Nghiên cứu khoa học trong trường ĐH: Thành tựu chưa đi đôi với mặt bằng

Nghiên cứu khoa học trong trường ĐH: Thành tựu chưa đi đôi với mặt bằng

Thành tựu đáng khích lệ

Trong năm 2019, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) được xếp vào top 10 ĐH nghiên cứu hàng đầu ASEAN theo Web of Science, top 1.000 đại học tốt nhất thế giới theo ARWU. Tính từ 1/8/2018 đến 31/7/2019, trường công bố 1.407 công trình trên các tạp chí hàng đầu thế giới thuộc danh mục ISI.

Nói về kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học (NCKH), TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý Phát triển Khoa học công nghệ TDTU chia sẻ: NCKH tại TDTU sớm được quốc tế hóa. Đây cũng là công việc bắt buộc mà mỗi giảng viên phải thực hiện. Tiêu chuẩn đánh giá nhiệm vụ nghiên cứu của TDTU tiệm cận với tiêu chuẩn tại ĐH tốt nhất của thế giới…

“Sản phẩm nghiên cứu của giảng viên TDTU được phân ra hai nhóm. Với nhóm nghiên cứu cơ bản, sản phẩm phải là công trình được công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus uy tín. Nhóm nghiên cứu ứng dụng (chỉ xem xét đối với những chuyên ngành đặc thù khó công bố ISI/Scopus), sản phẩm phải là các đề tài nghiên cứu ứng dụng giải quyết vấn đề trong thực tiễn và được chuyển giao phục vụ cuộc sống. Dù thực hiện hướng nghiên cứu nào, yêu cầu tiên quyết vẫn là giảng viên tự nâng cao năng lực thông qua kết quả nghiên cứu. Từ đó, chất lượng đào tạo của TDTU sẽ tăng lên, và chúng tôi xem đây là quá trình chuyển giao quan trọng nhất trong nghiên cứu của giảng viên”, TS Lê Văn Út thông tin thêm.

Là thành viên thuộc diện trẻ tuổi nhất của hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Quốc tế (IU-VNU) đã có thay đổi cơ bản trong hoạt động NCKH và đạt được thành tựu đáng biểu dương với thành tích công bố khoa học quốc tế được xếp hạng cao trong cả nước. Năm học 2018 – 2019, tỷ lệ công bố khoa học trung bình của IU-VNU đạt tỷ lệ 1,1 bài báo tạp chí quốc tế SCIE và scopus/tiến sĩ/năm.

Theo PGS.TS Phạm Văn Hùng - Trưởng phòng Quản lý khoa học IU-VNU, hoạt động NCKH của trường diễn ra rất sôi nổi. Năm học vừa qua, trường thành lập được 32 nhóm nghiên cứu tiêu biểu thuộc các lĩnh vực đào tạo và NCKH. Đề tài nghiên cứu của các nhóm không những tập trung vào nghiên cứu cơ bản mà còn nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sát với đời sống thực tiễn của xã hội hiện nay.

“Ngoài việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trường còn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn kinh phí cho hoạt động NCKH. Hiện nhà trường xây dựng được hệ thống 57 phòng thí nghiệm cho các chuyên ngành, lĩnh vực. Ngoài phần kinh phí được cấp từ ĐHQG TPHCM, trường trích một phần kinh phí từ nguồn thu để đầu tư xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, bảo đảm yêu cầu dạy học và NCKH”, PGS. TS Phạm Văn Hùng chia sẻ.

Nghiên cứu khoa học trong trường ĐH: Thành tựu chưa đi đôi với mặt bằng ảnh 1
Biểu đồ tỷ lệ NCKH ở các khối ngành của GV Trường ĐH Lạc Hồng. Ảnh: NTCC

Tỷ lệ không đồng đều

Mặc dù nhiều trường ĐH có đầu tư mạnh cho NCKH, tuy nhiên có một thực tế là tỷ lệ NCKH giữa các trường, lĩnh vực phát triển không đồng đều. Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai), trong những năm qua, trường tạo điều kiện rất tốt cho giảng viên NCKH. Cụ thể, kinh phí khen thưởng và đầu tư cho hoạt động NCKH được nâng lên rất cao. Một đề tài NCKH hoặc một bài báo khoa học uy tín nằm trong cơ sở dữ liệu ISI được thưởng đến 180 triệu đồng/công trình. Nhà trường khuyến khích tối đa nhằm phát huy nội lực nghiên cứu của tập thể giảng viên, SV trong toàn trường. Tuy nhiên, kết quả NCKH có hạn chế là chưa đồng đều được trong các khoa, ngành.

“Rất khó đồng đều trong NCKH ở các ngành, lĩnh vực. Tại LHU, ngành thuộc khối kỹ thuật có số lượng đề tài NCKH và chất lượng nổi trội hơn so với ngành thuộc khối kinh tế, xã hội. Số lượng giảng viên có đề tài nhận được kinh phí cao vẫn thuộc về các ngành thuộc khối kỹ thuật như dược, hóa, điện - điện tử, ô tô, cơ khí, công nghệ thông tin...”, Phó Hiệu trưởng LHU chia sẻ.

Tương tự, PGS.TS Phạm Văn Hùng - Trưởng phòng Quản lý khoa học IU-VNU cũng cho rằng: Công tác NCKH chưa thật đồng đều giữa các trường và nhóm ngành. Tuy nhiên, với mục tiêu phấn đấu trở thành trường ĐH theo định hướng nghiên cứu, IU-VNU luôn định hướng phát triển nhóm nghiên cứu xuất sắc để có thể công bố trên các tạp chí khoa học đỉnh cao. Đây cũng là lý do công bố của trường luôn đạt ở mức rất cao.

“Tuy vậy, vẫn còn một số giảng viên vì lý do công việc nên chưa tập trung dẫn đến việc NCKH chưa đồng đều giữa người dạy và lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Bên cạnh đó, đặc thù ngành nghề cũng ảnh hưởng đến khả năng NCKH của các nhóm, ví dụ ngành khoa học kỹ thuật, khoa học và công nghệ dễ dàng tập trung nhóm nghiên cứu và khả năng công bố cao hơn so với nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời, khả năng tìm kiếm nguồn tài trợ nghiên cứu và năng lực cơ sở vật chất cũng ảnh hưởng lớn đến công tác NCKH của các trường đại học và nhóm nghiên cứu hiện nay”, PGS.TS Phạm Văn Hùng chia sẻ. 

NCKH giữa các trường ĐH và nhóm ngành… chưa đồng đều là bình thường. Theo quy định chung, mỗi giảng viên ĐH phải có NCKH nhưng mỗi ĐH có thể yêu cầu chuẩn mực khoa học phù hợp với bối cảnh. Điều quan trọng nhất mà TDTU làm được là xây dựng chính sách trong nghiên cứu cho tất cả vị trí, chức vụ chuyên môn từ giảng viên đến GS. Với chính sách rõ ràng như thế, GV tự biết họ phải làm gì và chọn vị trí chuyên môn nào phù hợp với năng lực. - TS Lê Văn Út

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ