Nghị lực vượt lên bệnh tật của thủ khoa đầu vào trường Y

GD&TĐ - Mang trong mình căn bệnh u trung thất, thế nhưng Phạm Việt Hoàng chưa một lần đổ lỗi cho số phận mà lấy đó làm động lực để phấn đấu.

Phạm Việt Hoàng (bên trái) cùng cô giáo của mình.
Phạm Việt Hoàng (bên trái) cùng cô giáo của mình.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Phạm Việt Hoàng, sinh năm 2003 đạt 27,88 điểm với khối B00 và trở thành thủ khoa đầu vào ngành Răng - Hàm - Mặt, Trường Đại học Y Dược - ĐH Quốc Gia Hà Nội.

Biến cố nuôi dưỡng ước mơ

Đang học lớp 9, Việt Hoàng phát hiện mình mắc bệnh u trung thất. Để duy trì sự sống, em phải tạm ngưng việc học ba năm để tập trung chữa bệnh.

Suốt những năm nằm viện, Hoàng chứng kiến sự ân cần chăm sóc của các bác sĩ cho mình cũng như những bệnh nhân khác đã vun đắp cho em ước mơ sau này có thể trở thành một bác sĩ, chữa bệnh cứu người.

Nung nấu ước mơ làm bác sĩ, năm 2021 sức khoẻ dần ổn định, em bắt đầu đi học trò lại. Để theo đuổi nghề, cậu học trò nhỏ luôn cố gắng, nỗ lực tập luyện để phục hồi sức khỏe song song với đó tự học để không bị mất gốc.

Việt Hoàng chia sẻ: “Nằm trên giường bệnh, em phải trải qua rất nhiều cơn đau đã có lúc em nghĩ mình không thể nào qua khỏi. Thế nhưng, em nhìn thấy bố mẹ vất vả vì mình khao khát hơn được sống ngày một lớn”.

Được biết, bố mẹ Việt Hoàng làm nghề buôn bán tự do, kinh tế bấp bênh, khoản tiền kiếm được không mấy dư giả. Để đủ tiền chữa bệnh cho cậu con trai đau ốm, bố mẹ em phải nhận làm thêm nhiều việc như nhặt rau hay giao hàng.

Hoàng nghẹn ngào tâm sự: “Bố mẹ em còn phải vay mượn tiền từ ngân hàng, họ hàng để chữa bệnh, nuôi hai chị em ăn học thế nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ điều kiện để hai chị em học tập tốt. Hiện nay, gia đình em vẫn còn khoản nợ khá lớn cho những lần em đi xạ trị”.

Ngày quay trở lại trường học, nam sinh cố gắng dành nhiều thời gian cho việc học, tham gia các hoạt động thể dục thể thao nhằm giúp tinh thần thoải mái.

Để bản thân có cơ hội bước chân vào cánh cổng Trường ĐH Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, tân thủ khoa đầu vào nhớ lại: “Trong suốt 3 năm học THPT, em luôn đứng đầu lớp học các môn Toán, Hóa học, Sinh học. Lớp 12, tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nam Định em đạt giải Nhì môn Sinh học”.

Dù xuất phát điểm muộn hơn so với bạn bè đồng trang lứa nhưng, Hoàng luôn nỗ lực học tập, kiên định với mục tiêu mình đề ra. Em chưa bao giờ có ý định từ bỏ hay chuyển hướng khi gặp khó khăn.

Nhờ vậy, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tổ hợp B00, Việt Hoàng đạt 27,88 điểm (Toán 8,6 điểm; Hóa học 9,25 điểm; Sinh học 9,5 điểm).

“Ngày nhập học em được thông báo mình là thủ khoa đầu vào ngành Răng – Hàm – Mặt, em khá bất ngờ. Em hi vọng đây là món quà ý nghĩa em dành tặng cho bố mẹ, thầy cô đã luôn đồng hành, hỗ trợ cho em”, nam sinh chia sẻ.

Cân bằng thời gian học để khắc phục điểm yếu

Chia sẻ về phương pháp học của mình, nam sinh Phạm Việt Hoàng cho hay, toàn bộ kiến thức bản thân có được đều đến từ các tiết học chính khóa trên lớp và tài liệu do thầy cô cung cấp.

Nhận thấy bản thân yếu nhất là môn Toán mỗi ngày, em dành từ 2-3 tiếng tự ôn tập, cố gắng tập trung nắm chắc kiến thức cơ bản của môn Toán.

Riêng một tháng cuối, em tập trung cao độ vào giải đề, liên hệ đến những câu vận dụng, nâng cao.

“Khi tra cứu điểm, thấy mình đạt 8,6 điểm môn Toán em đã đứng hình mất mấy giây vì hạnh phúc. Em không nghĩ điểm số môn Toán của mình vượt xa kỳ vọng như vậy. Bởi trong thời gian tháng cuối ôn luyện, rất nhiều bài em vẫn làm sai”, nam sinh tâm sự.

Với môn Hóa học, Việt Hoàng dành ít thời gian ôn tập nhất, em chỉ tập trung nghe cô giáo giảng bài và cố gắng ghi nhớ rồi tranh thủ những giờ ra chơi để làm bài tập về nhà.

Còn môn Sinh Học, tân thủ khoa cho biết đây là môn học em yêu thích nhất. Từ những kiến thức có được, em lên ý tưởng vẽ sơ đồ tư duy, tổng hợp những nội dung liên quan và tô đậm những từ cần lưu ý để học. Bằng cách học đó, Việt Hoàng có điểm thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học vượt trội hơn hẳn.

Gắn bó cùng cựu học sinh trong suốt 3 năm học phổ thông, cô Vũ Thị Nhuần – giáo viên dạy Sinh học Trường THPT Giao Thủy B (huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) chia sẻ, Việt Hoàng là học sinh rất dũng cảm, đầy nghị lực, dù bản thân đau ốm thường xuyên nhưng em vẫn luôn cố gắng theo đuổi ước mơ của mình.

Mỗi khi học em rất say mê, đặc biệt là môn Sinh học. Dù sức khoẻ không tốt nhưng em vẫn tham gia ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi. Có những hôm, đang học Hoàng bị sốt cao, tôi phải chở em đến bệnh viện để cấp cứu”.

Chứng kiến nỗi đau cậu học trò nhỏ trải qua, cô Nhuần nhiều lần khuyên Hoàng nên cân nhắc ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi để giảm áp lực. Thế nhưng, Hoàng vẫn quyết tâm ôn thi đến cùng. Năm học lớp 12, em tham gia kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Sinh học và đạt giải Nhì”.

Hiểu những khó khăn, vất vả của gia đình cậu học trò, cô Nhuần đã xin nhà nhận học bổng hỗ trợ học tập, miễn các khoản đóng góp cho em. Đồng thời, cô cũng dạy kèm miễn phí môn Sinh học.

“Tôi rất thương Hoàng, xem em như con trong nhà, sẵn sàng động viên và đồng hành cùng em. Thủ khoa khối B00 ngành Răng – Hàm – Mặt là thành quả xứng đáng sau những nổ lực không ngừng nghỉ của em" - cô Nhuần bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ