh mông khiến hồn người không khỏi xao động, mê mẩn, đắm chìm.
Ảnh minh họa ITN. |
Na Hang đêm cuối Xuân khá tĩnh mịch. Thị trấn thuỷ điện về khuya quanh co với những con phố bàng bạc màu trăng. Phố đêm chìm trong thung sâu. Trăng non đầu tháng như lưỡi liềm chênh chếch bên sườn núi nhẹ nhàng toả những tia sáng dịu dàng; mơn man xuống từng con phố mềm mại, uốn lượn theo các triền núi; quấn vào những mỏm đá tai mèo sắc lẹm, xám đen vừa gợi lên cái lạnh lẽo của miền sơn cước vừa gợi lên cái vẻ thâm trầm, cô liêu của chốn núi sâu hang cùng. Khắp mênh mang đất trời Na Hang bát ngát một màu xuân dạ căng tràn nhựa sồng hoà trong ánh trăng thượng huyền toả xuống dòng Gâm (hồ thuỷ điện Na Hang) bao la một màu xanh ngọc khiến mặt hồ hiện lên huyền ảo như một miền cổ tích.
Trăng trên hồ thuỷ điện tựa như đang được dốc vò từ trên đỉnh Pắc Tạ tràn xuống. Những ánh bạc theo gió toả ra khắp lòng hồ lấp lánh khiến mặt nước xao động, lung linh. Muôn ngàn vẩy bạc mềm mại, thơm phức tuôn chảy không ngừng, lênh láng mặt nước, mênh mông mặt hồ và cứ thế loang ra theo muôn ngàn con sóng nhỏ, gợn lăn tăn; xô vào vách đá, đập vào mạn thuyền làm tung toé muôn ngàn tia sáng. Trăng lóng lánh, trăng sóng sánh, trăng xúng xính,… thoả sức lạc trôi theo từng làn gió thoảng.
Trăng bồng bềnh, trăng thướt tha, trăng mơ màng… thả hồn phiêu lãng giữa chốn tình tang với bốn bề cao xanh lồng lộng. Núi cao, trăng sáng, hồ rộng, sông dài… khi thì dập dìu, êm ả; lúc lại hối hả, ồn ào… mênh mang theo sóng nước tạo thành cái thanh âm của đêm sâu giữa núi rừng ngút ngàn tựa như những giai điệu không lời của tính tẩu khi trầm khi bổng, lúc khoan lúc nhặt khiến hồn người không khỏi xốn xang, nao lòng, thích thú.
Ảnh minh họa ITN. |
Na Hang đêm cuối Xuân thấp thoáng áo chàm sơn nữ hút hồn du khách. Không thướt tha sắc tím hoa cà như cô gái Huế; chẳng cầu kỳ, lộng lẫy, rực rỡ sắc màu như cô gái người Mông, người Dao; bóng áo chàm Na Hang kín đáo và duyên dáng. Những cô gái Tày trong áo năm thân mặc với quần hay áo cánh ngắn mặc với váy cùng với khăn vấn hoặc khăn mỏ quạ đội đầu và cây đàn tính hát điệu then, điệu lượn đã bỏ “bùa mê” cho muôn khách. Sắc áo chàm nền nã của cỏ cây núi rừng cùng với cách thiết kế gọn gàng, giản dị, thanh thoát mà làm thành những bộ y phục có sức tôn dáng, tôn da đến diệu kỳ.
Thiếu nữ Na Hang gợi cảm, hiền hậu trong dáng áo chàm mảnh mai với lưng ong thắt đáy cùng làn da hồng hào trắng mịn, đẹp như nàng tiên bước ra từ trong câu chuyện cổ tích. Cái màu chàm thướt tha nhìn mãi chẳng muốn rời xa, sao mà trang nhã, quý phái, yêu kiều đến vậy? Bởi vậy, bảo sao thành quách, đền đài chẳng nghiêng ngả. Thế mới hay Na Hang sao lại được gọi là miền gái đẹp? Hẳn là phố núi mùa du lịch Na Hang đã có không ít mày râu phải bị rịn lắm rồi: “Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.
Đêm Na Hang thơm nồng men lá rượu ngô, đắm say trong câu then, câu lượn: “Mình có đi cùng ta, lên Lâm Bình mùa hoa/ Xuân về đang rực rỡ, khắp núi rừng bao la/ Bản Tày đang vào xuân, giọt đàn tính trong ngần/ Điệu hát then tha thiết, Thượng Lâm mời dừng chân…”. Cứ thế, chẳng biết say cảnh hay say người mà bao kẻ cứ về rồi lại đến. Và, bao đời nay rồi Na Hang vẫn làm ngơ ngẩn không ít khách tình si.