Nghịch lý huyện nghèo ở Điện Biên, 'đất vàng đắp chiếu'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hàng chục lô 'đất vàng' án ngữ tại những vị trí đắc địa nhất ở huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đang nằm 'đắp chiếu'…

Gần 1.900 m2 đất thuộc Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Điện Biên nằm ngay trên Quốc lộ 6, với cơ sở vật chất xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả.
Gần 1.900 m2 đất thuộc Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Điện Biên nằm ngay trên Quốc lộ 6, với cơ sở vật chất xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả.

Xót xa nhìn “tấc vàng” để hoang

Phiên đấu giá vào tháng 2 vừa qua, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã bán đấu giá thành công 1 ô đất ở, với diện tích 71,5 m2. Ông Bùi Quang Liên, Trưởng phòng TN&MT huyện Tuần Giáo, cho biết: Lô đất này được đưa ra mức giá khởi điểm là 5,6 tỉ đồng. Ngay lập tức có doanh nghiệp đấu giá 6,1 tỉ đồng, xấp xỉ 90 triệu đồng/m2.

Điểm mặt hàng chục lô đất đang án ngữ tại các vị trí đắc địa nhất trung tâm huyện, nhưng lại có chung số phận “hẩm hiu”, ông Liên không khỏi trăn trở. Đa phần các lô đất này hiện đều được sử dụng không đúng mục đích, quy hoạch, tệ hơn nhiều khu đất bị bỏ hoang với hình ảnh hoang tàn, đổ nát.

“Theo thống kê thì hiện có 11 khu đất trong tình trạng này. Chủ yếu thuộc địa bàn thị trấn và xã Quài Cang. Có thể liệt kê, như: 2 khu đất, với tổng gần 900 m2 của Công ty Xăng dầu Điện Biên; gần 800 m2 trụ sở cũ của Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 226; gần 1.900 m2 đất Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Điện Biên, với cơ sở vật chất xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả…”, ông Liên thông tin thêm.

Điển hình cho sự hoang phí này là 2 lô đất thuộc khối Tân Tiến, thị trấn Tuần Giáo. Ngay tại ngã ba, giữa vị trí đắc địa, sầm uất với nhiều cửa hàng, cửa hiệu lớn dễ dàng nhìn thấy 2 khu đất rộng nhếch nhác, đổ nát nằm đối diện nhau. Nơi đây trở thành vị trí tập kết vật liệu và địa điểm quen thuộc của các xe bán hoa quả vỉa hè.

Một bên là cơ sở vật chất bỏ hoang của Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 226 có diện tích 798,8 m2. Lô này được tỉnh Điện Biên giao sử dụng lâu dài, từ năm 2006. Theo quy hoạch chi tiết thị trấn Tuần Giáo 1/500 thì vị trí này được quy hoạch đất ở hiện hữu.

Còn tại quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 là đất ở đô thị. Tuy nhiên, hiện tại là hình ảnh nhếch nhác, một phần trụ sở xuống cấp nghiêm trọng, phần còn lại đã bị phá dỡ.

Phía đối diện là khu đất cây xăng số 6 (thuộc quản lý của Công ty Xăng dầu Điện Biên). Được biết, đây là 1 trong 2 vị trí đất công ty được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt cho thuê vào năm 1995, 1996.

Mục đích thuê để sử dụng sản xuất kinh doanh, xây dựng kho và cửa hàng xăng dầu. Tuy nhiên, cả 2 vị trí này đều đang bỏ hoang, không sử dụng. Hiện công ty cũng đã xây dựng cửa hàng xăng dầu tại vị trí mới.

Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc Công ty Xăng dầu Điện Biên, cho hay: “Công ty không có nhu cầu sử dụng, tiếp tục thuê 2 khu đất trên. Vì vậy, chúng tôi đang làm các thủ tục đề nghị trả lại đất cho địa phương, chờ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước có văn bản trả lời, hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục. Hiện tại, Công ty đã dỡ hết tài sản trên đất để sẵn sàng chuẩn bị trả mặt bằng cho tỉnh”.

Mòn mỏi chờ thủ tục

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên và huyện Tuần Giáo kiểm tra trụ sở bỏ hoang của Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 226.
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên và huyện Tuần Giáo kiểm tra trụ sở bỏ hoang của Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 226.

UBND huyện Tuần Giáo đã kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên thu hồi, giao địa phương quản lý theo quy hoạch. Chính quyền cũng từng đề nghị kiểm tra việc sử dụng đất của 11 tổ chức, với 14 khu đất tại thị trấn Tuần Giáo, xã Quài Cang, Nà Tòng.

Mục đích vừa để tránh lãng phí tài nguyên đất, đồng thời đấu giá nhằm tăng nguồn thu ngân sách, phục vụ đầu tư ngược lại để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng khó.

“Ngày 1/11/2022, UBND huyện Tuần Giáo đã làm văn bản đề nghị Sở TN&MT thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Mục đích là kiểm tra, đánh giá việc sử dụng đất của các tổ chức được giao, cho thuê trên địa bàn, nhằm xây dựng phương án tháo gỡ”, ông Bùi Quang Liên, Trưởng phòng TN&MT huyện Tuần Giáo thông tin.

Đến nay, việc giải quyết dứt điểm những lô đất này vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ