UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Võ Hồng Thành, 50 tuổi, trú tại xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), là chủ của hai tàu cá đã vi phạm các quy định về khai thác thủy sản với số tiền lên đến trên 3 tỉ đồng. Đây là số tiền phạt lớn nhất từ trước đến nay dành cho một chủ tàu khai thác thủy sản trên biển ở địa phương này.
Trước đó, vào ngày 18/9, cơ quan chức năng thuộc Chi cục kiểm ngư Vùng 1 đã kiểm tra và lập biên bản xác nhận vi phạm các quy định về đánh bắt thủy sản trên vùng biển thuộc Vịnh Bắc Bộ của hai tàu cá mang số hiệu tỉnh Quảng Ngãi do ông Thành làm chủ tàu.
Lỗi mà cả hai tàu cá nói trên vi phạm là chủ phương tiện sử dụng tàu cá có chiều dài vượt mức quy định (cụ thể là một tàu 15m và một tàu 24m) nhưng không có giấy phép khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam, không trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định; không có nhật ký khai thác thủy sản; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã hết hạn; chủ tàu cá không mua bảo hiểm thuyền viên; không có sổ danh bạ thuyền viên; thuyền trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định.
Tất cả những lỗi nói trên là những điều tuyệt đối cấm kỵ trong giai đoạn hiện nay, khi mà đại diện Ủy ban châu Âu (EC) vừa có chuyến đi thực tế tại vùng biển Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện các quy định về đánh bắt hải sản trước khi Ủy ban này đưa ra quyết định cuối vùng về việc gỡ thẻ vàng cho Việt Nam, mở đường cho hàng thủy sản của nước ta vào châu Âu mà không bị làm “khó dễ” như thời gian vừa rồi.
Từ năm 2017, EC đã phạt thẻ vàng cảnh cáo về những vi phạm của các tàu đánh cá Việt Nam như khai thác vùng biển của nước khác, không gắn thiết bị giám sát hành trình, sử dụng chất cấm khi khai thác…
Vô số những phiền toái sau khi EC đã phạt thẻ vàng cảnh cáo này đối với ngành thủy sản Việt Nam khiến cho việc xuất khẩu thủy sản sang các nước châu Âu gặp rất nhiều khó khăn suốt 6 năm qua.
Việt Nam cũng đã nhiều lần mời đại diện của EC sang thị sát thực tế và đưa ra lộ trình cùng những cam kết sẽ thực hiện nghiêm những yêu cầu của tổ chức này. Năm nay là năm cuối cùng mà EC hoặc sẽ gỡ thẻ vàng đã phạt cảnh cáo hoặc phạt thẻ đỏ cấm vĩnh viễn thủy sản Việt Nam nhập vào châu Âu nếu như tiếp tục vi phạm các quy định của họ.
Chính vì những lý do nêu trên nên việc “thẳng tay xử phạt” đối với một ngư dân như trường hợp trên đây của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ngãi là điều dễ hiểu. Chỉ có thể nghiêm khắc như vậy thì việc chấp hành các quy định của pháp luật, kỷ cương phép nước mới được tuân thủ một cách nghiêm minh.
Lâu nay, tình trạng bất chấp pháp luật của một bộ phận chủ tàu đánh cá không chỉ diễn ra ở Quảng Ngãi mà hầu khắp cả nước. Chính phủ cũng đã nhiều lần quán triệt với các tỉnh chung quanh câu chuyện chấp hành khai thác thủy hải sản trong quá trình hành nghề. Tỉnh nào cũng đưa ra những cam kết, song việc vi phạm và tái phạm vẫn cứ diễn ra.
Việc phạt như trên có thể là quá nặng đối với một ngư dân, song phải làm như thế vì nếu du di, xuê xoa lúc này sẽ ảnh hưởng đến việc chung của đất nước chứ không riêng một tỉnh nào.