Quả vậy, sau khi mới xuất bản được một năm, Báo đã phát động cuộc thi thơ văn “Thầy giáo và nhà trường”. Tôi lúc này đang là giáo viên văn Trường PTC3 Ứng Hòa, Hà Đông nay là Trường THPT Ứng Hòa A, Hà Nội. Tôi đã phát động cuộc thi thơ hưởng ứng tại trường và đã chọn được 20 bài gửi dự thi.
Một ngày cuối thu 1961, trường tôi nhận được 2 giấy mời và báo tính thưởng, một của giáo viên Đặng Hiển (bài Về trường mới), một của học sinh Đỗ Quyết (bài Đêm nay trong lớp học).
Đỗ Quyết là học sinh lớp 9A, tôi dạy và chủ nhiệm. Tôi đèo em trên chiếc xe Tourist từ Vân Đình về Hà Nội, nghỉ ở nhà bác tôi ở phố Ấu Triệu rồi đến Tòa soạn ở phố Lê Trực lĩnh thưởng.
Lúc đó tôi mới 22 tuổi, còn Đỗ Quyết 17... Một anh trắng trẻo, đẹp trai khoảng 25, 26 tuổi đến bên tôi, nói: “Chép bài thơ Đoàn thuyền chở đá của anh vào sổ tay, đến nay mới được gặp tác giả”. Bài thơ ấy đăng trên báo Văn, còn người thanh niên ấy là nhà thơ Vân Long, cũng được giải kỳ ấy. Đỗ Quyết là tác giả được giải nhỏ tuổi nhất, được mời lên phát biểu ý kiến.
Hôm sau đến trường, thấy Quyết xách một chiếc cặp mới, vai quàng một tấm khăn len mới, sắm từ tiền thưởng của cuộc thi.
Mười năm sau, Báo lại phát động cuộc thi sáng tác. Tôi gửi tới một trường ca hơn 900 dòng thơ viết về anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát, quê Nam Phong, Phú Xuyên, học sinh lớp tôi dạy năm 1963 - 1964 và chủ nhiệm năm 1964 - 1965. Tác phẩm được nhà văn Nghiêm Đa Văn, biên tập viên của Báo khen và giới thiệu trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi “chắc mẩm” kỳ này mình được giải nhưng khi cuộc thi kết thúc thì không phải như vậy.
Tôi không nản mà tiếp tục viết. Lúc này, tôi đã là cộng tác viên của Phòng Sáng tác Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây.
Hai cuộc thi tiếp theo của Báo, tôi không dự nhưng vẫn cộng tác bài với báo. Một học sinh cũ của tôi, bạn cùng lớp với Đỗ Quyết khi xưa, là Phạm Ninh (bút danh Thanh Ứng) được giải Nhất với bài Tháng ba đến lớp nổi tiếng.
Thanh Ứng sáng tác bài này lúc dạy ở Trường Sư phạm Hòa Bình, sau về Sở Giáo dục Hà Sơn Bình, rồi Hà Tây, trở thành chi hội trưởng văn học của tỉnh (còn Đỗ Quyết sau này lấy bút danh Đàm Khánh Phương, nhiều lần được giải thưởng thơ cao hơn thầy cũ và nay cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).
Sau đó năm 1990, Báo lại phát động cuộc thi sáng tác mới, lần này có cả kịch, tôi dự thi một bài thơ (bài Lời không ghi trong giáo án) và một vở kịch ngắn (Tôi là mẹ). Bài thơ là lời tự hứa thầm của thầy giáo với một em học sinh mồ côi nơi mình dạy là sẽ chăm sóc em nhiều hơn trách nhiệm của người thầy.
Còn vở Tôi là mẹ là tấm lòng cao cả của cô giáo vợ liệt sĩ thương học trò như con mình… Cùng dự kỳ thi ấy với tôi có Phạm Ninh (Thanh Ứng) và Lê Huy Hòa, nguyên giáo viên Trường PTC3 Thanh Liêm, Hà Nam, mới chuyển về làm biên tập Đài Phát thanh Hà Tây. Lê Huy Hòa được giải Khuyến khích (thơ) với bài Bàng còn đỏ lá không em và tôi 2 giải (giải 3 kịch, giải Khuyến khích thơ), Thanh Ứng giải A (thơ) bài Chuyện em.
Ba chúng tôi rủ nhau đi lĩnh giải và có ước hẹn rằng anh nào được thưởng nhiều hơn sẽ phải “chịu trận” bữa trưa. Tôi chắc mình sẽ “được” khao vì những hai giải nhưng cuối cùng là Thanh Ứng vì giải A của anh hơn 3 giải của 2 chúng tôi cộng lại.
Bẵng đi 7, 8 năm, đến 1997 - 1998, Báo phát động cuộc thi thơ lục bát tôi gửi một chùm thơ, được đăng 3 bài, (Áo trắng, Học trò xứ Huế xa lạ, Đọc Độc Tiểu thanh ký), (bài Đọc Độc Tiểu Thanh Ký được giải 4). Trước lễ tổng kết, tôi còn được mời lên Đài Truyền hình Việt Nam đọc một trong 3 bài đó (cùng với mấy tác giả được giải khác như Phi Tuyết Ba, Bùi Kim Anh, Phạm Xuân Trường…).
Từ năm 1982, tôi chuyển sang hệ chuyên Văn, có điều kiện đi sâu vào chuyên môn hơn. Tôi đã dự các cuộc bình thơ văn hàng tháng và đã được đăng bài viết về Đôi mắt (Nam Cao) và được giải Nhất với bài về Tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật).
Tôi vẫn tiếp tục sáng tác thơ, kịch, truyện, ký. Năm 1991, tôi được giải Nhì cuộc thi kịch ngắn không chuyên toàn quốc với vở Vinh quang chạy trốn, vở kịch hài về bệnh thành tích trong thi cử. Tôi còn viết cho học sinh trường tôi, Trường THPT Lê Quý Đôn vở kịch ngắn Trận địa trắng tham gia Hội diễn học sinh toàn tỉnh, được giải Nhất. Tôi được BGH tặng thưởng 300.000 đồng. Tôi sung sướng lắm vì đã giúp ích cho công tác ngoại khóa của trường bằng sáng tác văn học.
Năm 2000, trong khi chuẩn bị nghỉ hưu thì tôi nộp đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam và đúng lúc tôi rời bục giảng (năm 2002, tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam). Năm 2007, tôi làm đơn xin vào Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và mấy tháng sau được kết nạp vào Hội trong Chi hội tác giả.
Tôi tự xác định từ đây mình càng phải viết Văn nhiều, viết tốt vì đã được coi như là một nhà văn chuyên nghiệp. Từ năm 2002 đến nay, tôi đã được hai giải thưởng thơ ở Trung ương và 2 giải thưởng lí luận phê bình và kịch viết về Bác Hồ và đã in thêm 3 tập lý luận phê bình, 3 tập thơ, 3 tập kịch và 1 tập truyện, ký.
Tôi càng ra sức đọc viết nhưng không quên mình từng là giáo viên đã có 40 năm trên bục giảng. Năm 2003 - 2005, tôi được Bộ Giáo dục trưng tập về soạn sách giáo khoa thí điểm. Tôi càng có điều kiện để nâng cao chuyên môn về Văn.
Từ đây, bên cạnh những bài thơ, truyện ký, những vở kịch, tôi viết nhiều lý luận phê bình, nhiều bài có quan hệ đến chương trình SGK. Nhà xuất bản ĐHSP đã đầu tư cho cuốn Dạy văn học văn 800 trang được coi là một cuốn sách bán chạy trong năm 2005.
Cũng từ đây tôi gửi cho Báo ngành nhiều hơn những bài lí luận phê bình như những bài về Tố Hữu, Huy Cận, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến… và cả lí luận dạy học như bài Dạy văn như dạy một môn nghệ thuật, sáng tác Văn học và giảng dạy Văn học…
Tôi mong Báo ngành tiếp tục động viên tôi và các giáo viên viết văn viết cho Báo bằng cách mở rộng hơn trang VHNT và hướng dẫn tôi viết cho phù hợp hơn với yêu cầu của Báo. Trước sau, tôi vẫn tự coi mình là một giáo viên viết Văn, một cộng tác viên của Báo ngành.
Nhân dịp Báo ngành trên 55 tuổi, với tấm lòng thành, kính chúc Báo ngày càng trở thành người bạn thân, người dẫn đường của các cán bộ giáo dục, các giáo viên trong đó có những giáo viên viết văn như tôi.
Ông là hội viên Hội Văn học Việt Nam. Đã có nhiều tập thơ được xuất bản, trong đó đáng chú ý như: Trường ca đôi cánh, Hồ trong mây, Thời gian xanh, Bài thơ trên đá, Con chúng ta, Lời chào mùa thu...
Đã đạt giải thưởng tại các cuộc thi Văn học: Báo Người giáo viên nhân dân (tiền thân Báo Giáo dục và Thời đại) các năm 1961, 1990, Báo Giáo dục và Thời đại năm 1998. Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 1995, 1998. Giải thưởng VHNT Nguyễn Trãi (Hà Tây) 1991 -1996. Có thơ trong tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại (NXB Hội Nhà văn 1995), Tuyển tập thơ Thầy giáo và nhà trường (NXB Giáo dục 1999), Thơ thiếu nhi chọn lọc (NXB Thanh niên 2000)...