Nghịch lý thị trường thanh toán thẻ

GD&TĐ - Tại Hội thảo “Tương lai thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử” vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương chỉ ra một nghịch lý của thị trường thanh toán thẻ hiện nay ở Việt Nam là đang thiên về số lượng. 

Nghịch lý thị trường thanh toán thẻ

Bởi trong số gần 100 triệu thẻ được các ngân hàng và tổ chức thanh toán phát hành đến nay, có đến 20 triệu “thẻ ma” phát hành rồi để đấy. Đây là một điều rất lãng phí khi đầu tư vốn lớn vào cơ sở hạ tầng ATM…

Phí thẻ Việt Nam cao nhất thế giới

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2015, số lượng thẻ nội địa được các ngân hàng phát hành đã ở mức hơn 100 triệu thẻ. Hiện tại, Việt Nam đang có dân số hơn 90 triệu, như vậy mỗi người đã sở hữu nhiều hơn 1 thẻ ngân hàng.

Khá dễ hiểu về các con số trên nếu biết trong những năm trở lại đây lượng thẻ ngân hàng mới được tung ra đã tăng lên chóng mặt. Nếu năm 2010, số lượng thẻ chỉ ở mức 31 triệu thì đến 2015, con số này đã tăng tới hơn 3 lần. Mặc dù vậy, số lượng thẻ hoạt động thực tế chỉ vào gần 70 triệu thẻ và chỉ có khoảng hơn 20 triệu người sở hữu những tài khoản ngân hàng này.

Không chỉ tăng mạnh về số lượng, doanh số thanh toán và doanh số sử dụng qua thẻ ngân hàng cũng tăng trưởng ở mức cao. Năm 2011, doanh số thanh toán ở mức 895.000 tỷ đồng và doanh số sử dụng đạt 724.000 tỷ đồng đến 2015, các con số này lần lượt là gần 1,7 triệu tỷ đồng và hơn 1,6 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, lượng máy ATM và máy POS cũng tăng mạnh, tính đến đầu năm 2016 toàn thị trường đã có 16.573 máy ATM và 217.470 máy POS, tăng trưởng 23% và 181% so với năm 2011.

Từ những con số trên có thể thấy thị trường thẻ ngân hàng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt, nhưng vẫn có một nghịch lý mà người dùng phải chịu là các chi phí có liên quan tới dạng thẻ này tại Việt Nam đang thuộc loại cao nhất thế giới. Theo TS Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương, chỉ tính riêng khoản chi phí phát hành thẻ cũng đang ở mức quá cao, hiện tại ở Việt Nam mức phí bình quân của 1 thẻ ngân hàng đang là 5 USD, trong khi đó trên thế giới chỉ vào khoảng 1 USD/thẻ.

Bên cạnh đó, khi sử dụng chủ thẻ còn phải chịu hàng loạt các chi phí có liên quan khác như phí in bản sao kê, phí rút tiền ATM, phí đổi ngoại tệ, phí thường niên, phí bảo dưỡng... Tóm lại, mỗi chủ thẻ đang phải gánh chịu hàng loạt các khoản chi phí khi sử dụng thẻ ngân hàng mà nhiều khi họ không biết…

Dùng thẻ ATM chủ yếu để rút tiền

Theo bà Lê Thị Hà - đại diện Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công Thương), hiện các ngân hàng đã phát hành hơn 100 triệu thẻ - nhưng thực tế số lượng thẻ hoạt động chỉ gần 70 triệu thẻ, có tài khoản cá nhân có tới 4-5 thẻ.

Đáng nói hơn nữa là 85% doanh thu thanh toán thẻ đến từ rút tiền tại các cây ATM. Chỉ có khoảng 15% doanh thu đến từ các điểm chấp nhận thanh toán POS và các giao dịch phát sinh khác. Thực trạng này có thể nhận thấy rất rõ vào giai đoạn cận Tết khi các cây ATM mặc dù có trong đó khoảng xấp xỉ 2 tỷ tiền mặt nhưng liên tục trong tình trạng quá tải người đến rút…

Để khắc phục tình trạng trên cũng như đưa thị trường thẻ Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng đang còn rất lớn, nhiều chuyên gia cho rằng đã tới lúc cần có các giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo TS Khôi, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng hoặc giảm thuế cho phần doanh thu qua giao dịch thẻ của các điểm bán hàng, đó cũng là cách giảm tải chi phí mà khách hàng sử dụng thẻ phải chịu. Bên cạnh đó, việc giảm thuế nhập khẩu của máy ATM, máy POS... cũng sẽ giúp khắc phục tình trạng những điểm thanh toán này mặc dù đang phát triển nhanh nhưng chỉ tập trung chủ yếu tại khu vực thành thị trong khi nông thôn và miền núi còn rất hạn chế.

Ngoài ra, cũng cần có quy định bắt buộc các cơ sở bán hàng, siêu thị, các dịch vụ có số lượng thanh toán lớn phải có phương thức thanh toán qua thẻ. Điều này không chỉ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thanh toán không bằng tiền mặt mà còn chống thất thu thuế một cách hiệu quả…

Được biết, một trong những nguyên nhân khiến đa phần người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt do không hoàn toàn tin tưởng về tính an toàn của các dịch vụ thanh toán qua mạng. Đặc biệt, trong bối cảnh xuất hiện nhiều vụ liên quan tới mất tiền trong thẻ ngân hàng diễn ra thời gian qua.

Chính vì vậy theo các chuyên gia, ngân hàng cần phải coi việc tăng cường an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ quan trọng nhất, qua đó đưa ra nhiều biện pháp đảm bảo an toàn giao dịch cho khách hàng ở mức độ cao như kiểm tra giọng nói, mống mắt... nhằm hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo các chuyên gia, để khuyến khích người dân dùng thẻ và các phương thức thanh toán không dùng bằng tiền mặt, thời gian tới, các ngân hàng thương mại cần đưa ra một chính sách phí hợp lý; tiếp tục đẩy mạnh số lượng POS phục vụ cho nhu cầu thanh toán hàng ngày của người dân...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ