Niềm tin tâm linh bị trục lợi
“Tôi thấy buồn quá khi đọc những thông tin người dân chen chúc đổ xô đến các chùa cúng sao, giải hạn. Lại thêm lo ngại trước việc các chùa đặt ra mức giá thu tiền cúng sao giải hạn. Tại chùa Phúc Khánh, mỗi cá nhân đến đăng ký cúng dâng sao giải hạn phải nộp lệ phí 150 nghìn đồng/người. Có người đi đăng ký cho cả nhà vì thiếu 50 nghìn đồng đã bị từ chối khiến tôi sửng sốt. Với con số hàng chục nghìn người đến đăng ký như vậy, rồi thêm cả lệ phí cầu an nữa thì hàng năm số tiền chùa Phúc Khánh thu được là bao nhiêu?
Tổ chức nào kiểm đếm, quản lý nguồn thu này? Nhà chùa là nơi truyền bá giáo lý nhà Phật để Phật tử hướng thiện, làm điều “Tốt đời - Đẹp đạo” cho tất cả cùng an vui chứ sao lại “mượn danh Phật” mà bán “bảo hiểm nhân sinh” bất chấp luật “nhân - quả” như vậy”, bà Nguyễn Thu Thủy - giáo viên hưu trí (phố Hào Nam - Hà Nội) chia sẻ nỗi bức xúc.
“Tôi thấy xung quanh lĩnh vực tâm linh và tín ngưỡng văn hóa có nhiều “vấn đề” quá. Lâu nay, sự lãng phí tiền bạc, thời gian, niềm tin cho thói quen đốt vàng mã và cúng sao giải hạn thật vô cùng nan giải. Việc đốt vàng mã là câu chuyện tâm linh của nhiều gia đình với ý niệm “trần sao âm vậy”. Nhiều người đốt vàng mã theo phong trào và thói quen làm theo người khác chứ không hiểu rõ ngọn nguồn tập tục này.
Vàng mã là ngành nghề truyền thống mang lại lợi ích kinh tế cho một bộ phận dân cư. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã đem lại nhiều tác hại hơn là lợi ích vì hiện nay chúng ta đốt vàng mã quá nhiều, gây lãng phí, cháy nổ và ô nhiễm môi trường. Hàng năm, số lượng tiền quy ra từ việc đốt vàng mã của người Việt là không đếm xuể. Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê thì trong năm 2016, người Việt đã chi ra khoảng 16.000 tỷ đồng cho việc cúng lễ, đốt vàng mã… Tại sao dân mình lại mê muội như vậy?”, bà Trần Anh Thư - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thép Nhật Quang đặt câu hỏi.
Chung tay loại trừ tệ nạn
Theo Đại đức Thích Tuệ Nhật (Ban Hướng dẫn phật tử - Trung ương GHPGVN) phân tích: Cầu an vàdâng sao giải hạnlà hai hình thức có tính chất hoàn toàn khác nhau. Lễ cầu an là nghi lễ thuộc về Phật giáo. Lễ cầu an nhằm đem lại năng lực an lành của chư Phật, của Bồ Tát, của quý thầy tu tập, của từng người để dâng lên đức Phật, mong Phật bảo vệ, che chở. Khi thực hiện lễ cầu an, đồng nghĩa với việc hướng đến điều an lành, sống theo lời Phật dạy.
Còn dâng sao giải hạn theo quan niệm thực dụng là dâng lễ vật và tụng kinh để tai qua nạn khỏi. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì người đi dâng sao chưa đủ giác ngộ. Quan điểm nhà Phật là con người là chủ nhân quyết định vận mệnh của mình, không một ai hay thế lực nào có thể cứu ta và giải thoát cho ta. Không gieo nghiệp xấu, sống thiện thì mới có thể biến họa thành phúc. Vì vậy, việc đi cúng sao giải hạn không có nghĩa là ta sẽ được giải hạn.
Trước thực trạng biến tướng của hoạt động cúng dâng sao giải hạn, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) vừa có công văn yêu cầu các Sở VH,TT&DL, Sở VH&TT tiếp tục chấn chỉnh về vấn đề này. Nội dung công văn nêu rõ, việc các chùa tổ chức dâng sao, giải hạn là sự biến tướng, lợi dụng nhu cầu của người dân để trục lợi. Cục đề nghị địa phương có biện pháp chấn chỉnh, xử lý. Bộ cũng kiến nghị GHPGVN lên tiếng cảnh tỉnh người dân, nghiêm cấm các cơ sở thờ tự tổ chức dâng sao giải hạn.
GHPGVN cũng đã có văn bản thể hiện quan điểm của GHPGVN về vấn đề “dâng sao giải hạn”. Trong đó xác nhận “trong thời gian mấy năm trở lại đây đã tồn tại một thực tế là có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễcầu anở một số chùa như các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh”. Trên tinh thần vào cuộc chấn chỉnh những tập tục đang bị biến tướng, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự
GHPGVN yêu cầu đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố hướng dẫn, chỉ đạo các chùa trong cả nước thực hiện đúng tinh thần chính pháp, không để xã hội hiểu sai về Phật giáo.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho hay: Mùa lễ hội năm trước, nhằm tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự, GHPGVN đã có văn bản đề nghị tăng ni, Phật tử trên toàn quốc không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự. Sự lên tiếng khẳng định việc đốt vàng mã không có trong Phật giáo và sự vào cuộc của GHPGVN đã chỉ ra những sai lầm lâu nay trong thực hành tín ngưỡng của người dân. Đề nghị này đã bắt đầu nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của dư luận và nhân dân.
“Trong nghi lễ cúng dâng sao giải hạn cũng vậy, khi được thức tỉnh kịp thời, người dân sẽ tránh được sự lãng phí tiền của và khủng hoảng niềm tin đồng thời loại bỏ được nguy cơ biến tướng các giá trị văn hóa”, ông Sơn khẳng định.