Bài 1: Quyết sách mở cửa đột phá
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy thách thức, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị lần đầu tiên khẳng định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế Việt Nam. Quyết sách mang tính bước ngoặt này không chỉ mở ra kỳ vọng đột phá mà còn đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển mới, nơi tiềm năng của khu vực tư nhân được khai phóng mạnh mẽ.
Bước ngoặt đột phá
Trải qua gần bốn thập kỷ kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, bức tranh kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ và những đóng góp ngày càng to lớn của khu vực kinh tế tư nhân.
Từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ban đầu, kinh tế tư nhân đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một lực lượng sản xuất chủ yếu, một trụ cột không thể thiếu của nền kinh tế quốc dân.
Những con số thống kê “biết nói” đã minh chứng cho điều đó: Đóng góp vào GDP liên tục tăng, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, đi đầu trong nhiều lĩnh vực đổi mới sáng tạo, và là mũi nhọn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, thu nhập bình quân đầu người năm 1989 chỉ đạt 96 USD/người, đến nay, Việt Nam đã vươn lên, lọt vào tốp 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tính đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên gần 4.700 USD/năm, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 476,3 tỷ USD. Trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 31/12/2024, khu vực kinh tế tư nhân có hơn 940 nghìn doanh nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách Nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế).
Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiếp tục là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần ổn định xã hội”.
Trong suốt gần 40 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào GDP, giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, khi lần đầu tiên “kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”.
Tư duy đột phá này như một lời cam kết mạnh mẽ gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và toàn thể nhân dân, rằng Nhà nước sẽ là kiến tạo, doanh nghiệp là trung tâm, phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài chứ không phải biện pháp tình thế.
Động lực tăng trưởng kinh tế chung
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) nhận định, Nghị quyết 68 không chỉ đơn thuần là một văn bản chính sách mới được ban hành.
Đây là kết tinh của một quá trình nhận thức lâu dài và sâu sắc về bản chất và vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh và xác định khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế vào năm 2025, Nghị quyết 68 ra đời như một sự cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược đó.
Theo chuyên gia, sự chuyển dịch từ “có vai trò quan trọng” sang “một động lực quan trọng nhất” không chỉ là một sự thay đổi về mặt thuật ngữ. “Nó hàm chứa một sự thay đổi căn bản, một bước nhảy vọt trong tư duy và quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Điều này thể hiện sự thừa nhận đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về sức sống mãnh liệt, khả năng đóng góp to lớn và tiềm năng phát triển vô hạn của khu vực kinh tế tư nhân”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
Một trong những thông điệp quan trọng mà Nghị quyết 68 gửi gắm là quyết tâm cải cách mạnh mẽ, toàn diện của Việt Nam. “Nghị quyết này mang một tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng lớn, không chỉ trong phạm vi quốc gia. Nó như một lời khẳng định với cộng đồng quốc tế, với các nhà đầu tư rằng Việt Nam đang quyết tâm cải cách mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và thực chất để huy động mọi tiềm năng, khai phóng mọi nguồn lực cho sự phát triển”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng khẳng định. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, với sự khẳng định mạnh mẽ về vai trò và vị thế, Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới đầy triển vọng cho kinh tế tư nhân Việt Nam, với những cơ hội vàng để bứt phá và phát triển. Nghị quyết đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo lập môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Điều này đồng nghĩa với việc các thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, và quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản hợp pháp của doanh nghiệp tư nhân sẽ được bảo vệ vững chắc hơn.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho biết: Sự khẳng định này càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” từ thị trường quốc tế, với những biến động khó lường và xu hướng bảo hộ gia tăng.
___________________
Bài 2: Nắm bắt cơ hội vàng để “cất cánh”