Nghĩ về Lý Sơn

GD&TĐ - Lý Sơn, hay còn gọi là Cù lao Ré, là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi lần nghe đến cái tên Lý Sơn, lại trào dâng trong lòng một tình yêu đất nước. Bởi ở đó, hàng trăm năm trước, người Việt Nam đã giong buồm ra khơi, khai thác hải sản và gìn giữ biển đảo Tổ quốc...

Một góc Lý Sơn
Một góc Lý Sơn

1. Người Lý Sơn nổi tiếng về tài nghệ trồng hành tỏi, nhất là tỏi. Mà trong những luống tỏi ấy, thì nổi bật là giống tỏi cô đơn - bởi chúng chỉ duy nhất có một nhánh. Nghề trồng tỏi ở đây không dễ dàng gì, vì trên nền phau phau cát trắng, người và cây lầm lũi vươn lên. Những củ hành, củ tỏi hương vị đặc biệt mang thương hiệu Lý Sơn là kết quả của mồ hôi, công sức, của sự tỉ mẩn, vất vả của người dân trên đảo.

Để có được một luống tỏi, thì vất vả nhất chính là việc làm đất. Cứ sau mỗi vụ lại phải thay đất và cát. Dưới trời nắng gắt, người ta lại phải san nền ruộng, dùng đầm nện đất phẳng lì, sau đó rải một vài lớp đất mầu trộn mùn (thường là đất đỏ bazan đào trên núi) và cuối cùng là lớp cát trắng khai thác ngoài biển.

Mỗi năm bà con trồng 3 vụ hành và 1 vụ tỏi. Tỏi Lý Sơn được trồng vào khoảng tháng 9, tháng 10. Nhờ giống, thổ nhưỡng, khí hậu và phương pháp canh tác đặc biệt mà tỏi Lý Sơn cũng có hương vị đặc biệt. Đứng trên đỉnh núi Thới Lới, nhìn xa xa những thửa ruộng trồng hành, tỏi với nhiều hình dạng và màu sắc.

Toàn huyện đảo có 3 xã là An Hải, An Vĩnh (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé). Trên những xã đảo này, người dân dù làm nghề gì thì cũng đều trồng tỏi, vì giữ lấy nghề và đặc sản quê hương và cũng từ đó có được thu nhập. Tỏi cô đơn ở Lý Sơn bán đắt nhất so với bất kỳ loại tỏi nào. Và cũng chính vì thế nên du khách ra đảo, ai cũng cố tìm được chút tỏi mang về đất liền làm quà.

2.Lý Sơn có nhiều địa danh nổi tiếng, như Suối Chình, Chùa Hang, núi Giếng Tiền. Và cũng còn đó Đình làng An Hải, Chùa Hang và Âm Linh tự - như mảnh hồn của người dân đảo.

Hàng năm, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn được tổ chức đều đặn. Trong ngày lễ quan trọng này, người ta lại có dịp được nghe tiếng ốc u giục giã. Ngày trước, mỗi khi ốc u nổi lên cũng là lúc dân đảo tiễn hình nhân binh phu xuống thuyền để đi Hoàng Sa. Người ta nói rằng, tiếng ốc u chính là hiệu lệnh chỉ huy, liên lạc cho cả đoàn thuyền binh phu. Ốc u thổi lên từng hồi dài, ngắn, như sự kết nối kết đoàn của những con người gian nan trên biển.

Còn với trên đảo, người dân dùng tiếng ốc thay cho tín hiệu báo động cướp biển. Ốc u được trang bị cho những nhóm người đi tuần bảo vệ mùa màng.

Tới Lý Sơn, người ta được nghe kể về cụ Võ Chú, ở thôn Đông, xã An Vĩnh. Cụ được cho là một trong những người cuối cùng thổi ốc u. Chuyện kể rằng, cha của cụ Chú từng là người thổi ốc u hay nhất ở đảo. Đêm nào cha cụ Chú cũng mang ốc u đi tuần tra. Thương cha, cụ Chú tập thổi ốc u. Đó là cái nghề “rát cổ, thóp bụng”. Tới năm 20 tuổi cụ Chú chính thức thay tra mang ốc u đi tuần đêm. Nay không còn phải đi tuần đêm nữa, nhưng cụ Chú vẫn giữ con ốc u như một kỷ vật thiêng liêng.

Ốc u chuẩn phải lớn chừng 3 - 4 kg. Nó sống trong hang đá dưới đáy biển. Chiều mát mới ra khỏi hang ăn mồi, nếu phát hiện có mối nguy hiểm là chui vào hang ngay. Cụ Chú bắt được nó ở cửa hang đá gần bên đảo Bé sau nhiều ngày kiên nhẫn rình rập. Cụ Chú kể, ốc u có khi thổi hơi dài đến 5 phút. Lúc tiếng u…u…u phát ra là lúc uốn lưỡi lấy hơi, để tiếp tục thổi liền ngay sau đó. Ốc u nhiều người thổi được, nhưng thổi theo điệu, theo bài, ngắn dài, giục giã, vang ngân xa mấy trăm mét thì cả đảo bây giờ chỉ còn có 3 người.

Nhưng dẫu thế thì ốc u đã trở thành huyền thoại, như một tiếng gọi thiêng liêng của người dân đảo Lý Sơn. Nói như những vị cao niên trên đảo, đêm không nghe tiếng ốc u, bỗng thấy nhớ. Trước đây, đêm đêm bà con dân đảo nghe tiếng ốc u của dân quân thì an tâm, ngủ yên hơn. Nay, việc bảo vệ trị an đã theo cách khác, ốc u trôi vào dĩ vãng nhưng nó vẫn còn đó mãi mãi trong trái tim người dân trên hòn đảo này.

3.Hàng trăm năm trước, những đội dân binh từ đảo Lý Sơn giong buồm ra khơi, đến với Hoàng Sa, Trường sa. Trong những hải trình gian nan đó, không ít người đã vùi thân trong biển cả mênh mông, một lần ra đi là mãi mãi không về.

Để tưởng nhớ những người quên mình vì nước đã tan ra trong lòng biển khơi, người dân trên trên đảo đã lập ra những ngôi mộ, trong đó không có thi thể. Người ta gọi đó là những ngôi mộ gió. Bà con coi đó chính là để an ủi linh hồn người chết, và cũng là nơi để những linh hồn phiêu bạt trên đầu ngọn sóng tìm về với người thân yêu. Những linh hồn ấy cư ngụ trong những ngôi mộ gió - người dân đảo Lý Sơn luôn tin vào điều đó. Vì thế, những ngôi mộ gió nằm dọc bờ biển vẫn luôn có người hương khói. Mộ gió không cô đơn, không lạnh lẽo mà ấm áp tình người.

Đứng trước những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn, người ta hình dung được phần nào những dân đinh khỏe mạnh, cường tráng, giỏi bơi lội sung vào đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa. Họ đã cưỡi sóng ra khơi dù biết rằng chuyến đi ấy không tin chắc có ngày về. Thuyền nan bé nhỏ, sóng gió trập trùng nhưng họ vẫn ra đi vì nghĩa lớn. Để tri ân công trạng của những dân binh, triều đình nhà Nguyễn từng miễn thuế hàng năm, trợ cấp lương thực kèm theo đó còn được làng cấp cho quỹ đất để gia đình người thân của dân binh trồng hành, trồng tỏi mưu sinh làm ăn.

Về với Lý Sơn, dù chỉ là một thoáng ngắn ngủi, nhưng đứng trước những ngôi mộ gió không khỏi rơi nước mắt. Những ngôi mộ gió dù chỉ là những nấm đất nhỏ nằm rải rác, ẩn mình trong những ruộng hành, ruộng tỏi xanh bạt ngàn nhưng nó cũng chính là những ngôi mộ chiêu hồn được người dân trên đảo tôn kính. Trên đảo Lý Sơn, cũng có lúc những trận bão biển san bằng những ngôi mộ gió. Nhưng rồi người dân lại dựng lại, để các thế hệ con cháu muôn đời không bao giờ quên ông cha đã “Vị quốc vong thân”...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ