Nghịch lý ngành thép

GD&TĐ - Vài năm trở lại đây, trong khi ngành thép liên tục “kêu cứu” để tránh khỏi sự khủng hoảng thừa, thì không ít dự án mới lại tiếp tục mọc lên một cách vội vã.

Nghịch lý ngành thép

Điều đáng nói là các dự án thép này khiến dư luận lo ngại ảnh hưởng đến môi trường, nguồn điện năng và đời sống an sinh của người dân.

Những nghịch lý

Theo đại diện của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị trường thép đang dư thừa công suất cực kỳ lớn. Tại thị trường trong nước, với mặt hàng thép xây dựng thông thường (thép cây, cuộn, hình), tổng công suất thiết kế hiện nay của các doanh nghiệp (DN) ước khoảng 12 triệu tấn/năm, nhưng mỗi năm chỉ tiêu thụ hơn 7 triệu tấn.

Tương tự, khả năng đáp ứng phôi thép trong nước ở mức khoảng 12 triệu tấn/năm, nhưng tiêu thụ cũng chỉ ở mức 6 - 7 triệu tấn/năm là cùng.

Trong khi đó, tại thị trường nước ngoài, như Trung Quốc, lượng thép dư thừa mỗi năm lên tới hơn 80 triệu tấn. Hiện Trung Quốc đang phải ra sức đẩy sang nước khác để tiêu thụ cho mình số thép thừa đó.

Bởi vậy, nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan, Lào, Campuchia… lo ngại sự dư thừa thép đó sẽ đe dọa đến ngành thép đang có của mình nên họ không quy hoạch xây dựng thêm nhà máy thép.

Thế nhưng, nghịch lý lại đang tồn tại ở Việt Nam. Mấy năm trở lại đây, ngành thép không năm nào không kêu cứu với Nhà nước để tăng thêm hàng rào đối với thép nhập khẩu từ ngoài vào, nhưng trong nước lại liên tục quy hoạch thêm các dự án nhà máy thép.

Đáng nói, để dự án được phê duyệt, chủ đầu tư đều dự báo nhu cầu rất cao so với thực tế. Họ tính ở tốc độ khi đỉnh cao nhất và cứ thế đem nhân lên để tính tương lai về thị trường còn cần nhiều sản phẩm, xin đầu tư.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thực tế, tốc độ cao lên bao giờ cũng khó hơn so với những năm đầu chưa có. Khi mình có rất ít thì nhu cầu có thể tăng 10 - 15%, nhưng khi có nhiều rồi thì mức tăng 10 - 15% là một dung lượng lớn hơn nhiều so với ban đầu, rõ ràng có nhiều sai số rất lớn, không khả thi.

Bởi vậy nếu không tính toán kỹ, các DN ngành thép có thể phải trả giá... Bài học nhãn tiền về nhiều dự án thép lớn đang đứng ngấp nghé bên bờ vực phá sản gây lãng phí ngân sách nhà nước, đặc biệt là rất nhiều chi phí cơ hội người dân bị mất đi cho dự án, đang gây bức xúc dư luận.

Cần một chính sách đúng đắn

Theo các chuyên gia trong ngành, cứ mỗi dự án nhà máy thép được xây dựng là hàng nghìn người dân phải di dời, phải tìm kế sinh nhai mới.

Chưa kể còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, kể cả sử dụng các thiết bị hiện đại cũng không tránh được vấn đề về chất thải và không khí cũng như những tiếng ồn…

Bởi vậy các chuyên gia cho rằng, đừng vì dự án của mình làm mất cơ hội sinh sống của bao nhiêu người dân, mà ở đây là những người nông dân như làm muối, đánh bắt hải sản là mất cơ hội sinh sống từ đời này sang đời khác, mất cả nghề mà bao đời đã để lại.

Mặt khác, theo các chuyên gia, ngành thép cũng sử dụng năng lượng rất lớn. Bởi vậy, ai sẽ đầu tư hạ tầng điện năng này cho nhà đầu tư?

Bởi vậy, nếu thực hiện dự án, nhà đầu tư có phải tự lo những chuyện cung cấp nước và điện năng, đừng để Nhà nước lo, dẫn đến thêm những hệ luỵ cho xã hội và người dân.

Ngành điện vẫn phải mua điện ở Trung Quốc mới đủ cung cấp điện cho nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Rõ ràng người dân phải san sẻ nguồn điện năng cho nhà máy thép.

Điển hình, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 18 dự án thép đã được cấp phép và còn hiệu lực, tổng công suất hơn 14 triệu tấn/năm (vừa luyện, vừa cán) “ngốn” khoảng 60% sản lượng tiêu thụ điện, bởi vậy đã dẫn đến phá vỡ quy hoạch sử dụng điện, thiếu điện trầm trọng thời gian qua.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, trong khi Việt Nam rất cần vốn đầu tư cho hạ tầng, phát triển đồng bộ thì sự đầu tư “lệch” này đã khiến dòng vốn cho các lĩnh vực khác bị khan hiếm, hạn chế hoặc không phát huy hiệu quả đầu tư.

Đã đến lúc Việt Nam cần có những chính sách để chấn chỉnh kịp thời, ngăn chặn hữu hiệu kiểu khủng hoảng thừa và đầu tư thiên lệch này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ