Nghiện… shopping!

GD&TĐ - Shopping là một từ gốc tiếng Anh, có nghĩa là đi mua sắm. Trong cuộc sống muôn màu, có một số người rất nghiện... shopping.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Với họ, nếu không đi các siêu thị, không ra các cửa hàng để mua sắm một thứ gì thì sẽ… ăn không ngon, ngủ không yên, cho dù món hàng mua về có cần thiết hay không.

Bệnh tâm lý

Nghiên cứu của các nhà khoa học ở nhiều nước đã cùng đưa ra một kết luận: Nghiện shopping là một căn bệnh mang tính tâm lý. Ban đầu chỉ đơn giản là một thói quen mua sắm, nhưng sau đó tâm tư tình cảm của người có thói quen mua sắm lại lệ thuộc vào chuyện mua sắm quá độ này.

Biểu hiện của người nghiện shopping mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là họ dành rất nhiều thời gian cho các cửa hàng, cửa hiệu, chợ và đặc biệt là các siêu thị. Nhất là những khi họ có thông tin về sự phong phú của những mặt hàng hay những món hàng mới đang được bày bán.

Họ mua sắm một cách vô tội vạ những món hàng cần thiết và không cần thiết hoặc ít cần thiết. Với họ được mua sắm, được trả tiền là niềm vui, còn việc sử dụng hay không lại là chuyện khác.

Theo nhận định của Viện tâm lý Hoàng gia Anh, trên thế giới có đến 80% người nghiện… shopping ở các mức độ khác nhau, vào thời điểm này hay thời điểm khác.

Các nhà nghiên cứu cũng “đo” được sự háo hức của người nghiện… shopping khi đến các khu vực mua sắm. Xác định trong máu của những người tình nguyện có sự phóng thích tràn ngập của một chất gọi là Carbolin, có tác dụng hưng phấn thần kinh và kích thích cho tim đập rộn ràng trong sự vui sướng, sảng khoái cao độ.

Ảnh minh họa. ITN
Ảnh minh họa. ITN

Hệ lụy

Các quan sát cũng cho thấy, khi người nghiện… shopping không được thỏa mãn nỗi mừng vui mua sắm thì tinh thần của họ trở nên ảm đạm, buồn bã, thậm chí là bực dọc, cáu kỉnh. Nặng hơn nữa là sự đau đớn và dằn vặt bản thân, đôi khi là la hét và đập phá đồ đạc như là một kẻ mắc chứng loạn thần.

Một hệ lụy khác của người nghiện… shopping là bao nhiêu tiền có được cũng rất sẵn sàng đem “giao” cho người khác để đổi lấy những thứ mà nhiều khi nghĩ lại… giật mình, vì không biết tậu về để làm gì! Thời gian dành cho học hành, cho công việc cũng bị tiêu tốn, bị cắt xén nhiều. Và số “tài khoản thời gian” đó tập trung “đầu tư” cho… shopping một cách không thương tiếc.

Rồi một lúc nào đó “nạn nhân” của sự mua sắm quá độ này thẫn thờ trong một đám vật chất hỗn mang, ăn không ngon, ngủ không yên, tinh thần rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu.

Hết tiền, nợ nần, nhưng lại muốn thỏa mãn “tinh thần mua sắm” nên dễ sa ngã và sinh ra những tệ nạn xã hội, miễn sao kiếm được càng nhiều tiền càng tốt để ném vào cơn nghiện… shopping.

Về mặt y học mà nói, khi hệ thần kinh và tim mạch bị kích thích đột ngột, liên tục sẽ dẫn đến những phản ứng bất lợi cho cơ thể, hình thành phản ứng vô điều kiện, tạo ra “ma trận hỗn độn” trong cảm xúc.

Nghĩa là tới một lúc nào đó thì dù có shopping hay không thì sự buồn vui cũng thay đổi bất thường như trời đang nắng bỗng nhiên mưa bất chợt vậy! 

Ảnh minh họa. ITN
Ảnh minh họa. ITN

Cách chữa và phòng tránh

Ở bất kỳ quốc gia nào trên Trái đất, phái đẹp cũng thích shopping hơn phái mày râu. Nhiều chị em shopping với mục đích chính là để “tăm tia” các loại hàng thời trang “hot” nhất. Khách quan mà nói, shopping thật là thú vị, vì đó là cơ hội để mua những cái mình thích và đã lên kế hoạch từ lâu. Khoảng thời gian shopping cũng là khoảng thời gian thư giãn với một tâm trạng thoải mái và vui sướng lâng lâng, cho dù lội suốt cả buổi, mỏi rã đôi chân mà chẳng mua được thứ gì cho ra hồn ra vía. Tuy nhiên, với một số người, trong đó có các teen tập tò bước vào đời góp mặt thì shopping là “ma túy” của tinh thần họ. Đi thì mừng vui, không đi thì bất an, quay quắt. Người ta gọi đó là những kẻ nghiện… shopping.

Nghiện… shopping như là một “khối u ảo”, rất khó phẫu thuật, rất khó bóc tách để đưa về trạng thái cơ thể bình thường được. Y học cũng chưa chế được loại thuốc nào cắt ngay cơn nghiện shopping như người ta điều trị cắt các cơn nghiện rượu, nghiện thuốc lá. Tâm lý liệu pháp là cách có thể thực hiện được. Tuy dễ làm nhưng khó thành công vì đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì.

Hướng chữa trị bệnh này chỉ có một cách duy nhất là làm sao cho đừng… có tiền trong tay, vì có tiền thì lập tức đôi chân sẽ nhúc nhích, tinh thần sẽ hướng tới… shopping.

Tốt nhất là “tống” tiền vào sổ tiết kiệm hoặc nhờ người thân giữ hộ, chỉ giữ lại bên mình khoản tiền vừa đủ ăn uống và tiêu vặt trong tuần, trong tháng mà thôi. Khi không có nhu cầu thì tránh lai vãng ở những nơi mua sắm.

Lúc shopping, “thỉnh” theo một quân sư khó tính để làm “gián quan” hoặc tạo thói quen ghi lên giấy những gì mình cần mua. Với những thứ đột nhiên muốn mua thì câu hỏi luôn phải đặt ra là mua để làm gì? Chất lượng của món hàng này ra sao? Làm được những điều đó bệnh nghiện mua sắm sẽ dần… lui!

Người nghiện shopping hãy tự xem xét, săm soi lại bản thân mình để thay đổi một thói quen đã thành căn bệnh trầm kha. Từ đó, thay đổi cách sống, tạo dựng một trạng thái thần kinh vững chắc, yên ổn, chống lại sự cám dỗ của thú vui… trả tiền.

Nên tập trung thời gian cho học tập, cho công việc và tìm niềm vui, xả stress trong những môn thể dục thể thao hoặc các môn giải trí hữu ích khác để có một trạng thái tâm thần lúc nào cũng êm ả và bình thản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG

Dạy học nơi đầu sóng

GD&TĐ - Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 đảo lớn, nhỏ nằm sát nhau, thuộc sự quản lý của 2 xã: An Sơn và Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang).