"Kết quả đáng ngạc nhiên là các mối quan hệ và niềm hạnh phúc chúng ta có trong mối quan hệ ấy tác động mạnh mẽ tới sức khỏe của chúng ta", Robert Waldinger, nhà tâm thần học và giảng viên tại trường Y Harvard đúc kết. "Chăm sóc cơ thể rất quan trọng nhưng nhưng vun đắp cho mối quan hệ cũng là một cách tự chăm sóc mình. Tôi nghĩ, đó chính là bí mật của hạnh phúc", ông viết trên The Harvard Gazette.
Nghiên cứu bắt đầu từ năm 1938 kéo dài đến nay. Trong 80 năm, các nhà khoa học đã theo sát cuộc sống của 724 nam giới, gửi cho họ những bảng câu hỏi và phỏng vấn tại chính nhà mỗi người. Họ được theo dõi sức khỏe qua hồ sơ y tế, lấy mẫu máu, quét não. Các chuyên gia còn trò chuyện với vợ và con cái những người tham gia.
Đến nay, gần 60 người trong số 724 nam giới đó vẫn còn sống, đang ở độ tuổi 90 và vẫn tiếp tục được nghiên cứu. Hơn 2.000 con cháu họ cũng tham gia quá trình này.
Chia sẻ của giáo sư Robert Waldinger vềkết quả nghiên cứu của Harvard trong một bài nói chuyện tại chương trình Ted Talkđã thu hút hơn 23 triệu lượt xem trên mạng. Ảnh:Ted.com. |
Giáo sư Waldinger cho biết, những người bắt đầu tham gia nghiên cứu được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là sinh viên năm thứ 2 Đại học Harvard. Nhóm thứ 2 là những nam sinh từ khu dân cư, gia đình nghèo nhất của Boston những năm 1930.
Sau khi phân tích hàng chục nghìn trang dữ liệu nghiên cứu, Waldinger nói rằng, thông điệp rõ ràng nhất rút ra được là "những mối quan hệ tốt đẹp giúp chúng ta hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn".
Dưới đây là 3 bài học lớn được các nhà khoa học đúc kết từ nghiên cứu này.
Giao tiếp xã hội thực sự tốt cho bạn và giúp tiêu diệt nỗi cô đơn
"Những người có kết nối tốt hơn với gia đình, bạn bè, cộng đồng hạnh phúc hơn, có sức khỏe tốt hơn và sống lâu hơn so với những ai ít có các mối quan hệ gắn bó", giáo sư Waldinger nói.
Ngược lại, sự cô đơn rất độc hại. Waldinger chỉ ra rằng có những người cảm thấy đơn độc ngay cả khi ở giữa đám đông hay đang chung sống với bạn đời.
"Những người bị cô lập thấy họ ít hạnh phúc hơn, sức khỏe kém đi ở giai đoạn đầu tuổi trung niên, chức năng não suy giảm sớm hơn và tuổi thọ ngắn đi so với những ai sống trong các mối quan hệ ấm áp", Waldinger giải thích.
Trong các mối quan hệ, chất lượng quan trọng hơn số lượng
"Với bạn bè, việc bạn có bao nhiêu người không phải là vấn đề, quan trọng là những mối quan hệ thân thiết", nhà nghiên cứu nói.
Tương tự, việc có vợ hay chồng không đảm bảo bạn sẽ hạnh phúc mà cơ bản là bạn có cảm thấy yên bình, ấm áp trong mối quan hệ ấy không. "Sống giữa những bất đồng, lạnh nhạt về tình cảm thậm chí còn có hại hơn là ly dị", ông nói.
Những nam giới và phụ nữ 80 tuổi hạnh phúc nói rằng những khi cơ thể đau yếu, họ vẫn thấy vui vẻ. Trong khi đó, những người ở trong các mối quan hệ bất hạnh chia sẻ, nỗi đau thể xác của họ càng trầm trọng hơn khi nỗi đau tinh thần hiện diện.
Những mối quan hệ tốt đẹp giúp bảo vệ não bộ
Waldinger giải thích, sự gắn bó với những người khác giúp trí nhớ của bạn sắc bén hơn. Những ai luôn cảm thấy tin tưởng bạn đời, có thể nhờ cậy "nửa kia" khi cần thì khả năng ghi nhớ mọi thứ tốt hơn, lâu hơn.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định mối quan hệ tốt đẹp không có nghĩa là nó luôn hoàn hảo, lúc nào cũng êm xuôi. "Miễn là bạn cảm thấy mình thực sự có thể tin tưởng, nhờ cậy người kia vào các thời điểm khó khăn, thì những tranh cãi, bất đồng không ảnh hưởng tới ký ức của bạn", ông giải thích.
Nếu bạn muốn sống lâu hơn, hạnh phúc hơn, có các mối quan hệ tích cực, theo Waldinger, hãy thay thời gian ngồi trước màn hình bằng việc tiếp xúc với người thật, hâm nóng mối quan hệ nguội lạnh bằng cách cùng nhau làm điều gì đó mới mẻ như một cuộc đi dạo dài hay những tối hẹn hò hoặc liên lạc lại với những người thân mà vài năm nay bạn không còn trò chuyện.