Nghiên cứu khoa học để giúp Tây Bắc phát triển bền vững

GD&TĐ - Hôm nay (18/10), tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Ban Chỉ đạo Tây Bắc  phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc".

Nghiên cứu khoa học để giúp Tây Bắc phát triển bền vững
Nghiên cứu khoa học để giúp Tây Bắc phát triển bền vững ảnh 1Nghiên cứu khoa học để giúp Tây Bắc phát triển bền vững ảnh 2Nghiên cứu khoa học để giúp Tây Bắc phát triển bền vững ảnh 3
Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc, cùng đại diện Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, lãnh đạo 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc cùng đông đảo các nhà khoa học thuộc ĐHQG Hà Nội, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ ở vùng Tây Bắc.

Thực tiễn đặt ra

Theo Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ: Với vị trí địa lý và nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, vùng Tây Bắc có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. 

Tây Bắc cũng là kho tàng văn hoá vật thể và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của nước ta.

Tuy nhiên, quá trình phát triển KT-XH của vùng gặp rất nhiều khó khăn bởi điều kiện tự nhiên nơi đây rất khắc nghiệt. Đồng bào phải đối mặt với tình trạng thiếu đất, thiếu nước để canh tác, sinh hoạt; giao thông đi lại khó khăn, kết cấu hạ tầng xã hội lạc hậu; tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thiên tai, trình độ dân trí và đời sống sinh hoạt của đồng bào rất lạc hậu - là rào cản rất lớn để duy trì sự ổn định và phát triển bền vừng của vùng.

Trước thực trạng trên, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, các chương trình được triển khai chưa dựa trên các cơ sở khoa học được nghiên cứu kỹ lưỡng có tính liên ngành theo hướng tiếp cận bền vững. 

Các nghiên cứu được thực hiện còn khá manh mún, đôi khi trùng lắp, hoặc nặng về tính hàn lâm, thiếu tính hệ thống, tổng thể và liên ngành, dẫn tới kết quả nghiên cứu chưa đưa ra được triết lý phát triển cho toàn vùng, chưa có cơ sở để quản lý liên ngành; kết quả nghiên cứu chưa đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong vùng.

Để khắc phục tình hình trên, Chính phủ đã giao cho ĐHQG Hà Nội chủ trì Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, nhằm nghiên cứu tổng hợp, liên ngành, có yêu cầu cao về hiệu quả, tính thiết thực, khả thi, có khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào đời sống của đồng bào vùng Tây Bắc.

Việc đánh giá các chương trình mục tiêu, chính sách hiện hành tại vùng Tây Bắc sẽ củng cố luận chứng khoa học và thực tiễn hỗ trợ cho các nhà quản lý phát huy hiệu quả của các chính sách cũng như những hạn chế, bất cập. Trên cơ sở đó điều chỉnh, đổi mới các chính sách, chiến lược phát triển vùng phù hợp.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích chính sách phát triển vùng Tây Bắc là bước khởi đầu quan trọng, vừa có nhiệm vụ định vị, vừa có vai trò kiến trúc, thiết kế chương trình. Nhiệm vụ này cần phải được xác định đúng đắn, rõ ràng với tính thiết thực, khả thi và hiệu quả cao; cần được trao đổi và lấy ý kiến rộng rãi trong cả ba nhóm nhà quản lý, nhà sử dụng và nhà khoa học.

Các nghiên cứu phát triển bền vững vùng Tây Bắc cần phải đảm bảo tính thiết thực, khả thi, hiệu quả

Tại hội thảo, đại diện các Bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương khu vực Tây Bắc đã có nhiều ý kiến trao đổi về phương pháp xây dựng và cấu trúc của Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và các bộ công cụ phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Ông Hoàng Anh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng - nhấn mạnh tính thực tiễn của cơ sở dữ liệu khi cho rằng: Nếu khung dữ liệu chỉ dừng lại ở mức độ thu nạp, cập nhật, giới thiệu thông tin thì chưa đủ. 

Khi đưa ra số liệu này thì tác động tổng thể đến kinh tế, xã hội ra sao, vấn đề phát sinh thì tác động tiếp theo sẽ như thế nào. Thì phải có bài toán cho những kết quả tiếp theo, điều này mới có giá trị thực tiễn và các địa phương mới áp dụng được.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành là một cấu phần quan trọng nhằm cung cấp thông tin đa lớp, tin cậy phục vụ cho triển khai NCKH và việc xây dựng, điều chỉnh chủ trương, chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH vùng Tây Bắc một cách bền vững. 

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích chính sách phát triển vùng Tây Bắc là bước khởi đầu quan trọng, vừa có nhiệm vụ định vị, vừa có vai trò kiến trúc, thiết kế chương trình.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc cần phải đảm bảo tính thiết thực, khả thi, hiệu quả, cung cấp luận cứ và giải pháp khoa học nhằm góp phần giải quyết trực tiếp các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững ở vùng Tây Bắc.

Tây Bắc đói nghèo còn rất cao 29,5% cho nên sinh kế cho đồng bào là gì, tính thiết thực vấn đề này là gì đang được đặt ra rất quan trọng. 

Trước hết là chương trình phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào của 14 tỉnh trên. Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách là để ứng dụng thực tiễn nên phải rất dễ truy cập, tổ chức thông tin phải tính đến vấn đề này.

Phó Thủ tướng yêu cầu: Đề tài trong Chương trình phải đưa ra được các sản phẩm áp dụng cho từng tỉnh và cả vùng nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH. Các nhà khoa học tham gia chương trình tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa để giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn của vùng Tây Bắc. 

Kết quả của từng đề tài, từng dự án phải trả lời bằng được câu hỏi: đóng góp được gì để giúp Tây Bắc phát triển bền vững, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện, quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc hơn.

Để triển khai hiệu quả Chương trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị chủ trì - tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban chỉ đạo Tây Bắc, với các Bộ, ngành, cơ quan khoa học, nhất là với các địa phương trong vùng để tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đạt kết quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo kế hoạch, việc triển khai Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2013-2015) nhằm mục tiêu đến năm 2015 có bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành về vùng Tây Bắc, bước đầu triển khai mô hình sinh kế và phát triển kinh tế xã hội, chuyển giao giải pháp khoa học, công nghệ cho một số địa phương.

Giai đoạn 2 (2016-2018) nhằm ứng dụng các kết quả, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm vào đời sống, sản xuất; đề xuất quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển bền vững cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ