Trong các cuộc khảo sát tại các diễn đàn, trên trang báo điện tử hay trang web của tổ chức công đoàn đa số người tham gia khảo sát đều phản đối tăng tuổi nghỉ hưu.
Nguyên nhân được nhắc đến nhiều là do áp lực thiếu việc làm cho lao động trẻ, sức khỏe lao động Việt Nam còn thấp… Thế nhưng, các nghiên cứu lại chỉ ra một thực tế rằng người lao động ở Việt Nam đang có thời gian làm việc ngắn và thời gian hưởng lương hưu dài hơn so với xu hướng quốc tế.
Tuổi nghỉ hưu thực tế rất thấp
Các chuyên gia quốc tế cho rằng tuổi nghỉ hưu của Việt Nam thấp so với đặc điểm nhân khẩu học của Việt Nam và có quá nhiều người nghỉ hưu sớm.
Người lao động Việt Nam về hưu khi còn rất trẻ theo chuẩn quốc tế, kể cả so với các nước đang phát triển. Ở hầu hết các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, tuổi nghỉ hưu là 65 hoặc đang tăng lên 65, còn ở phần lớn các nước Mỹ Latin là 65 tuổi.
Ở Đông Á, một số nước có tuổi nghỉ hưu là 65 (Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines) hoặc gần đây đang xem xét tăng tuổi nghỉ hưu, ví dụ Malaysia tăng lên 60 cho tất cả; Trung Quốc đang thảo luận tăng dần dần.
Ở đại bộ phận các nước, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ là bằng nhau hoặc đang xích lại gần nhau. Trong khi đó, ở Việt Nam tuổi nghỉ hưu trung bình là 51 (nữ) và 55 (nam).
Tuổi nghỉ hưu của Việt Nam (với phương án nữ tăng lên 58 tuổi, nam tăng lên 60 tuổi) so với tuổi nghỉ hưu của một số quốc gia. Ảnh: TTXVN
Mặc dù tuổi nghỉ hưu thấp được duy trì khá lâu nhưng người Việt Nam đang ngày càng thọ hơn và mạnh khỏe hơn…
Theo số liệu điều tra mức sống dân cư gần đây nhất, hơn 50% người nghỉ hưu ở thành thị vẫn tiếp tục làm việc sau khi về hưu. Phụ nữ Việt Nam có tuổi thọ từ 60 tuổi cao hơn nam giới và có số năm sống khỏe mạnh từ 60 tuổi cao hơn nhưng lại về hưu sớm hơn. Số năm sống khỏe mạnh kể từ 60 tuổi là 13,8 năm đối với nam và 16,1 năm đối với nữ.
Tuổi thọ trung bình đã tăng đáng kể từ 66 tuổi vào năm 1990 lên đến 75 tuổi ở thời điểm hiện tại.
Cải cách là xu hướng tất yếu
Việt Nam đang tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động để phù hợp với cấu trúc dân số đang thay đổi, dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng.
Kỳ vọng sống của người Việt Nam tương đương với các nước phát triển hơn Việt Nam như Brazil, Thái Lan và chỉ kém các nước Tây Âu 3-4 tuổi.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng chương trình hưu trí Việt Nam có đặc trưng là thời gian làm việc ngắn và kỳ vọng sống đang có xu hướng tăng.
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định (55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam).
Tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ khoảng 54 tuổi, trong đó nam khoảng 55 tuổi và nữ là gần 53 tuổi. Tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chỉ chiếm khoảng 40,5%, số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỷ lệ cao, trên 50%. Đặc biệt, trong vài thập kỷ gần đây, tuổi nghỉ hưu thực tế không tăng trong khi tuổi thọ của người dân Việt Nam đã cao hơn trước.
Ví dụ, một công dân Việt Nam sinh năm 1990 tại thời điểm đó được kỳ vọng sẽ sống đến 66 tuổi. Đến thời điểm này, công dân đó được kỳ vọng sẽ sống đến 75 tuổi.
Trong vài thập kỷ tới, tuổi thọ thậm chí sẽ còn tăng cao hơn, tiến đến 78 tuổi. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của những người đã sống đến 60 tuổi là 82.
Như vậy, trung bình, người lao động về hưu hiện tại nhận lương hưu khoảng 20 năm và vì tuổi thọ tăng nên thời gian hưởng lương hưu cũng dài hơn.
Cũng giống như Việt Nam, trong bối cảnh già hóa dân số là xu hướng chung, rất nhiều nước đã hoặc đang có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu. Tất nhiên, cải cách ở bất cứ nơi nào cũng đều khó khăn.
Trong thập kỷ 1990 và 2000, các nước Đông Âu và các nước Liên Xô cũ đã có những điều chỉnh mạnh về tuổi nghỉ hưu, mỗi năm lại tăng tuổi nghỉ hưu thêm 6 tháng và thường là tăng tuổi nghỉ hưu đến 65 tuổi.
Các nước châu Âu và OECD cũng đang trong quá trình tăng tuổi nghỉ hưu, mặc dù thường là tăng chậm hơn (cứ mỗi năm lại tăng thêm từ 1-3 tháng) và ngày càng nhiều nước tăng độ tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi. Hầu hết các nước đều hài hòa hóa độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ trong quá trình tăng độ tuổi.
Ngoài việc tăng tuổi nghỉ hưu để phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới thì đây là cũng biện pháp giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có những điều chỉnh nhằm đảm bảo tốt hơn nguyên tắc đóng-hưởng, khắc phục được một phần mất cân đối của quỹ.
Tuy nhiên, do những điều chỉnh đều có lộ trình khá dài, sau 20 năm, 30 năm sau mới tác động đến quỹ nên mức độ tác động đến quỹ là khá chậm.
Ông Nguyễn Duy Cường - Vụ Phó Vụ Bảo hiểm xã hội - cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp tác động trực tiếp và khá bền vững vì tác động vào cả đầu vào và đầu ra của quỹ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, trong những khảo sát được thực hiện gần đây, nhiều người lao động đang rất e ngại với việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu do lo ngại ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động./.